Tiến độ công trình

Đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân khó hoàn thành đúng tiến độ: Nguy cơ thiệt hại cả triệu USD mỗi ngày

Thứ năm, 26/3/2020 | 09:36 GMT+7
Nếu đường dây 500 KV Vân Phong - Vĩnh Tân không hoàn thành trước ngày 26/12/2022, ngành điện sẽ vẫn phải trả phí công suất lên tới 1 triệu USD/ngày, nhưng không nhận được điện, dù nhà máy có phát ra điện.
TBA Vĩnh Tân - nơi sẽ đấu nối với đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Vân Phong.
 
Mất 44 tháng để ra chủ trương đầu tư
 
Dự án Đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân để nhận điện từ Dự án BOT Vân Phong 1 là dự án thuộc nhóm A, cấp đặc biệt, dài khoảng 172 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
 
Nhận thức được tầm quan trọng và độ phức tạp của Dự án, nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) sớm triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư song song với quá trình đàm phán Hợp đồng mua bán điện. Hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi của Dự án (Pre FS) được EVN trình Bộ Công thương ngày 4/11/2015.
 
Tiếp đó, ngày 11/3/2016, EVN đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định và phê duyệt Pre FS.
 
Tới tháng 5/2016, tại Văn bản số 3789/VPCP-KTN, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bên để thẩm định Pre FS. Tới tháng 9/2018, Bộ Công thương mới hoàn thành thẩm định và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Pre FS.
 
Sau đó, tháng 11/2018, tại Văn bản số 10862/VPCP-CN, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn) hướng dẫn EVN hoàn thiện hồ sơ để xem xét quyết định chủ trương đầu tư của dự án theo quy định Luật Đầu tư công số 67/2014/QH13. 
 
Vào tháng 12/2018, Ủy ban Quản lý vốn có Văn bản số 385/UBQLVNN-NL báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao cơ quan chủ trì thẩm định để quyết định chủ trương đầu tư, do Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 không quy định thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
 
Trả lời đề nghị này, tháng 2/2019, trong Văn bản số 1580/VPCP-CN, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao “Ủy ban Quản lý vốn khẩn trương xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân theo báo cáo của EVN, theo thẩm quyền được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13”.  
 
Tuy nhiên, vào tháng 4/2019, Ủy ban Quản lý vốn lại có Văn bản số 454/UBQLVNN-NL đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư với các dự án nhóm A, đi qua nhiều tỉnh, thành phố. Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn cũng có Văn bản số 591/UBQLVNN-NL báo cáo Chính phủ và kiến nghị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng (nơi đặt trụ sở Ban Quản lý các công trình điện miền Trung, đơn vị trực thuộc được chủ đầu tư giao quản lý Dự án) là nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ.  
 
Tại Văn bản số 745/TTg-CN (ngày 24/6/2019), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn khẩn trương xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án và hướng dẫn EVN thực hiện các bước tiếp theo để đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ. 
 
Sau đó, Dự án đã được Ủy ban Quản lý vốn quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 264/QĐ-UBQLVNN vào tháng 7/2019. Giá trị sơ bộ tổng mức đầu tư khi đó là 2.856,6 tỷ đồng. Như vậy, sau 44 tháng kể từ khi chủ đầu tư có tờ trình lần đầu, dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư.
 
Lúng túng tìm người quyết
 
Ngay sau khi chủ trương đầu tư Dự án được phê duyệt, EVN và EVNNPT đã lập, thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) theo thủ tục, trình tự quy định. Tháng 11/2019, thiết kế cơ sở Dự án đã được Bộ Công thương kết luận “phù hợp với quy hoạch được duyệt, có giải pháp thiết kế hợp lý, đáp ứng cơ bản các yêu cầu kỹ thuật hiện hành”.
 
Ngày 12/2/2020, FS đã được EVN trình lên Ủy ban Quản lý vốn phê duyệt tại Tờ trình số 721/TTr-EVN. Theo đó, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dự án đến đất rừng theo yêu cầu tại Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, trong FS, các cột điện và đoạn tuyến đi qua rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã được thiết kế cột cao hơn để vượt rừng (ngoại trừ các vị trí móng), bởi vậy, giá trị tổng mức đầu tư tăng thêm gần 500 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã phê duyệt, lên 3.355,3 tỷ đồng. 
 
Từ đây lại xuất hiện các phát sinh mới.
 
Tại báo cáo 369/UBQLVNN-NL (ngày 4/3/2020) gửi Thủ tướng Chính phủ có nêu, do tổng mức đầu tư của dự án cao hơn so với giá trị sơ bộ tổng mức đầu tư được lập trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, nên cần thiết phải có ý kiến thống nhất của cơ quan quyết định chủ trương đầu tư trước khi người có thẩm quyền xem xét, quyết định đầu tư dự án.
 
Vẫn theo Ủy ban Quản lý vốn, theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP, Dự án đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân do EVNNPT là chủ đầu tư và đây là doanh nghiệp cấp 2, do EVN làm chủ sở hữu. Trong khi đó, Ủy ban Quản lý vốn có vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại EVN, nhưng không trực tiếp đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại EVNNPT. Vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn không có vai trò quyết định đầu tư dự án. Người quyết định này, theo Ủy ban Quản lý vốn, là HĐTV của EVN.  
 
