Các công nhân đang kiểm tra lại tấm pin mặt trời tại trang trại điện mặt trời ở đập Sirindhorn. Ảnh: Reuters
Trang trại nằm cách Bangkok khoảng 660 km về phía đông, được cấu thành bởi 145.000 tấm pin mặt trời với nhiệm vụ tạo ra điện vào ban ngày. Ban đêm, nhà máy tiếp tục sản xuất điện bằng ba tuabin cỡ lớn sử dụng sức nước phía dưới.
Với kích thước tương đương 70 sân bóng đá (500.000 mét vuông), trang trại được xem là dự án năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước lớn nhất thế giới, đạt công suất tạo điện 45 MW. Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020 nhưng tiến độ bị lùi gần một năm do đại dịch.
Để xây dựng, chính phủ Thái Lan đầu tư 34 triệu USD và đây cũng là một trong 16 dự án tương tự phục vụ mục tiêu trung hòa carbon của nước này đến năm 2065.
Giống như đa số các quốc gia Đông Nam Á, Thái Lan chủ yếu dựa vào khí đốt tự nhiên để tạo ra điện phục vụ cho gần 70 triệu dân. Hiện năng lượng từ khí đốt tự nhiên vẫn chiếm 2/3 sản lượng điện cả nước, trong khi điện mặt trời, điện gió và thuỷ điện chưa tới 10%.
Khác với một số quốc gia cam kết mục tiêu đưa lượng carbon phát thải về 0 vào năm 2050, chính quyền Thái Lan muốn lùi mục tiêu này sang năm 2065.
Theo: VnExpress