Kỹ sư của EVNICT kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị tại trạm biến áp 500kV Hòa Bình. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất điện năng, với hàng nghìn, hàng vạn mạch điện, tuyến đường dây thì việc thông tin đi từ mọi ngóc ngách của các nhà máy, trạm biến áp đến Trung tâm điều khiển, các Trung tâm điều độ lại càng không thể thiếu.
*Tỉ mỉ và chính xác
Chúng tôi có dịp đồng hành với đội công tác bảo dưỡng định kỳ Hệ thống viễn thông dùng riêng (VTDR) của Trung tâm Hạ tầng Viễn thông và CNTT trực thuộc Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) tại Trạm biến áp 500 kV Hòa Bình, trạm 500 kV Hiệp Hòa và trạm 220 kV Thái Nguyên.
Công việc tưởng chừng như đơn giản chỉ với nhiệm vụ đo các chỉ số, kiểm tra vận hành của từng zắc cắm, thiết bị thông tin nhưng mọi thứ đều được các kỹ sư vận hành khai thác thực hiện với sự cẩn thận, tỉ mỉ và tuyệt đối chính xác.
Anh Nguyễn Thanh Toàn, chuyên viên Trung tâm Hạ tầng Viễn thông và Công nghệ thông – EVNICT cho hay, hệ thống cáp viễn thông gồm các sợi cáp quang được cấu tạo từ các sợi thủy tinh rất mỏng và kích thước nhỏ chỉ như sợi tóc bên trong nên chỉ cần va chạm hay gập dây cũng dẫn đến mất tín hiệu, ảnh hưởng lớn đến việc quản lý vận hành, xử lý sự cố.
Anh Toàn ví von, hệ thống viễn thông dùng riêng của ngành điện cũng như từng mạch máu trong cơ thể con người, chỉ cần một mạch, một đoạn nào đó bị tắc nghẽn, hư hỏng, chắc chắn sẽ gây ra nguy hiểm cho hệ thống điện, ảnh hưởng đến xử lý thông tin, điều hành của “đầu não” là Trung tâm điều khiển, Trung tâm điều độ hệ thống điện.
“Vì thế ở đây chúng tôi không có chỗ cho những sai sót, dù chỉ là nhỏ nhất”, anh Toàn nói.
Anh Toàn ví von, hệ thống viễn thông dùng riêng của ngành điện cũng như từng mạch máu trong cơ thể con người. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Anh Lại Thế Hùng - Trưởng phòng Vận hành miền Bắc, Trung tâm Hạ tầng Viễn thông và Công nghệ thông tin cho biết, trong quý I/2024, đơn vị đã bảo dưỡng hơn 30 vị trí trạm thông tin tại khu vực miền Bắc từ Sơn La đến Vũng Áng (Hà Tĩnh). Việc bảo dưỡng chỉ là một phần công việc của các đội, nhóm công tác, ngoài ra còn phải trực ứng cứu, xử lý sự cố, nghiên cứu phát triển công nghệ nâng cấp hệ thống. Mọi công việc, các bước kiểm tra bảo dưỡng đều được lên kế hoạch chi tiết.
*Song hành cùng hệ thống điện
Hệ thống viễn thông dùng riêng (VTDR) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ra đời từ rất sớm với nhiệm vụ trọng tâm là cung cấp hạ tầng đường truyền tín hiệu phục vụ công tác điều hành, vận hành hệ thống điện, vận hành thị trường điện cũng như các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh điện năng của Tập đoàn.
Có thể kể đến các kênh truyền tối quan trọng phục vụ các công tác nêu trên như: kênh truyền tín hiệu Rơle bảo vệ đường dây nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho thiết bị điện và hệ thống điện khi có sự cố (F87, F21, kênh sa thải phụ tải đặc biệt…); kênh truyền phục vụ việc thu thập dữ liệu liên quan đến tham số của thiết bị điện, hệ thống điện và điều khiển thiết bị điện từ xa (SCADA), kênh phục vụ điều độ và điều khiển xa các trạm biến áp không người trực, kênh trực thông hotline, kênh truyền để kiểm soát chất lượng điện năng như đo lường tần số trên hệ thống, giám sát góc pha, kênh ghi sự cố FR, kênh định vị sự cố FL, kênh truyền kết nối mạng WAN hệ thống điện, WAN thị trường điện, WAN sản xuất kinh doanh …với các tốc độ truyền dẫn khác nhau từ 64 Kb/s, 2Mb/s…đến 100Gb/s.
