Các đại biểu tham dự hội nghị.
Dự hội nghị có ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN; ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN; ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN, chủ trì hội nghị; ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN, đồng chủ trì hội nghị.
Cùng dự, còn có các thành viên HĐTV EVN, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam, lãnh đạo các ban chuyên môn của EVN và lãnh đạo các đơn vị thành viên trong EVN.
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Kỹ thuật sản xuất EVN Nguyễn Hải Hà cho biết, trong năm qua, EVN đã phải đối mặt với nhiều thách thức do việc cung cấp nhiên liệu chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà máy điện. Trong năm 2022, giá than trên thị trường thế giới biến động rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cung cấp than cho cả nhà máy sử dụng than nhập khẩu trực tiếp và nhà máy sử dụng than pha trộn nhập khẩu. Đối với nhiên liệu khí, trong giai đoạn 2023-2024, các nguồn khí hiện hữu bước vào giai đoạn suy giảm mạnh, điển hình là lô 06.1, trong khi chưa tìm được các nguồn khí mới để thay thế. Một thách thức khác là hệ thống điện chưa cân bằng; mức độ xâm nhập cao của các nguồn năng lượng tái tạo làm ảnh hưởng đến vận hành các nhà máy điện.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân (bên phải) và Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải (bên trái) chủ trì hội nghị.
Với nỗ lực của EVN và các đơn vị, năm 2022, sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống đã đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên cả nước với chất lượng điện tốt hơn. Hệ thống điện được vận hành an toàn, kinh tế, tối ưu cấp nước sinh hoạt và nông nghiệp kết hợp phát điện. Các đơn vị vận hành nguồn, lưới điện đã phối hợp thực hiện tốt kế hoạch vận hành, sửa chữa bảo dưỡng. Hoạt động chỉ đạo điều hành hệ thống điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu nguồn điện. EVN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, vận hành kinh tế các nhà máy thuộc EVN. Đặc biệt, trong năm 2022, chỉ số độ tin cậy của các nhà máy điện trong EVN tốt hơn, hệ số khả dụng tất cả các loại hình nhà máy đạt trên 90%.
Cũng theo Trưởng Ban Kỹ thuật Sản xuất EVN, năng lực quản lý vận hành hệ thống điện được nâng cao, đáp ứng quản lý hệ thống điện trong điều kiện xâm nhập cao của năng lượng tái tạo, điện mặt trời.
Tập đoàn đã chỉ đạo Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) hoàn thiện Hệ thống lựa chọn nguồn dự báo năng lượng tái tạo từ bốn nguồn dự báo khác nhau. Kết quả lựa chọn dữ liệu dự báo được tổng hợp tự động, liên tục và có độ chính xác cao kịp thời phục vụ công tác lập lịch huy động, lập kế hoạch và cân bằng cung cầu hệ thống điện quốc gia. Ứng dụng hệ thống điều khiển công suất phát tự động (AGC) để hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều độ, vận hành tối ưu trong thời gian thực các nguồn năng lượng tái tạo trong trường hợp phụ tải giảm thấp hoặc quá tải lưới điện khu vực, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch.
Trưởng Ban Kỹ thuật Sản xuất EVN Nguyễn Hải Hà trình bày báo cáo.
Một kết quả tiêu biểu khác trong công tác quản lý kỹ thuật của EVN, đó là thực hiện giảm sự cố lưới điện, duy trì đà giảm trong nhiều năm gần đây và tốt hơn kế hoạch đề ra. Năm 2022, toàn EVN đã giảm sự cố lưới điện 60% so với năm 2017.
Độ tin cậy lưới điện phân phối của tất cả các đơn vị đạt kế hoạch năm 2022. Các đơn vị đã tăng cường quản lý giảm sự cố trên lưới điện trung, hạ áp; phối hợp công tác, tăng cường sửa chữa hotline để giảm thiểu ảnh hưởng cắt điện công tác; tiếp tục cải tạo hoàn thiện lưới điện, tăng cường áp dụng tự động hóa… Thực hiện hoàn thành chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng. Cụ thể, chỉ số độ tin cậy cung cấp điện năm 2022 đạt SAIDI là 267,1 phút/khách hàng/năm, SAIFI 2,61 lần, MAIFI 1,47 lần. Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn hệ thống giảm thấp hơn so với kế hoạch và thấp nhất từ trước tới nay (toàn EVN thực hiện thấp hơn 6,25%). Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, EVN đã giảm được gần 1%.
Các đơn vị trong EVN đã đẩy mạnh đổi mới sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lưới điện theo công nghệ CBM, đồng thời giảm chi phí sửa chữa hư hỏng do sự cố gây nên.
EVN đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý kỹ thuật, đến nay các nhiệm vụ của giai đoạn 2021 – 2022 đã cơ bản được hoàn thành như: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm PMIS; sửa chữa bảo dưỡng khai thác hiệu quả thiết bị; xây dựng các dashboard trong lĩnh vực kỹ thuật, nâng cấp hệ thống ứng dụng Quản lý kỹ thuật PMIS; các ứng dụng hiện trường…
Đáng chú ý, EVN đã đẩy mạnh phòng trào rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề để trở thành những người thợ giỏi. Năm 2022 là năm đầu tiên đổi mới tuyển chọn thí sinh theo hình thưc trực tuyến, sử dụng phần mềm E-learning. Hội thi đã tạo điều kiện cho đội ngũ thợ giỏi thể hiện trình độ lý thuyết và thực hành nghề nghiệp, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời thúc đẩy phong trào lao động sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả và an toàn cao của đội ngũ lao động trực tiếp.
Trên nền tảng kết quả đã thực hiện, EVN đề ra các mục tiêu chủ yếu của công tác quản lý kỹ thuật năm 2023 bao gồm 3 mục tiêu chính: Tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật 2023 theo lộ trình chỉ tiêu kỹ thuật 2021-2022. Đồng thời, thực hiện chủ đề năm 2023 về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong sản xuất vận hành cung cấp điện.