Một nhà máy điện hạt nhân tại Pháp.
Vì vậy, kế hoạch loại bỏ năng lượng hạt nhân trong khối một thời giờ đây đang được cân nhắc.
Trong bài diễn văn được phát sóng trên truyền hình Pháp hôm 9-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, chúng ta sẽ khởi động lại việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân và tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo”. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng giá điện và khí đốt tăng vọt. Khi mới nhậm chức, Tổng thống Macron đã cam kết giảm đóng góp của năng lượng hạt nhân trong tổng sản lượng điện của Pháp từ 75% xuống 50% vào năm 2035. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm thay đổi quan điểm ở nước này.
Theo truyền hình Đức DW, hiện Pháp đứng đầu EU về sản xuất điện hạt nhân, chiếm 70% tổng sản lượng điện năm 2020, trong khi Đức ở vị trí thấp nhất với 11,3%. Tháng 12-2021, dự kiến 3 trong số 6 lò phản ứng hạt nhân cuối cùng của Đức sẽ dừng hoạt động. 3 lò còn lại sẽ bắt đầu giảm hoạt động vào năm 2022, như một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm phi hạt nhân hóa. Sự thay đổi đó có thể khiến giá năng lượng tăng cao hơn vì Đức cũng giảm sử dụng than đá và phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt trong ngắn hạn, trong khi có kế hoạch chuyển sang năng lượng tái tạo trong dài hạn.
Tuy nhiên, theo khảo sát 1.000 người từ 18 đến 69 tuổi trên khắp nước Đức vào tháng 9-2021, sự ủng hộ đối với điện hạt nhân tăng 11% so với năm 2018. Sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26-9, đảng Dân chủ xã hội trung tả, đảng Xanh bảo vệ môi trường và đảng Dân chủ tự do đã bắt đầu các cuộc đàm phán liên minh để thành lập chính phủ tiếp theo của Đức. Thỏa thuận sơ bộ cho thấy, các bên thống nhất cam kết xây dựng các nhà máy điện khí mới và loại bỏ điện than vào năm 2030, không mở rộng việc sử dụng điện hạt nhân.
Trong EU, Pháp dẫn đầu khối ủng hộ năng lượng hạt nhân như một phương tiện cắt giảm lượng khí thải carbon. Khối này còn có Ba Lan và Cộng hòa Czech. Khối không ủng hộ năng lượng hạt nhân đứng đầu là Đức, tiếp theo là Áo, Đan Mạch, Luxembourg và Tây Ban Nha. Bộ trưởng năng lượng các nước này từng ký một lá thư gửi Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu từ chối quy chế đặc biệt cho điện hạt nhân.
Một số thành viên EU, đặc biệt là Pháp, vốn đầu tư lớn vào hạt nhân và đang thận trọng với việc sử dụng khí đốt từ Nga, coi nguồn năng lượng này là một lựa chọn khả thi. Các quốc gia khác thì tin rằng đã đến lúc phải rời bỏ năng lượng hạt nhân vì lo ngại chất thải hạt nhân gây ô nhiễm phóng xạ. Đó là một tình thế nan giải lâu nay mà EC, cơ quan điều hành của EU, phải giải quyết trong những tuần tới. EC dự kiến sẽ công bố quy tắc phân loại năng lượng bền vững, nhằm giúp các nhà đầu tư biết rõ để định hướng đầu tư. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hồi tháng 10 từng nói: “Chúng ta cần nhiều năng lượng tái tạo hơn, rẻ hơn, không thải khí carbon và có sẵn trong khối EU”. Tuy nhiên, bà nói thêm: “Chúng ta cũng cần một nguồn năng lượng ổn định và năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch”.
Những bình luận của bà làm tăng kỳ vọng rằng EC sẽ công bố năng lượng hạt nhân có thể được đưa vào hỗn hợp năng lượng sạch. Vấn đề cốt lõi đối với những người e ngại năng lượng hạt nhân là không có giải pháp cho việc lưu trữ lâu dài chất thải hạt nhân cũng như vấn đề vận hành an toàn. Do vậy, theo họ, đẩy nhanh xây dựng các nhà máy điện hạt nhân là một thách thức.