Các đại biểu thực hiện nghi thức kích hoạt kết nối NDXP cung cấp dịch vụ điện trên nền tảng công dân số của các tỉnh.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo, đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có đồng chí Dương Quang Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN, đồng chí Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN, có các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo Công đoàn Điện lực Việt Nam, lãnh đạo các Ban của Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tập đoàn.
Triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, EVN đã thể hiện rõ vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước. Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025 được EVN phê duyệt, ban hành ngày 17/2/2021, xác định: Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.
Giai đoạn 2021-2022, EVN và các đơn vị thực hiện chuyển đổi số trong 5 lĩnh vực: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin, với 45 nhiệm vụ chính về ứng dụng công nghệ, 100 mục tiêu phải đạt được. Từ các mục tiêu lớn này, Tập đoàn và các đơn vị đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, bằng rất nhiều giải pháp.
Tính đến tháng 9/2022, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022 của EVN đã đạt khối lượng bình quân 86,5%. Trong đó, một số lĩnh vực hoàn thành với tỷ lệ cao, như quản trị nội bộ (98,98%), kinh doanh và dịch vụ khách hàng (97,56%), đầu tư xây dựng (94,8%)...
Để phát huy hiệu quả của chuyển đổi số trong bối cảnh nền kinh tế số bùng nổ Tập đoàn đã tiên phong kết nối hệ sinh thái của EVN với với các nền tảng của Quốc gia như: Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, Cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia, nền tảng số của các tỉnh; kết nối với ngân hàng, ví điện tử, Mobile Money, trung tâm hành chính công và cổng dịch vụ công các tỉnh, thành phố….
Lãnh đạo EVN cùng lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông tại buổi lễ kích hoạt.
Đặc biệt, từ ngày 1/2/2022, EVN kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, sớm hơn 5 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Nền tảng xã hội số của các tỉnh/thành là một cấu phần quan trọng trong xây dựng trụ cột xã hội số của các tỉnh. Ứng dụng được phát triển hướng tới một kênh kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
Để đáp ứng nhu cầu cũng như tạo thuận tiện cho người dân trong việc tiếp cận gần hơn với các dịch vụ điện trên không gian mạng, EVN đã triển khai kết nối hệ sinh thái của EVN với nền tảng NDXP của Bộ Thông tin và Truyền thông để cung cấp dịch vụ điện trên hệ sinh thái công dân số của các tỉnh/thành để cung cấp một loạt tiện ích về dịch vụ điện, bao gồm: Tra cứu thông tin về điện; Đăng ký hợp đồng mua bán, thanh lý điện; Tra cứu hóa đơn tiền điện; Công ty Điện lực gửi thông báo tới khách hàng; Khách hàng gửi phản ánh tới Công ty Điện lực và Chính quyền….
Ngày 25/1/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 304 đề xuất EVN triển khai tích hợp các tiện ích, ứng dụng trên nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID. Sau một thời gian nỗ lực chuẩn bị và thực hiện từ 2 phía, EVN đã thống nhất đưa các tiện ích của EVN trên nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID vào hoạt động chính thức kể từ ngày 1/6/2022.
Đến nay, EVN đã xây dựng, hiệu chỉnh, bổ sung và hoàn thiện 11 dịch vụ, tiện ích ngành Điện trên nền tảng Thái Nguyên ID. Tập đoàn đã thiết lập kênh truyền kết nối hệ thống của EVN đến nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia. Từ nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia đến nền tảng Thái Nguyên ID trong mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước.
Khi kết nối với nền tảng Thái Nguyên ID của UBND tỉnh Thái Nguyên, từ nền tảng này các thông tin, dịch vụ ngành Điện đã liên thông và kết nối tiếp vào 2 nền tảng quốc gia gồm: Nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu về dân cư, tích hợp với các cổng thông tin của các Bộ, ngành và các nền tảng của các UBND tỉnh/thành phố.
Việc kết nối thành công với nền tảng Thái Nguyên ID thông qua nền tảng NDXP của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay EVN đang tích cực phối hợp với các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế để hoàn thành kết nối nền tảng công dân số với các tỉnh này, tiến tới mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước nhằm kết nối liên thông, đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số của EVN cũng như của các tỉnh/thành phố.
Việc kết nối, liên thông với nền tảng NDXP và thông qua đó cung cấp dịch vụ điện qua các nền tảng công dân số của các tỉnh/thành phố như Thái Nguyên đã, đang, sẽ tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng, người dân sử dụng điện, gia tăng lợi ích cho các doanh nghiệp, các đối tác và các cơ quan quản lý nhà nước, bởi tất cả đều được thao tác đơn giản, thuận tiện trên môi trường số. Qua đó, góp phần thúc đẩy lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Với kết nối liên thông giữa EVN với các địa phương trên môi trường số làm thay đổi cách thức tiếp cận thông tin và giao tiếp truyền thống của người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Đồng thời, gia tăng lợi ích, tiện kiệm thời gian, chi phí và đồng bộ nguồn dữ liệu lớn. Qua đó, góp phần giúp EVN và các tỉnh, thành trong cả nước đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số.
EVN mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ từ UBND các tỉnh trong việc đẩy mạnh việc kết nối liên thông thông tin ngành Điện trên nền tảng ID của các tỉnh/thành trong thời gian tới, nhằm tạo ra những đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần cùng các địa phương thúc đẩy phát triển nền kinh tế số và xã hội số, gia tăng lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, địa phương và quốc gia.