Quản lý năng lượng

EVN đi đầu trong phong trào tiết kiệm điện

Thứ ba, 20/12/2022 | 14:14 GMT+7
Trong khi nhu cầu điện tăng cao cùng với chi phí sản xuất điện tăng, sử dụng hiệu quả năng lượng và tiết giảm chi phí đang là giải pháp được EVN đẩy mạnh.

Mỗi cán bộ, công nhân viên ngành điện là một tuyên truyền viên về tiết kiệm điện

Từ đầu năm 2022, do biến động giá nhiên liệu thế giới (than, dầu, khí) làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng rất cao. Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng điện đã đóng góp 0,67 điểm phần trăm vào tăng trưởng ngành công nghiệp và đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Một trong những giải pháp được EVN triển khai đó là vừa tiết giảm chi phí vừa đẩy mạnh công tác tiết kiệm năng lượng.
 
Ông Bùi Quốc Hoàn - Phó Trưởng ban kinh doanh của EVN chia sẻ: “Bên cạnh việc tiết giảm chi phí, EVN cũng đã làm việc với các khách hàng công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ chỉ chiếm 5,19% về khách hàng của ngành điện nhưng đang sử dụng điện với tỷ trọng 58,94% toàn hệ thống điện, trong đó chỉ xét riêng trên 11.245 khách hàng thuộc nhóm khách hàng tập đoàn báo cáo Bộ Công Thương để xem xét đưa vào danh sách cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm, tương ứng 0,37% tổng số khách hàng đã sử dụng 37,4% tỷ trọng điện toàn hệ thống”.
 
Điều này cho thấy tiềm năng tầm quan trọng, hiệu quả của việc tiết kiệm điện trong các khách hàng này, đặc biệt là các cơ sở/doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm.
 
Việc các doanh nghiệp sử dụng điện lớn áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện góp phần làm giảm căng thẳng trong cấp điện, giảm chi phí mua các nguồn điện giá cao để đáp ứng cung cấp điện.
 
Cũng theo ông Bùi Quốc Hoan, ý thức được tầm quan trọng của công tác tiết kiệm điện, từ nhiều năm nay, EVN đã luôn đi tiên phong và sử dụng nguồn lực đáng kể cho hoạt động này, góp phần quan trọng hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình mục tiêu quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM)…
 
Các chương trình tiết kiệm điện đã được EVN và các đơn vị trực thuộc triển khai rộng rãi trên cả nước, trong tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp (trồng thanh long, hoa cúc, nuôi tôm công nghiệp), công nghiệp, dịch vụ…, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, qua đó tiết kiệm nguồn lực cho đất nước, chi phí cho khách hàng.
 
Nhiều phong trào tiết kiệm điện đã được triển khai và nhân rộng như gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm điện trong trường học...
 
EVN cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương, các đoàn thể vận động khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện;...
 
Đặc biệt, tập đoàn còn tiên phong trong việc đầu tư lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái tại trụ sở các văn phòng/đơn vị trực thuộc và nhà điều hành các TBA từ 110kV trở lên, vận động cán bộ công nhân viên ngành điện lắp đặt điện mặt trời áp mái, để khách hàng thấy được lợi ích và làm theo.
 
Tuy nhiên, dù EVN và các đơn vị đã rất nỗ lực, nhưng công tác tuyên truyền tiết kiệm điện vẫn còn có những hạn chế nhất định. Nội dung vẫn còn trùng lặp; chưa có nhiều sản phẩm/tài liệu tuyên truyền đặc sắc, dễ tiếp cận, dễ hiểu… Trong khi, người tham gia cũng không mặn mà do cơ chế còn chưa ràng buộc trách nhiệm.
 
Chính vì vậy, dù nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tuy có chuyển biến, nhưng vẫn còn hạn chế trong triển khai thực tế.
 
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, ngoài phối hợp tuyên truyền với các trường học, chính quyền, tổ chức đoàn thể xã hội, EVN và các đơn vị sẽ tập trung truyền thông qua mạng xã hội như zalo, facebook, youtube... Tập đoàn cũng sẽ xây dựng nội dung, sản phẩm truyền thông ấn tượng hơn để khách hàng dễ tiếp cận, dễ nhớ và dễ thực hiện như video clip, infographic...
 
Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất đến từ các doanh nghiệp sử dụng trọng điểm năng lượng, bởi lẽ, họ phải đầu tư máy móc, công nghệ, vận hành... Vướng mắc cơ bản của hầu hết các doanh nghiệp là đầu tư. Tức là, họ đang bị chi phối bởi việc làm sao có đủ nguồn lực, đủ tiền để áp dụng các giải pháp mới.
 
Do đó, để giải pháp tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, EVN mong muốn Chính phủ và bộ ngành quan tâm các cơ chế khuyến khích, cụ thể là thông qua hỗ trợ tài chính.
 
Ví dụ, cơ chế cho phép các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm vay ưu đãi khi áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, các quy trình thủ tục cũng đơn giản nhất có thể để tiếp cận thuận lợi... Bởi, vướng mắc nhiều quá, quy trình nhiêu khê quá thì làm hạn chế tinh thần tham gia của doanh nghiệp
 
Năm 2023 dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn đang ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao. Do đó, EVN sẽ tiếp tục nỗ lực quyết liệt thực hiện các giải pháp quản trị trong tập đoàn.
Theo: Báo Công Thương