Để hiểu rõ về những thách thức EVN đang phải đối mặt cũng như những giải pháp nhằm hạn chế "chảy máu chất xám", phóng viên TTXVN đã phỏng vấn với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ và Đào tạo EVN.
Phóng viên: Theo Quy hoạch điện VI, từ nay đến 2015, cả nước sẽ đưa vào vận hành 50 nhà máy điện; trong đó, EVN đầu tư 19 nhà máy với tổng công suất 16.825 MW. Vậy công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho Quy hoạch này đang được EVN triển khai như thế nào?
Ông Hùng: Không phải đến khi Quy hoạch điện VI được Thủ tướng Chính phủ thông qua, EVN mới có sự chuẩn bị về nhân lực mà ngay từ khi EVN có Quyết định trở thành Tập đoàn kinh tế vào cuối năm 2006, chúng tôi đã bắt tay ngay vào lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Tập đoàn trong giai đoạn 2007-2010.
Bên cạnh đó, xác định nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò then chốt trong chiến lược phát triển của Tập đoàn nên hàng năm, theo phân cấp các đơn vị thuộc EVN vẫn dành ra từ 1-4% quỹ lương để phục vụ công tác đào tạo. Ngoài ra, EVN còn cấp cho 4 trường trực thuộc (1 trường ĐH, 2 trường cao đẳng, 1 trường công nhân) từ 25 tỷ đến 30 tỷ đồng/năm để đào tạo nguồn nhân lực cho EVN và xã hội. Mục tiêu đào tạo trong giai đoạn tới của EVN là đảm bảo năng suất lao động hàng năm tăng 20%.
Đến nay, trên tổng số 85.432 cán bộ công nhân viên thì đã có 0,47% cán bộ đạt trình độ trên đại học; 24,84% đại học; 17,39% cao đẳng và trung học; 48,31% công nhân kỹ thuật…Đặc biệt, đội ngũ lao động của EVN không những được đào tạo cơ bản về lý thuyết tại các khoa, trường chuyên ngành điện mà còn có bề dày kinh nghiệm nhờ được làm việc trong những môi trường thực tiễn tốt nhất.
Phóng viên: Vậy nhu cầu nhân lực cho thực hiện Quy hoạch và kinh phí cho đào tạo sẽ như thế nào ?
Ông Hùng: Theo Quy hoạch, để đáp ứng nhu cầu điện thương phẩm tăng 17%/năm, dự báo số lao động trong khối phát điện đến 2010 tăng thêm khoảng 1700 người, năm 2015 tăng thêm khoảng 1500 người. Tỷ lệ cơ cấu lực lượng lao động dự kiến: Trên đại học chiếm 1,5%; Đại học chiếm 25%; Trung học, cao đẳng chiếm 25% ; Công nhân kỹ thuật chiếm 45%.....
Hiện nay, mỗi năm, các trường đào tạo kỹ thuật trong và ngoài EVN có khả năng cũng cấp cho EVN và xã hội khoảng 4000 sinh viên trình độ đại học, cao đẳng; 2.000 trình độ trung cấp và 2.500 trình độ công nhân kỹ thuật. Trước khi một nhà máy mới đi vào vận hành 2 năm, EVN sẽ tuyển các sinh viên và học sinh từ các trường này và cho đi đào tạo thực tiễn trong thời gian từ 1- 1,5 năm tại các nhà máy đang vận hành có công nghệ tương ứng với chế độ một người cũ kèm một người mới. Chương trình đào tạo sẽ tập trung vào các qui trình sản xuất, vận hành, an toàn và các công nghệ của nhà máy điện.
Với chính sách như vậy, kinh phí đào tạo dự kiến từ 30-50 tỷ đồng/năm phụ thuộc vào số lượng nhà máy được đưa vào vận hành trong năm. Khoản kinh phí này chưa phải là nhiều nhưng với khả năng quỹ lương còn hạn hẹp của EVN hiện nay, chúng tôi mới chỉ “tính” được như vậy.
Phóng viên: Hiện hàng trăm kỹ sư lâu năm và công nhân lành nghề của EVN đang bị hút sang khối các nhà máy điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với mức lương được trả cao gấp 2-3 lần mức lương của EVN. Đó là chưa kể đến việc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, các nhà máy điện BOT nước ngoài và các nhà máy điện độc lập IPP cũng đang mở chiến dịch săn lùng nhân lực chất lượng cao để quản lý các nhà máy điện của họ. EVN sẽ làm gì để hạn chế việc “chảy máu chất xám” này ?
Ông Hùng: Đúng là EVN đang phải đối mặt với việc đó. Chúng tôi hiểu EVN là doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư sản xuất điện nên việc phải chia sẻ nguồn lực cho các doanh nghiệp khác cùng sản xuất điện là điều tất yếu. Sự “chia sẻ” nguồn lực sẽ gây tổn thất cho EVN nhưng ngược lại, hiệu ích xã hội được nâng cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam cũng cần sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành luật chuyển nhượng “lao động” để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp cũng như hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” bất hợp lý.
Đối với người được EVN cử đi đào tạo trước khi đi học phải có những cam kết ràng buộc làm việc tại EVN trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm. Nếu sau đào tạo chuyển ra khỏi EVN trước thời gian qui định thì căn cứ theo Hợp đồng lao động, cam kết trước khi đào tạo tạo phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo. Hiện nay, chế độ tiền lương được tính theo lợi nhuận, trong khi đó EVN lại phải thực hiện nhiệm vụ công ích phục vụ xã hội, cho nên việc xây dựng cơ chế tiền lương để nuôi dưỡng nguồn nhân lực là khó khăn thách thức lớn đối với EVN đòi hỏi khung giá điện cần được Chính phủ điều chỉnh hợp lý hơn nữa.
Phóng viên: Nhiều chuyên gia cho rằng, với kinh nghiệm quản lý và vận hành các nhà máy điện, EVN nên mở ra loại hình đào tạo nhân lực chất lượng cao trong quản lý, vận hành các nhà máy điện để “bán” lại cho các Tập đoàn khác. Quan điểm của EVN về vấn đề này như thế nào ?
Ông Hùng: Tôi khẳng định rằng, việc EVN đang bị “mất” người là việc phải tính đến nhưng cũng là dấu hiệu chứng tỏ nhân lực của EVN rất “có giá” và được các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, các Tập đoàn kinh tế lớn khác “coi trọng”. Tuy nhiên, để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, kinh phí cho việc đào tạo không phải là nhỏ trong khi điều khoản bồi thường phí đào tạo như qui đinh hiện nay (theo Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005) khi lao động tự ý bỏ việc là chưa thoả đáng. Khi chưa có cơ chế về việc chuyển nhượng lao động thì việc đào tạo nhân lực chất lượng cao để “bán” là không thể thực hiện được. Vì vậy, việc chuyển nhượng lao động cần sớm được "luật hóa".
Hiện nay, EVN có các Trung tâm đào tạo nâng cao trong 5 lĩnh vực của ngành điện gồm: nhiệt điện, thuỷ điện, truyền tải, trạm điện và phân phối. EVN cũng đang xây dựng đề án thí điểm cổ phần hoá các trường đào tạo để các doanh nghiệp trong và ngoài ngành có điều kiện tham gia góp vốn đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời phát huy được thế mạnh của EVN trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành điện./.