Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1: Tự hào mốc son lịch sử

Thứ năm, 26/5/2022 | 08:13 GMT+7
Cách đây 28 năm, vào lúc 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra lệnh hòa hệ thống điện Miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa Đường dây 500kV mạch 1 đầu tiên của nước ta vào vận hành. 

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đứng giữa), Bộ trưởng Bộ năng lượng Thái Phụng Nê (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng CBCNV TBA 500kV sau gần một năm vận hành TBA 500kV Pleiku.
 
Suốt 28 năm qua, không phụ lòng các thế hệ đi trước, CBVCLĐ của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tâm để giữ cho Đường dây 500kV mạch 1 được vận hành an toàn, liên tục, ổn định và phát huy vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng của cả nước.
 
Ngược dòng thời gian
 
Kỷ niệm 28 năm ngày đóng điện và vận hành Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1, xin ngược dòng thời gian để ghi nhận hành trình 28 năm tôn vinh giá trị nghành điện và bản lĩnh người thợ Truyền tải điện Việt Nam, ghi nhận sự phát triển và khả năng hội nhập thời đại của người “lính truyền tải điện” trên những cung đường quản lý vận hành.

Ông Đặng Hùng - Phó Tổng Giám đốc EVN (chính giữa) và lãnh đạo PTC3 trong đợt kiểm tra chỉ đạo xử lý tai biến địa chất vị trí 2965 ĐZ 500kV Bắc Nam, 11/8/1999.
 
Công trình Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lệnh khởi công phần đường dây vào ngày 5/4/1992 tại các vị trí móng số 54, 852, 2702 và khởi công phần trạm biến áp vào ngày 21/01/1993 tại Trạm biến áp 500kV Phú Lâm, TP. Hồ Chí Minh. Công trình có tổng chiều dài 1487 km, gồm có 3.437 cột điện tháp sắt đi qua 17 tỉnh thành, 7 lần vượt sông và 17 lần vượt quốc lộ. 
 
Được thi công trong bối cảnh đất nước ta còn muôn vàn khó khăn nhưng bằng sự quyết tâm cao nhất, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân ta đã vượt lên trên những gian nan, vất vả để làm nên một Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 rất đáng tự hào. 
 
Công trình Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 được thiết kế và xây dựng trong một thời gian nhanh kỷ lục. Chỉ hai năm từ khi khởi công đến khi đóng điện thành công đã thể hiện rõ trí sáng tạo, tinh thần quyết tâm lao động quên mình và trách nhiệm cao của đông đảo đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam.
 
Công trình Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 đóng điện vận hành thành công đã chứng minh tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, trong đó phải nói đến vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khắc ghi một mốc son lịch sử quan trọng trong sự phát triển của ngành Điện lực Việt Nam.
 
Ý nghĩa lịch sử 
 

Dấu chân không mỏi của “lính truyền tải điện 3” trên những cung đường quản lý vận hành ĐZ 500kV Bắc – Nam.
 
Trước khi công trình Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 đưa vào vận hành, ngành điện của ta còn kém phát triển. Nguồn điện chỉ cung cấp chủ yếu cho các phụ tải quan trọng, tình trạng cắt điện luân phiên, hiện tượng sự cố làm mất điện xảy ra thường xuyên, nhất là Miền Trung, Miền Nam và Tây Nguyên. Ngành điện chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 
 
Khi công trình Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 được đóng điện vận hành, ngay lập tức: Truyền tải lượng điện năng dồi dào từ Miền Bắc cung cấp cho Miền Nam, Miền Trung và Tây Nguyên, lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện ở nơi đây; liên kết hệ thống điện cục bộ của ba miền thành một khối thống nhất; đáp ứng nhu cầu về điện cho cả nước; mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ta; khởi đầu một xa lộ truyền tải thông tin hữu ích để phát triển công nghệ thông tin; đánh dấu sự chuyển hóa từ trạng thái lạc hậu, lưới điện truyền thống sang trạng thái tiên tiến, lưới điện thông minh. 
 
Thành công của Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 đã mở ra một kỷ nguyên mới: bước ngặt phát triển mạnh mẽ về kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước; ngành điện đã dần đi trước một bước phục vụ nhu cầu sử dụng điện của cả nước; đời sống người dân dần được cải thiện và văn minh hơn.
 
