Tin thế giới

EU đạt mức dự trữ khí đốt 95%

Thứ sáu, 1/11/2024 | 09:56 GMT+7
Theo báo cáo, hiện có khoảng 100 tỷ m3 khí đốt trong các kho dự trữ của Liên minh châu Âu (EU), chiếm khoảng 1/3 nhu cầu tiêu thụ khí đốt hàng năm của toàn khối.

Cơ sở dự trữ khí đốt ở Zsana, Hungary. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên tại Brussels dẫn số liệu từ tổ chức Gas Infrastructure Europe cho biết mức dự trữ khí đốt của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hiện đã vượt 95%, cao hơn mục tiêu 90% đặt ra trong Quy định Dự trữ khí đốt của EU cho hạn chót vào ngày 1 tháng 11 hàng năm. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh EU đang bước vào những tháng mùa Đông, cần đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và an toàn cho khu vực.

Theo báo cáo, hiện có khoảng 100 tỷ m3 khí đốt trong các kho dự trữ của EU, chiếm khoảng 1/3 nhu cầu tiêu thụ khí đốt hàng năm của toàn khối.

Năm 2022, EU đã đưa ra Quy định Dự trữ khí đốt (EU/2022/1032), yêu cầu các nước thành viên phải đạt được mức dự trữ 90% trước ngày 1 tháng 11 hàng năm. Quy định này được ban hành sau cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine (U-crai-na), nhằm giúp EU sẵn sàng ứng phó với mùa Đông khắc nghiệt. Quy định cũng đưa ra các mục tiêu dự trữ trung gian, giúp các nước duy trì ổn định nguồn dự trữ khí đốt trong suốt năm.

Ủy viên Năng lượng của EU, Kadri Simson, nhận định những nỗ lực của châu Âu trong việc bảo vệ an ninh năng lượng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, khi EU hiện bước vào mùa Đông với lượng dự trữ khí đốt phong phú, nguồn cung năng lượng đa dạng, tỷ lệ năng lượng tái tạo tăng cao, và cam kết mạnh mẽ trong việc tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Theo bà Kadri Simson, nhờ những yếu tố này, EU có thể duy trì ổn định về nguồn cung và giá cả cho mùa Đông năm nay, đồng thời tiếp tục tiến trình giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga.

Được hỗ trợ bởi kế hoạch REPowerEU (ra đời vào năm 2022, nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của khu vực), EU đã thành công trong việc giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga trong hai năm qua. Những nỗ lực này không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn khu vực mà còn đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn.

Link gốc

Theo: BNews