Nhiều dự án năng lượng tái tạo sẽ có cơ hội nhận được hỗ trợ từ quỹ phục hồi EU.
Sau cuộc đàm phán đầy căng thẳng kéo dài gần 5 ngày đêm tại Hội nghị Thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận lịch sử về kế hoạch phục hồi, kích thích kinh tế với ngân sách lớn chưa từng thấy, lên đến gần 2.000 tỉ euro. Thỏa thuận này đạt được vào lúc rạng sáng ngày 21/7/2020, giờ Brussels. Theo đó, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua quỹ phục hồi 750 tỉ euro và ngân sách 1.100 tỉ euro trong giai đoạn 2021-2027 giúp phục hồi nền kinh tế. Gói phục hồi 750 tỉ euro sẽ bao gồm các khoản vay và hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, trong đó mức hỗ trợ là 390 tỉ euro (thấp hơn so với dự kiến ban đầu là 500 tỉ euro).
Theo nghiên cứu do Tập đoàn tư vấn Ernst & Young (EY) thực hiện, hơn 1.000 dự án xanh, thân thiện với môi trường có thể đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ quỹ phục hồi này, ở khắp các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, dự trữ năng lượng, cải tiến vật liệu xây dựng, phát triển phương tiện vận tải xanh phát thải ít carbon, sản xuất với công nghệ phát thải carbon thấp, các quy trình sản xuất tiết kiệm nhiên liệu… Nghiên cứu này được thực hiện dưới sự ủy quyền của Quỹ khí hậu châu Âu. Để thực hiện nghiên cứu, EY đã tiến hành phỏng vấn các doanh nghiệp, cổ đông, quan chức và nhà đầu tư ở mỗi quốc gia thành viên trong EU để xác định dự án nào đạt yêu cầu. Với hơn 1.000 dự án xanh đủ điều kiện, số vốn đầu tư cần khoảng 200 tỉ euro. Trong đó, hơn 20% các dự án này có quy mô nhỏ với vốn đầu tư dưới 5 triệu euro. EY cho biết sẽ chia sẻ danh sách các dự án xanh đã sẵn sàng nhận đầu tư từ quỹ phục hồi kinh tế. Nếu nhận được tài trợ, các dự án này sẽ nhanh chóng được khởi động trong vòng 2 năm nữa.
Thời gian vừa qua, năng lượng tái tạo ở châu Âu không ngừng được đầu tư phát triển – là một trong các nỗ lực nhằm giúp ngăn chặn hiện tượng trái đất nóng lên. Theo phân tích của Trung tâm Ember, trong 6 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên các nguồn năng lượng tái tạo ở châu Âu sản xuất điện nhiều hơn so với nhiên liệu hóa thạch. Trong quý đầu tiên của năm 2020, tại 27 quốc gia châu Âu, năng lượng tái tạo đã tạo ra 40% điện năng, cao hơn so với mức 34% từ nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm lượng khí thải CO2 từ ngành điện giảm được đến 23%.
Nhờ việc vận hành các cơ sở mới, điều kiện khí hậu thuận lợi, năng lượng tái tạo đã tạo ra sản lượng điện cao hơn 11% so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu nguồn điện, điện mặt trời và điện gió đã tạo ra 21% điện năng ở châu Âu (mức cao nhất chưa từng có), thủy điện cung cấp 13%, năng lượng sinh học 6%. Sản lượng nhiệt điện than giảm 32%, chỉ chiếm 12% sản lượng điện châu Âu (chỉ bằng một nửa so với cách đây 5 năm). Trong đó, nhiệt điện than của Đức giảm nhiều nhất (giảm 39%). Đây là lần đầu tiên sản lượng điện tạo ra từ các nhà máy nhiệt điện than ở Đức thấp hơn so với Ba Lan. Theo tính toán của Ember, nếu không tính Đức, sản lượng điện than của Ba Lan cao hơn của 25 quốc gia châu Âu cộng lại.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), toàn bộ gói phục hồi vừa được EU thông qua sẽ tạo đà cho các ngành công nghiệp và công nghệ xanh, giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính – một nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu với sự gia tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của con người. Đây cũng là một đòn bẩy để phục hồi, kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Link gốc