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn kiến nghị giao cơ quan quản lý nhà nước có chức năng và nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện việc phê duyệt tăng giá trị tổng mức đầu tư dự án cao hơn so với giá trị sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP lẫn thẩm quyền quyết định đầu tư với dự án này đang được EVNNPT là chủ đầu tư.
 
Bế tắc với thực tế của dự án, vào ngày 13/3/2020, EVN lại có báo cáo khẩn tới Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho phép triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án với cơ chế tương tự các đường dây 500 kV mạch 3 đang xây dựng, đồng thời cũng kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn kiểm tra, chấp thuận giá trị tổng mức đầu tư (giai đoạn lập FS) tăng so với sơ bộ tổng mức đầu  tư (giai đoạn lập Pre FS) theo đề nghị của EVN tại Tờ trình số 721/TTr-EVN nhằm mục đích giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của dự án đến đất rừng.
 
Đồng thời, EVN cũng kiến nghị được giao tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư xây dựng công trình Đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân theo đúng quy định của pháp luật.
 
Thiệt hại triệu đô mỗi ngày
 
Đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Vân Phong chính là cầu nối để đưa toàn bộ sản lượng điện của Nhà máy BOT Vân Phong 1 hòa vào lưới điện quốc gia, bổ sung nguồn cung khi nhu cầu dùng điện tăng mạnh.
 
Được biết, theo Hợp đồng mua bán điện giữa Công ty TNHH Điện Vân Phong 1 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cùng với các hợp đồng dự án khác, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 sẽ vận hành thương mại Tổ máy 1 vào ngày 26/9/2023 và vận hành thương mại Tổ máy 2 vào ngày 26/1/2024, cung cấp khoảng 10,4 tỷ kWh điện/năm.
 
Ở thời điểm tháng 2/2020, số vốn vay đã giải ngân tại Dự án Nhà máy điện Vân Phong 1 là 350,29 triệu USD, số vốn chủ sở hữu đã giải ngân là 117,17 triệu USD. Điều này cho thấy, dự án đang được triển khai rất khẩn trương, thể hiện cam kết của cả bên cho vay và chủ đầu tư trong việc xây dựng và đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ.
 
Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, đầu tháng 3/2020, Công ty BOT tiếp tục khẳng định với Chính phủ việc Dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2023 như cam kết tại Hợp đồng BOT đã ký giữa nhà đầu tư, Công ty TNHH Điện lực Vân Phong và Bộ Công thương theo ủy quyền của Chính phủ.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia cho hay, để đáp ứng tiến độ và đảm bảo đồng bộ với tiến độ phát điện của Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 như trên, EVN phải hoàn thành đường dây tải điện 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân không muộn hơn ngày 26/12/2022.
 
Trường hợp đường dây tải điện bị chậm trễ, dẫn đến vận hành thương mại chậm hơn so với thỏa thuận tại Hợp đồng (Tổ máy 1 ngày 26/9/2023, Tổ máy 2 ngày 26/01/2024), EVN sẽ phải trả phí công suất mà không nhận được điện, ước tính khoảng 11,4 tỷ đồng/ngày cho Tổ máy 1 và 22,8 tỷ đồng/ngày cho cả nhà máy (tính đến thời điểm nhà máy vào vận hành thương mại, bao gồm cả trượt giá cho chi phí vận hành và bảo dưỡng cố định cho đến ngày vận hành thương mại, tỷ giá 23.080 VND/USD), chưa kể các chi phí khác phát sinh để duy trì hoạt động của nhà thầu trên công trường sẽ do Công ty BOT đưa ra sau này.
 
Ngoài ra, khi đường dây của ngành điện bị chậm tiến độ và EVN vẫn chi trả các chi phí nêu trên cho Công ty BOT, nhưng cũng chỉ được khắc phục việc chậm đường dây trong vòng 3 tháng tính từ thời điểm 26/9/2023 (lúc này EVN có thể đã phải trả đến hơn 1.368 tỷ đồng mà không nhận được điện). Quá thời hạn trên, sẽ tạo thành sự kiện phạm lỗi của EVN, kéo theo sự kiện phạm lỗi của phía Việt Nam và Công ty BOT được quyền chấm dứt dự án, Bộ Công thương phải mua lại dự án, nếu Công ty BOT quyết định như vậy theo các quy định trong hợp đồng đã ký giữa các bên.
 
Như vậy, nguy cơ chậm tiến độ của đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân để nhận điện từ Dự án BOT Vân Phong 1 là hiện hữu, nhất là khi chưa thể tính hết các khó khăn vướng mắc như đã gặp tại một số đường dây 500 kV khác do vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang phục vụ dự án; chế độ chính sách và các quy định hiện hành liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hay tính phức tạp của quá trình đấu thầu, thi công lẫn các sự kiện bất khả kháng.

Phía Việt Nam và EVN sẽ thiệt đơn, thiệt kép chỉ vì cơ quan chức năng không muốn chịu trách nhiệm về dự án, nhằm tránh các liên luỵ nếu dự án bị đưa ra xét lại hiệu quả khi đơn vị thực hiện là doanh nghiệp nhà nước.
 
Link gốc
Theo: Báo Đầu tư