Những năm qua, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đã lựa chọn và áp dụng các công nghệ phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường của Hà Nội. Điển hình là các công nghệ: Áp dụng thiết bị tự động đóng lại Recloser trên lưới điện để giảm suất sự cố thoáng qua trên đường dây nổi; sử dụng thiết bị báo sự cố cho đường dây nổi và cáp ngầm để phát hiện và xử lý nhanh nhất các sự cố xảy ra; sử dụng công nghệ chống giữa khoảng dây cho các khoảng dây dài, trùng võng để tránh sự cố dây va vào nhau những ngày mưa gió; áp dụng thí điểm công nghệ tự động hóa lưới điện trung thế (DAS) để cách ly chính xác đoạn sự cố trên lưới điện, tự động cấp điện trở lại tại các đoạn lưới điện không có sự cố.
Để đáp ứng sự tăng trưởng phụ tải với tốc độ 13-15%/năm trên địa bàn thủ đô, đề tài sử dụng dây dẫn “siêu nhiệt” ứng dụng trong nâng cấp đường dây 110 kV Hà Đông - Vân Đình, Mai Động - Hà Đông, Mai Động - Bờ Hồ, Hà Đông - Chèm đã góp phần đảm bảo cấp điện cho Hà Nội sau khi mở rộng. Đến nay, EVN HANOI đã thực hiện xong 12 dự án nâng cấp cải tạo đường dây 110kV sử dụng dây siêu nhiệt.
Thành công đáng kể của EVNHANOI là lắp đặt 36 điểm cầu truyền hình tại trụ sở tổng công ty và các đơn vị thành viên. Thông qua hội nghị truyền hình trực tuyến đã phục vụ công tác điều hành sản xuất - kinh doanh, tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian đi lại của các đơn vị thành viên. Đặc biệt, EVN HANOI đã hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống SCADA kết nối giữa trung tâm điều độ thông tin và các trạm 110kV, hoàn thiện quy trình thao tác thiết bị trên lưới điện từ hệ thống SCADA, khai thác hiệu quả của đề tài chỉnh định rơ le từ xa.
Cùng với việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, giai đoạn 2009 - 2013, EVN HANOI có 3.453 sáng kiến cải tiến với tổng tiền thưởng là 2.768.090.000 đồng. Có 15 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng dây siêu nhiệt” được giải thưởng ViFotec của Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Liên hiệp Khoa học Việt Nam năm 2012. Nhiều sáng kiến được áp dụng đã đem lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm hàng tỷ đồng cho nhà nước.
Để bảo vệ môi trường, năm 2010, tổng công ty đã đăng ký và được cấp sổ chủ nguồn chất thải nguy hại, lập đề án bảo vệ môi trường, thiết kế kho, lập kế hoạch quản lý chất thải nguy hại tại đơn vị.
Điểm nhấn của việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất - kinh doanh là chương trình quản lý khách hàng CMIS tại tất cả các công ty điện lực. Từ năm 2011 hoàn thành nâng cấp hệ thống quản lý thông tin khách hàng CMIS 2.0 tại các đơn vị thống nhất trong toàn tổng công ty. Tổ chức đào tạo chương trình phần mềm CMIS 2.0 cho tất cả cán bộ đang vận hành trực tiếp hệ thống. Ghi chỉ số sử dụng điện bằng máy tính cầm tay (HHC, HHU) cho khách hàng sử dụng điện. Thực hiện phương án áp dụng công nghệ đo xa đầu nguồn các trạm 110 kV; lắp đặt thử nghiệm công tơ điện tử 1 pha, 3 pha và hệ thống đọc chỉ số công tơ từ xa của hãng Wasion- Trung Quốc. Ứng dụng mã vạch trên hóa đơn tiền điện cho công tác thu và theo dõi nợ. Triển khai thí điểm thành công hóa đơn điện tử.
Đã lắp đặt xong hệ thống đo xa cho 656 công tơ đầu nguồn trạm 110kV và ranh giới, trong đó có 552 điểm đã truyền được số liệu. Triển khai lắp đặt hệ thống đo xa cho 2.208 /3.093 công tơ khách hàng lớn, có sản lượng điện tiêu thụ từ 21.000 kWh trở lên và 289 công tơ đo đếm tại các lộ tự dùng 110kV, các trạm thương phẩm lẻ phục vụ triển khai giao giá nội bộ cho các công ty điện lực. Tiếp tục phối hợp với tư vấn xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống đo đếm điện năng AMI, làm cơ sở cho việc triển khai sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư vào hệ thống đo đếm tại EVN HANOI. Định hướng phát triển lưới điện thông minh theo bốn loại phương án sử dụng cơ sở hạ tầng đo điện năng tiên tiến (AMI).
Trần Khánh