Đúng 05 giờ 00 phút ngày 20/05/2022, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Truyền tải điện Gia Lai đã phát lệnh diễn tập phương án PCTT và TKCN năm 2022 phần đường dây với tình huống giả định như sau: “Do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, qua kiểm tra những vị trí xung yếu trên tuyến, phát hiện tại vị trí 158 đường dây 220kV Pleiku 2 - Yang Trung bị xói lở từ vị trí chân móng xuống phía taluy âm và có nguy cơ gây sạt trượt, lan rộng vào chân móng cột. Cần thiết phải xử lý để ngăn ngừa nguy cơ sạt trượt móng cột, nhằm đảm bảo vận hành an toàn đường dây truyền tải”.
Sau khi nhận được lệnh, hơn 55 CBCNV thuộc phòng Kỹ thuật, các Đội truyền tải điện trực thuộc Truyền tải điện Gia Lai và sự tham gia của 02 đơn vị bạn là Truyền tải điện Bình Định và Truyền tải điện Đắk Lắk đã tập trung xử lý tình huống, diễn tập phương án tại vị trí 158 đường dây 220kV Pleiku 2 – Yang Trung theo sự giám sát và chỉ huy chung của ông Hà Thanh Xuân – Phó Giám đốc đơn vị.
Đây là vị trí nằm trên đồi cao, thuộc khu vực đèo Mang Yang, xã H’Ra huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Địa hình phía dưới là taluy âm có độ dốc cao, phía trên là taluy dương giáp với hành lang đường dây 220kV sinh khối An Khê - Pleiku, hành lang chủ yếu là chồi cây rừng thấp, xung quanh ngoài hành lang là rừng thông phòng hộ có đường kính từ 15-20cm do Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang quản lý.
Giải pháp để xử lý xói lở móng cột vị trí 158 được đưa ra là: Tại điểm xói lở cách chân móng trụ 12m dùng rọ đá thép mạ kẽm (kích thước: 2,0m x 1,0m x 1,0m) xếp đá hộc, xếp chồng so le lên nhau làm tường chắn, đóng 10 cọc sắt L63x63 dài 2,5m để chắn giữ cố định rọ đá; Đắp đất phần bị xói lở và đầm chặt bằng đầm cóc; bổ sung đắp đất thêm từ vị trí chân móng của rọ đá về phía taluy âm có chiều dài khoảng 10m nhằm để chống xói lở sạt trượt; trải 01 lớp bạt phủ đều lên bề mặt khu vực trên mái đất vừa đắp để chống thấm nước vào nền đất móng trụ nhằm ổn định lớp đất bề mặt.
Sau 04 giờ xử lý tình huống với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và sự phối hợp nhịp nhàng, các nhóm công tác đã hoàn thành các nội dung diễn tập một cách an toàn, hiệu quả, đạt yêu cầu và tiến độ theo như phương án đã được phê duyệt.
Trong cùng ngày, vào lúc 8h30 phút, Ban chỉ huy PCTT và TKCN Truyền tải điện Gia Lai cũng đã phát lệnh diễn tập phương án PCTT&TKCN năm 2022 tại Trạm biến áp 500kV Pleiku 2, thuộc làng OSơ, xã Ia Kênh, Pleiku, Gia Lai với tình huống giả định: “Do ảnh hưởng mưa bão kéo dài, qua kiểm tra phát hiện một số hiện tượng: Tụ bù dọc TBD503 pha B có hiện tượng sụt lún, bị nghiêng về phía pha A và có nguy cơ đổ ngã gây sự cố; các tủ đấu dây nội bộ của thiết bị ngoài trời ngăn TBD503 có nguy cơ nước mưa xâm nhập vào bên trong gây chạm chập mạch nhị thứ; mái tôn nhà bơm PCCC bị gió bão giật mạnh có khả năng gây tốc mái. Cần thiết phải xử lý kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ sự cố, đảm bảo thiết bị vận hành an toàn”.
Hơn 20 CBCNV của 03 Trạm biến áp 500kV Pleiku, 500kV Pleiku 2, 500kV Pleiku 3, cán bộ Phòng kỹ thuật đã được huy động cùng với vật tư, trang thiết bị cần thiết để xử lý tình huống dưới sự chỉ huy chung của ông Trần Khánh Trung – Phó Giám đốc đơn vị.
Nhân lực tham gia được chia thành 03 nhóm công tác để thực hiện các nhiệm vụ tại 03 khu vực trong Trạm biến áp 500kV Pleiku 2: Nhà bơm PCCC, tủ đấu dây nội bộ của thiết bị ngoài trời ngăn TBD503 và tại móng tụ bù dọc TBD503 pha B.
Sau hơn 02 giờ xử lý tình huống, các nhóm công tác đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra theo phương án đã được phê duyệt đảm bảo an toàn, đúng tiến độ.
Tham gia góp ý tại buổi diễn tập phương án PCTT và TKCN năm 2022, đại diện các đơn vị Truyền tải điện Bình Định và Truyền tải điện Đắk Lắk đã đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như quá trình diễn tập xử lý tình huống rất của các cán bộ, công nhân quản lý vận hành Truyền tải điện Gia Lai. Đây cũng là dịp để các đơn vị cũng được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để có được hỗ trợ tốt nhất nếu có tình huống sự cố xảy ra trong thực tế.
Ông Đặng Đức Lý – Giám đốc- Trưởng ban PCTT và TKCN Truyền tải điện Gia Lai cho biết, các tình huống trong phương án diễn tập cần được rà soát, cập nhật bổ sung cho sát với thực tế để nếu có xảy ra thì sẽ được xử lý một cách tốt nhất. Các Đội, Trạm cần chủ động trong việc phòng ngừa và xử lý sự cố với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nhằm đảm bảo quản lý vận hành lưới điện an toàn.
Công tác diễn tập PCTT và TKCN là hoạt động rất cần thiết trước mùa mưa bão, nhằm mục đích nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của CBCNV. Việc chủ động, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng các phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng cho công tác PCTT&TKCN sẽ góp phần quan trọng để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần đảm bảo cho lưới điện được vận hành an toàn, hiệu quả.