Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN - Dương Quang Thành (thứ 2, từ phải sang) cùng đoàn công tác kiểm tra thực địa tại công trường
Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.
Đó là dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 có tổng công suất 1.200 MW tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khi đi vào vận hành ổn định, Nhà máy sẽ cung cấp khoảng 7,8 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia.
Sau khi tiếp quản Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 từ tay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết với UBND tỉnh Quảng Bình sẽ khởi công dự án này trong thời gian sớm nhất. Vượt qua rất nhiều trở ngại ở khâu giải phóng mặt bằng, xem xét di chuyển gần 300 hộ dân vùng lân cận đi tới một địa điểm khác; chỉ đạo các nhà thầu tạo điều kiện sử dụng lao động tại chỗ để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương khi khởi công xây dựng dự án; đồng thời đề xuất giao thêm cho dự án khoảng 105 ha đất để khảo sát xây dựng một kho chứa than hoặc tạo mặt bằng nhằm nâng công suất nhà máy trong tương lai. Đến thời điểm này, các thủ tục để khởi công nhà máy đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến cuối năm 2018 sẽ khởi công và đưa vào khai thác năm 2021.
Tháng 1 năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 303 Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I. Cụ thể, các thông số dữ liệu về chất lượng khí thải, nước thải được hệ thống giám sát quan trắc môi trường Online (CEMS) truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình để giám sát liên tục 24/24h. Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I trang bị các hệ thống công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để xử lý và kiểm soát các chất phát thải ra môi trường và được đưa vào vận hành ngay khi khởi động lò hơi. Do vậy các chất phát thải ra môi trường đáp ứng các Quy chuẩn về môi trường Việt Nam hiện hành.
Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 vốn được nhiều người biết đến do sử dụng công nghệ “siêu tới hạn” - một loại công nghệ cận dưới của công nghệ “siêu siêu tới hạn”, tức là công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay về nhiệt điện, do các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... chế tạo. Nhưng hiện nay, một vấn đề khác còn được nhiều người quan tâm hơn, đây là dự án nguồn điện đầu tiên của EVN được thu xếp 100% vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước và không có bảo lãnh của Chính phủ. Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 do EVN làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau thuế là 42.022 tỷ đồng. Nhu cầu vốn vay của Dự án là 27.100 tỷ đồng, đều được thu xếp bởi một nguồn duy nhất từ Vietcombank.
Vai trò của Nhiệt điện Quảng Trạch 1 đối với nền kinh tế vô cùng quan trọng. Từ trước đến nay, ngành điện luôn “đau đầu” trong vấn đề cân đối nguồn điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam - một khu vực phát triển kinh tế hết sức năng động, nhưng không có đủ nguồn điện tại chỗ. Trong khí Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 nằm ở vị trí gần các tỉnh miền Nam nhất trong số các nhà máy nhiệt điện miền Bắc có thể xây dựng trong giai đoạn này. Nếu đưa nhà máy này vào vận hành năm 2021 sẽ bổ sung công suất điện năng cho hệ thống điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn đến năm 2025. Đồng thời, làm đa dạng hóa các loại hình đầu tư phát triển nguồn và cung cấp điện, tăng tỷ trọng nguồn nhiệt điện trong cơ cấu nguồn điện thuộc hệ thống điện Việt Nam. Khắc phục một phần sự phụ thuộc của hệ thống vào nguồn thủy điện trong điều kiện khí tượng, thủy văn đang ngày càng có những biến đổi khó lường.
Theo: Tạp chí Công Thương