Đường dây 500kV mạch 1 với Công ty Truyền tải điện 3
 

CBVCLĐ PTC3 không ngừng học tập, nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng KHCN tiên tiến hiện đại vào QLVH lưới điện truyền tải.
 
Đã đi qua 28 năm, thời gian trôi đi, những mái đầu xanh của người “lính truyền tải điện” năm xưa nay đã chuyển hoa râm, nhưng Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 mãi mãi là biểu tượng của sự đam mê, niềm kiêu hãnh tôn vinh những giá trị văn hóa của ngành điện và bản lĩnh của “lính truyền tải điện” Việt Nam. 
 
Suốt 28 năm qua, vẫn luôn là những dấu chân không mỏi, không ngừng nỗ lực phấn đấu trong lao động sản xuất, cũng như nghiên cứu học hỏi, tiếp cận kiến thức mới, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quản lý vận hành của toàn thể CBCNV PTC3 nói riêng, ngành điện lực Việt Nam nói chung. 
 
Tình yêu ngành, yêu nghề và bầu nhiệt huyết vẫn luôn căng tràn trong mỗi cán bộ, kỹ sư và công nhân PTC3, những người đang ngày đêm canh giữ cho dòng điện 500kV Bắc – Nam, huyết mạch của Tổ quốc, cũng như hệ thống lưới điện truyền tải trên địa bàn 09 tỉnh Nam miền Trung – Duyên Hải – Tây Nguyên, gồm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, đảm bảo luôn an toàn, liên tục, ổn định phục vụ tối đa nhu cầu sử dụng điện của phụ tải.
 
Thực tiễn quản lý vận hành Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 còn hơn cả một thao trường, đã đào tạo cho PTC3 nhiều thế hệ cán bộ quản lý giỏi, nhiều kỹ sư và công nhân kỹ thuật giỏi về chuyên môn với bản lĩnh tay nghề vững vàng, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển của PTC3 như hôm nay.
 
Viết tiếp trang sử hào hùng 
 
Thời kỳ đầu khi Đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 được đóng điện vận hành PTC3 đã gặp không ít khó khăn bởi công nghệ, thiết bị của công trình hoàn toàn mới lạ và còn nhiều bỡ ngỡ trong việc chuyển đổi cách quản lý vận hành mới. Nhưng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm PTC3 đã vượt lên trên hết, nhanh chóng làm chủ công nghệ và quản lý vận hành an toàn, liên tục, ổn đinh hệ thống.  
 
Tiếp nối thành công của thế hệ đi trước, tập thể lãnh đạo của PTC3 ngày nay với tinh thần dám nghĩ - dám làm; bằng nội lực - sức trẻ - sáng tạo; trách nhiệm - tận tâm; đổi mới - linh hoạt trong công tác quản trị, điều hành PTC3 ngày càng nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời cải thiện môi trường, điều kiện làm việc; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần CBCNV. 
 
CBVCLĐ PTC3 không ngừng học tập, nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng khoa học tiên tiến, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo vào mọi mặt sản xuất của công ty và công tác quản lý vận hành lưới truyền tải điện. Công nghệ đã làm thay rất nhiều việc của con người, hiệu quả công tác đã nâng lên gấp nhiều lần so với trước đây mà lại giảm bớt sức lao động và sự nguy hiểm cho người công nhân. Trình độ chuyên môn và năng lực công tác cũng như chất lượng nguồn nhân lực của PTC3 đã được nâng cao đáng kể. PTC3 phát triển nhanh, mạnh và dần trở thành một doanh nghiệp số trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.
 
Qua các thời kỳ, người lao động PTC3 vẫn luôn giữ trọn niềm tin và thái độ lạc quan trong mọi hoàn cảnh, đồng thời hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống truyền tải điện quốc gia đối với ngành điện và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó, tập thể lãnh đạo và CBVCLĐ PTC3 cùng nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, đoàn kết cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao, không ngừng sáng tạo đạt được nhiều thành tích mới trong quản lý vận hành, tiếp tục tô thắm và viết tiếp trang sử hào hùng của ngành Điện lực Việt Nam. 
 
Tự hào chúng tôi là những người “lính truyền tải điện 3”!
 
Trịnh Văn Hải