Có thể nói nôm na, hệ thống VTDR cung cấp “một hệ thống đường sá giao thông nhiều cấp độ từ đường nội hạt, nội tỉnh đến đường tỉnh lộ, quốc lộ, cao tốc xuyên quốc gia từ Bắc đến Nam” để thông tin điều hành, vận hành, quản lý của EVN được nhanh chóng, kịp thời, thông suốt. Với đặc trưng của hệ thống điện cần điều hành nhanh chóng, chính xác hệ thống VTDR cũng phải được xây dựng để đáp ứng được các yêu cầu này. Ví dụ như đối với kênh bảo vệ đường dây F87, yêu cầu độ trễ truyền dẫn tín hiệu không được phép vượt quá 5ms (trong khi các kênh viễn thông thông thường, độ trễ cho phép < 50ms).
Nhân viên trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) phối hợp công tác với kỹ sư của EVNICT. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Theo quy định Quản lý khai thác hệ thống thông tin trong EVN, EVNICT được giao quản lý toàn bộ hệ thống thiết bị truyền dẫn đường trục Bắc Nam và các vòng Ring liên tỉnh trọng yếu. Ngoài ra, EVNICT còn quản lý hệ thống mạng tổng đài lõi phục vụ kết nối các tổng đài nội bộ 5 số của các đơn vị với Tập đoàn (các trạm biến áp 110kV, 220kV, 500kV, trụ sở đơn vị).
Ngoài các Trạm 220 kV Thái Nguyên, Trạm 500 kV Hiệp Hoà, Trạm 220 kV Hà Đông (Ba La), Trạm 500 kV Hoà Bình, EVNICT cũng đã triển khai lắp đặt thiết bị tại hầu hết các trạm biến áp 500 kV, các trạm biến áp 220kV trọng yếu thuộc các vòng Ring liên tỉnh và một số nhà máy điện như Sơn La, Phả Lại, Hàm Thuận, Đại Ninh, Vĩnh Tân 1, Cần Thơ, Cà Mau, Bà Rịa, Phú Mỹ để cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất, vận hành hệ thống điện, góp phần đảm bảo thông tin thông suốt từ các nhà máy điện này về các trung tâm điều độ miền và EVN.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc EVNICT cho biết, EVNICT được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý, vận hành mạng truyền dẫn đường trục Bắc Nam và các vòng ring liên tỉnh trọng yếu của EVN, với mục tiêu phục vụ điều hành sản xuất, kinh doanh điện được thông suốt.
Thế mạnh của mạng VTDR của EVN là dựa trên nền tảng hạ tầng mạng cáp quang chống sét OPGW trên các đường dây tải điện 500 kV, 220 kV và 110kV. Cáp OPGW bản chất là các sợi cáp quang được bện trong lòng sợi cáp điện lực chống sét, do truyền tín hiệu bằng ánh sáng nên hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi điện từ và được treo trên đỉnh cột điện nên ít bị sự cố hơn các loại cáp quang khác. Tuy nhiên khi bị sự cố, thời gian sửa chữa thường kéo dài do phải cắt điện đường dây để thi công. Các trạm lặp trên đường trục Bắc Nam nằm ở các vị trí xa trung tâm, có trạm sâu trong rừng, việc đi lại khó khăn và điều kiện vận hành khá vất vả, đặc biệt là việc ứng cứu xử lý sự cố trong đêm hoặc trong mùa mưa bão.
Phó Giám đốc EVNICT cũng cho biết, nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên số một của mạng VTDR trong EVN là đảm bảo điều hành sản xuất kinh doanh điện năng của EVN. Mạng VTDR ngày càng trở nên quan trọng khi EVN quyết định thực hiện điều khiển từ xa toàn bộ các trạm biến áp 110 kV trở lên từ năm 2020.
Đo chất lượng đường truyền dẫn trục Bắc-Nam tại trạm biến áp 500kV Hòa Bình. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
* Sẵn sàng lên đường
Theo anh Lại Thế Hùng, đối với các sự cố hệ thống VTDR, EVN quy định 3 mức sự cố: Nghiêm trọng, nặng, nhẹ. Các sự cố nghiêm trọng thời gian xử lý sự cố trong 4h; sự cố nặng 6h và sự cố nhẹ trong 48h.
