Chuyển đổi số trong EVN

EVN đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo điện giai đoạn 2021-2025

Thứ tư, 23/12/2020 | 11:03 GMT+7
Ngày 23/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên toàn quốc tháng 12/2020 do Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – Phan Xuân Thủy chủ trì. 

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành báo cáo chuyên đề tại Hội nghị.
 
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới gần 700 điểm cầu trên cả nước. 
 
Tại Hội nghị, ông Dương Quang Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN đã có báo cáo chuyên đề “Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo điện giai đoạn 2021-2025”.
 
Tăng tốc trong chuyển đổi số
 
Báo cáo tại Hội nghị, ông Dương Quang Thành cho biết, để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, EVN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn”. Tập đoàn Ban hành Nghị quyết số 473/NQ-HĐTV ngày 05/11/2018 và quyết định triển khai các ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 vào toàn bộ các hoạt động của EVN từ khâu phát điện, truyền tải, phân phối, kinh doanh dịch vụ khách hàng và công tác quản trị với 36 nhiệm vụ cụ thể giao các đơn vị thực hiện.
 
Đến nay, trong khối nguồn điện, EVN đã triển khai thành công phương pháp sửa chữa bảo dưỡng hướng theo độ tin cậy RCM (Reliability Centered Maintainance) tại nhà máy thủy điện Ialy và đang nhân rộng cho khối thủy điện; Ứng dụng AI điều khiển tối ưu quá trình cấp nhiên liệu tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải; Ứng dụng trung tâm quản lý vận hành thông minh SmartOCC tại cụm nhà máy thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, cụm nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 – Đồng Nai 4… 
 
Trong khối lưới điện, EVN đã hoàn thành 61/63 trung tâm điều khiển các trạm biến áp từ xa; chuyển đổi 670/844 trạm biến áp sang không có người trực. Đã đưa vào vận hành trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 110kV (Trạm 110kV Quế Võ 2 – thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc) từ tháng 1/2020 và trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 220kV (Trạm 220kV Thủy Nguyên – thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) trong tháng 12/2020; Ứng dụng thiết bị bay không người lái để kiểm tra, giám sát tình trạng vận hành của các thiết bị, xử lý sự cố trên lưới điện truyền tải không cần cắt điện…
 
Trong khối kinh doanh dịch vụ khách hàng, EVN đã thực hiện cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công ở cấp độ 4 - cấp độ cao nhất với 12/12 dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; Triển khai cung cấp hóa đơn điện tử trên cả nước. Trong công tác điều độ hệ thống điện, vận hành thị trường điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã ứng dụng công nghệ Bigdata và AI trong dự báo phụ tải hệ thống điện, ứng dụng AGC trong tự động điều khiển giám sát vận hành hệ thống điện, vận hành nguồn năng lượng tái tạo.
 
Giai đoạn 2021-2025, EVN sẽ tiếp tục ứng dụng triệt để, mạnh mẽ các công nghệ số và công nghệ thông tin, đặc biệt là các công nghệ lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Bigdata), chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud),... trong các khối nguồn điện, lưới điện, kinh doanh dịch vụ khách hàng, quản trị. 
 
Các hạng mục đã triển khai thành công sẽ được đánh giá nghiệm thu hoàn thành và triển khai nhân rộng trong các đơn vị toàn Tập đoàn. Tiếp tục phát triển, nghiên cứu, ứng dụng các nội dung mới như nhà máy điện số, ứng dụng mô hình thông tin xây dựng BIM, công nghệ 3D trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý dự án, xây dựng nền tảng Digital Worker phục vụ cho đội ngũ công nhân ngoài hiện trường làm việc trên môi trường số, phát triển các ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh, xây dựng hạ tầng viễn thông dùng riêng tốc độ cao, hệ thống cloud, ứng dụng trục tích hợp (ESB), hệ thống quản trị dữ liệu tập trung (MDM), kho dữ liệu dùng chung, xây dựng nền tảng quản trị nội bộ SmartEVN, phát triển các ứng dụng phân tích và khuyến cáo ra quyết định trong sửa chữa bảo dưỡng, vận hành hệ thống điện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
 
Đảm bảo đủ điện cho đất nước
 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới gần 700 điểm cầu trên cả nước.
 
Báo cáo tại Hội nghị, ông Dương Quang Thành cho biết thêm: Trong giai đoạn 2016-2020 về cơ bản, EVN đã đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong các năm qua và tạo tiền đề đảm bảo cung ứng điện cho các năm tới. 
 
Các chỉ tiêu kết quả đã đạt được của ngành Điện nói chung trong giai đoạn 2016-2020 về qui mô công suất nguồn điện, lưới điện, các chỉ tiêu về kinh doanh, dịch vụ khách hàng ... đều đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Chính phủ giao. Đặc biệt các chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, trong đó Việt Nam có thể tự hào về 100% số xã và 99,5% các hộ dân được sử dụng điện, 11/12 huyện đảo người dân đã được mua điện trực tiếp với chất lượng ổn định và giá điện tương đương với giá điện trong đất liền; Hệ số đàn hồi và cường độ năng lượng giảm (trong đó hệ số đàn hồi điện giảm từ 1,75 lần vào năm 2015 xuống còn xấp xỉ 1 lần vào năm 2020). 
 
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 Tập đoàn dự báo với 2 kịch bản nhu cầu phụ tải điện với phương án cơ sở tăng trưởng nhu cầu điện khoảng 8,6%/năm và phương án cao (với kịch bản kinh tế phục hồi mạnh sau COVID-19, đồng thời có xem xét đến khả năng có làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam) tăng trưởng 9,4%/năm. 
 
Trên cơ sở cập nhật nhu cầu phụ tải và tiến độ các công trình nguồn điện, lưới điện, kết quả tính toán cân bằng cung cầu điện toàn quốc giai đoạn 2021-2025 cho thấy phương án cơ sở, hệ thống có thể đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải trong toàn bộ giai đoạn 2021-2025 và có dự phòng nguồn điện khá lớn, không cần huy động các nguồn điện chạy dầu. 
 
Đối với phương án cao, hệ thống có thể đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải trong giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên cần huy động thêm các nguồn điện dầu với sản lượng khoảng 4,7 tỷ kWh năm 2023 và 3,8 tỷ kWh vào năm 2024. 
 
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cũng nêu một số khó khăn đảm bảo cung ứng điện giai đoạn 2021-2025 như: Tiến độ nguồn khí Lô B, Cá Voi Xanh chậm có thể gây nguy cơ thiếu điện trong năm 2025 và cả các năm sau. Chính sách phát triển các nguồn điện chạy khí LNG chưa được rõ ràng dẫn đến các dự án LNG cũng sẽ gặp một số khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư và có nguy cơ chậm tiến độ. Tiến độ các nguồn nhiệt điện than, khí do các đơn vị BOT/IPP được giao làm chủ đầu tư đa số đã bị chậm tiến độ so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. 
Kim Thái