Người dân Đức lắp tấm năng lượng mặt trời để tăng khả năng đáp ứng trong điều kiện thiếu hụt năng lượng.
Về vấn đề này, Giám đốc Chương trình An ninh quốc gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại Nikolas K. Gvosdev đã phân tích lý do tại sao năng lượng lại được xem như một đồng tiền có ảnh hưởng lớn đối với vai trò, sự thịnh vượng của quốc gia và trong quan hệ quốc tế.
Tự chủ về năng lượng là chìa khóa vận hành kinh tế
Khả năng tạo ra nguồn lượng lớn năng lượng giá rẻ cực kỳ quan trọng đối với tất cả các ngành công nghiệp kỹ thuật số, từ khai thác bitcoin đến vận hành trung tâm dữ liệu. Năng lượng đóng vai trò như một loại tiền tệ gắn liền trực tiếp với thành phẩm. Chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của nền sản xuất công nghiệp ở châu Âu liên quan trực tiếp chi phí năng lượng đắt đỏ.
Một nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ lớn là hoàn toàn cần thiết đối với các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức về nguồn nước, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và cơ sở hạ tầng giao thông. John Sitilides, nhà chiến lược địa chính trị kiêm Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận: “Sự dồi dào về năng lượng có nghĩa là sự thịnh vượng, công nghiệp và chất lượng cuộc sống của quốc gia tăng… cũng như khả năng phục hồi địa chính trị toàn cầu”.
Trong thập kỷ qua, những người ủng hộ cái gọi là “chế độ tiêu thụ năng lượng” đã lập luận rằng các biện pháp buộc phải giảm tiêu thụ năng lượng sẽ thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả và đổi mới trong lĩnh vực năng lượng xanh. Trên thực tế, mặc dù đã có một số tiến triển tích cực, “khoảng cách xanh” giữa những gì mà các phương pháp tiếp cận mới có thể mang lại và nhu cầu của các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ IV vẫn chưa thể được thu hẹp hoàn toàn.
Hơn nữa, các chính trị gia và những người có ảnh hưởng đều chưa thành công trong việc thay đổi thái độ của người dân đối với việc hưởng thụ thành quả của nền kinh tế sử dụng nhiều năng lượng. Điều này có nghĩa các chính phủ sẽ tiếp tục bị chi phối bởi “cân bằng giữa thịnh vượng và tính hợp lý”. Sự tồn tại của chính phủ sẽ liên quan trực tiếp khả năng mang lại lối sống ổn định, trung lưu cho người dân.
Nếu một quốc gia không thể tự sản xuất đủ năng lượng, họ sẽ trở nên phụ thuộc vào nguồn cung cấp bên ngoài hoặc sẽ phải mua hàng hóa- dịch vụ cần thiết từ một nhà cung cấp có khả năng tiếp cận năng lượng giá cả phải chăng và có thể cung cấp chúng với mức giá chấp nhận được. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu sẽ tìm cách tiếp cận những nơi có năng lượng giá cả phải chăng và đáng tin cậy. Trong một số trường hợp, thiên nhiên quyết định điều này, chẳng hạn như tiềm năng về năng lượng địa nhiệt. Trong những trường hợp khác, tính thất thường của thiên nhiên có thể được khắc phục bằng hành động có chủ ý của con người như xây dựng lò phản ứng hạt nhân.
An ninh quốc gia và chuyển đổi xanh
Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với an ninh quốc gia. Với nhiều nước, việc giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính là nhiệm vụ bắt buộc, và cần bắt đầu từ việc xanh hóa ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Nhưng điều này tiềm ẩn nguy cơ nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, vì năng lượn tái tạo không ổn định như các nguồn năng lượng truyền thống. Trong khi đó, năng lượng là huyết mạch của nền kinh tế và là đầu vào của mọi ngành sản xuất. Để đảm bảo hoạt động công nghiệp không gián đoạn. Trong tương lai, nếu việc thiếu hụt năng lượng không được coi là chiến lược thực tế, trọng tâm sẽ là các nguồn không góp phần tạo ra khí thải nhằm giảm thiểu tác động về môi trường và khí hậu.
Năng lượng địa nhiệt, thủy điện và thủy triều chỉ khả thi ở những khu vực địa lý cụ thể. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời lại không ổn định về sản lượng. Để duy trì nền kinh tế sử dụng nhiều năng lượng, phải có sẵn năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên để bổ sung. Những thực tế này góp phần tạo ra điều mà chuyên gia Judah Grunstein mô tả là sự liên hệ giữa an ninh quốc gia và quá trình chuyển đổi xanh.
Liên kết này biểu hiện ở hai cấp độ chính đều liên quan trực tiếp đến năng lượng. Đầu tiên là định nghĩa lại an ninh quốc gia, chuyển từ việc chỉ chống lại các mối đe dọa động học và tấn công mạng của các quốc gia và các tác nhân phi nhà nước sang coi an ninh y tế, năng lượng, công nghệ của quốc gia là những nhiệm vụ có tầm quan trọng ngang nhau. Điều này có nghĩa là có năng lượng để cung cấp cho hệ thống y tế, thậm chí cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu được tăng cường trí tuệ nhân tạo (AI) đang hỗ trợ con người tìm ra các giải pháp y tế và công nghệ. Thứ hai là khái niệm hóa một bản đồ mới vạch ra cách tốt nhất để đảm bảo khả năng tiếp cận bền vững và ổn định các nguyên liệu thô và các thành phần cần thiết. Các nguồn điện ít carbon đòi hỏi phải có đồng, urani, lithi, coban, vonfram và các khoáng sản khác; hay khả năng sản xuất/mua thép với giá thấp, khả năng tiếp cận linh kiện và máy móc, chưa kể đến nguồn nhân lực nghiên cứu và lực lượng lao động.
Trong trường hợp của Mỹ, việc coi năng lượng như tiền tệ cho phép xem xét lại các ưu tiên cho an ninh quốc gia theo hai hướng. Đầu tiên là xác định mức độ Mỹ muốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng kéo dài và phức tạp, mang lại sự đảm bảo an ninh hợp lý cho hệ thống liên minh của Mỹ. Và thứ hai, dựa trên quan điểm của Sitilides, năng lượng dư thừa do Mỹ sản xuất có thể xuất khẩu cho đồng minh và đối tác. Amitai Etzioni, cố chuyên gia xã hội học người Mỹ gốc Israel - Đức, khẳng định mạng lưới năng lượng và tài chính kết nối các đối tác của Mỹ sẽ trở thành phương pháp để củng cố vai trò trung tâm của Mỹ.
Link gốc