Vì vậy để đảm bảo được thời gian xử lý sự cố theo quy định, đáp ứng các chỉ tiêu do Tập đoàn giao, EVNICT luôn sẵn sàng 24/7 các trang thiết bị dự phòng đặt tại các điểm trực; phương tiện di chuyển có lịch trực sự cố và luôn sẵn sàng 24/7. Định kỳ rà soát vật tư dự phòng theo tháng/quý; Lên kế hoạch mua sắm vật tư dự phòng dựa trên xác suất sự cố và số lượng hiện có từ Qúy 1 hằng năm. Đồng thời thường xuyên rà soát định kỳ các cảnh báo trên thiết bị, quỹ công suất quang (các tuyến quang) để đưa ra các đánh giá và có hành động xử lý phù hợp. Ngoài ra công tác vệ sinh bảo dưỡng thiết bị cũng được chú trọng (ít nhất 1 quý 1 lần thực hiện bảo dưỡng cấp 1 và 6 tháng 1 lần bảo dưỡng cấp 2). Các công tác này đã được đưa vào các quy trình quy định và ban hành trong Công ty.
EVNICT chủ động lập kế hoạch các lịch trực xử lý sự cố 24/7 tại Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam theo tháng. Tùy từng thời điểm, EVNICT bố trí các điểm trực khác nhau. Các điểm trực thường xuyên duy trì bao gồm: Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Pleiku, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Trong các thời điểm nắng nóng EVNICT có thể bố trí thêm các điểm trực tại các TBA 500 kV Sơn La, Quảng Ninh, Nho Quan … Ngoài ra các cán bộ vận hành và xây lắp sửa chữa luôn được đào tạo, tự đào tạo các thiết bị mới; thường xuyên tham gia các khóa đào tạo do Công ty tổ chức và có đánh giá chất lượng sau mỗi khóa học. Vì vậy, EVNICT đã làm chủ và vận hành hiệu quả, khai thác tối đa năng lực thiết bị trong hệ thống VTDR.
Ngoài việc đảm bảo chỉ tiêu về thời gian xử lý sự cố theo quy định của EVN như đã nêu ở trên, chất lượng của hệ thống còn được lượng hóa bằng các chỉ tiêu cụ thể như suất sự cố nghiêm trọng: 0,009/một thiết bị truyền dẫn/PCM/tổng đài/nguồn; Suất sự cố nặng: 0,012/một thiết bị truyền dẫn/PCM/tổng đài/nguồn; Suất sự cố nhẹ: 0,03/một thiết bị truyền dẫn/PCM/tổng đài/nguồn; Độ ổn định và liên tục của dịch vụ đạt 99,99%.
Theo lãnh đạo EVNICT, với việc vận hành thiết bị tại các trạm ở các khu vực xa, phạm vi rộng từ TBA 500 kV Sơn La tới Nhà máy điện Cà Mau, lực lượng vận hành của công ty luôn luôn sẵn sàng trong tâm thế “lên đường, trèo đèo lội suối” bất cứ khi nào có sự cố.
“Do đặc thù các trạm xa trung tâm, để tăng cường ứng cứu xử lý, lực lượng vận hành của EVNICT luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, vận hành tại trạm để được hỗ trợ kiểm tra, xử lý. Một điểm thuận lợi là EVNICT luôn nhận được sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình của các đơn vị truyền tải điện, điện lực địa phương, cũng như đơn vị bạn Viettel”, Phó Giám đốc Nguyễn Trường Giang cho biết.
Theo định hướng kế hoạch phát triển hệ thống viễn thông phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh của EVN, mục tiêu trong những năm tới của tập đoàn là xây dựng hệ thống truyền dẫn quang theo công nghệ DWDM/OTN và truyền tải IP công nghệ MPLS-TP; Đảm bảo 100% các nhà máy điện của EVN, trạm biến áp 220 kV và 500 kV được kết nối bằng hai đường truyền dẫn quang độc lập; Đảm bảo 100% các trạm biến áp 110 kV được kết nối bằng cáp quang về Trung tâm điều khiển xa; trong đó có trên 90% số trạm có kết nối dự phòng; 100% các đơn vị cấp 3 và trên 98% các đơn vị cấp 4 có đường truyền kết nối bằng cáp quang vào hệ thống truyền dẫn của EVN; Đến năm 2025, EVN có 4 đường trục truyền dẫn quang Bắc – Nam….
Hệ thống VTDR đã và đang là một bộ phận hạ tầng không thể thiếu, phục vụ hoạt động điều hành, sản xuất và kinh doanh điện năng của EVN trong quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.