EVN sẽ áp dụng công nghệ trong mọi hoạt động của Tập đoàn
Sẽ ứng dụng công nghệ cho mọi hoạt động
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho một cuộc cách mạng mới, tới nay Tập đoàn đã hoàn thành và phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động SXKD của EVN.
Nội dung Đề án đã đưa ra mục tiêu xây dựng Tập đoàn EVN trở thành tập đoàn hàng đầu trong khu vực, phát triển bền vững, hiệu quả, ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin (CNTT) và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 cho mọi hoạt động, từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh - dịch vụ khách hàng, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Ngành điện có 6 sản phẩm ưu tiên phát triển, cùng với đó sẽ có 30 mảng công việc cụ thể như: Thanh toán điện tử, dịch vụ điện cấp độ 4, sản xuất, truyền tải, phân phối… sẽ được ứng dụng số và số hoá, qua đó hướng tới mục tiêu toàn bộ đơn vị của Tập đoàn ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào SXKD cũng như quản lý vận hành hệ thống điện và nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng.
Hiện nay, EVN đã xây dựng các dự án thành phần, cũng như giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị triển khai. Trong đó, EVN sẽ nghiên cứu sử dụng công nghệ dữ liệu lớn trong dự báo phụ tải hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện miền và các tổng công ty điện lực; ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động kinh doanh mua bán điện với khách hàng và điện mặt trời áp mái cho các tổng công ty điện lực; hệ thống điều khiển nhà máy điện thông minh; phát triển lưới điện thông minh; xây dựng hệ thống thông tin chăm sóc khách hàng trả lời tự động...
Tính đến nay, Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) là đơn vị thành viên EVN đi đầu trong ứng dụng CNTT trong quản lý chăm sóc khách hàng, tự động hóa lưới điện… Ông Thành cho biết, EVNHCMC là đơn vị về đích trước 2 năm các chỉ tiêu đã đề ra đến năm 2010 như chỉ số tổn thất điện năng, thời gian mất điện bình quân.
Xây dựng Cloud nội bộ
Trong các định hướng xây dựng triển khai ứng dụng CMCN 4.0, việc xây dựng Cloud (điện toán đám mây) nội bộ, dịch chuyển hệ thống phần mềm hiện hữu sang vận hành trên nền Cloud nội bộ; Dịch chuyển hạ tầng máy chủ, lưu trữ sang công nghệ ảo hóa để tiết kiệm tài nguyên phần cứng và làm nền tảng xây dựng Cloud nội bộ là một phần việc gây ra nhiều bất ngờ với giới CNTT.
Lý giải về định hướng này, ông Thành cho biết, hiện EVN có 27 triệu khách hàng, hơn 40 nhà máy điện với rất nhiều thông tin cần quản lý như trạm biến áp, thông số đường dây…, mỗi một nhà máy điện cũng đã có rất nhiều thông tin phải hệ thống, do đó, việc xây dựng Cloud riêng của EVN là vô cùng cần thiết.
Ông Thành cũng cho biết, hiện nay, các trung tâm điện lực lớn của EVN đều đã có kết nối hệ thống với các Sở Tài nguyên và Môi trường để người dân có thể giám sát các thông số về khói bụi, nồng độ khí… Tất cả những thông số này được xuất hiện công khai, online để các Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Đây là một hướng đi mà EVN đã chú trọng triển khai trong cuộc CMCN 4.0 này. Dự tính, năm 2019, sẽ có đánh giá hiệu quả của việc kết nối hệ thống sau khi thực hiện xong toàn bộ các trung tâm điện lực này, sau đó sẽ tiến hành áp dụng đối với mọi dự án.
Ngoài ra, việc thực hiện kết nối trực tuyến, thông suốt các trung tâm dữ liệu nhằm khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các kho thông tin dữ liệu của EVN và các đơn vị cũng sẽ được triển khai rộng rãi và nhanh chóng. “Lõi của EVN là chuẩn hóa số liệu tập đoàn. Hiện tất cả các đơn vị đều có trung tâm dữ liệu nhưng chưa có kết nối nên hiện giờ đang xây dựng trung tâm kết nối. Có trung tâm kết nối này sẽ dễ dàng đánh giá hiệu quả hệ thống điện” - ông Thành chia sẻ.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FPT khẳng định, bản chất của cuộc CMCN 4.0 chính là tăng năng suất lao động khi các ứng dụng công nghệ được sử dụng nhiều hơn vào các khâu sản xuất. “Điều quan trọng là chúng ta thuê công ty, tập đoàn nào trong xây dựng lộ trình 4.0. Hiện trên thế giới cũng đã có nhiều dịch chuyển nhưng hầu hết lãnh đạo các tập đoàn đều đang ở trong giai đoạn ban đầu và chưa đặt ra mục tiêu nào trong cuộc CMCN 4.0 này trong 3 năm tới” - ông Bình cho biết.
Từ những chia sẻ của một doanh nhân đầu ngành trong giới công nghệ thông tin, có thể thấy, EVN đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể và phù hợp với bản chất của cuộc CMCN 4.0 này. Và những mục tiêu này hiện cũng đã đạt được phần nào như chính thức công bố dịch vụ công mức độ 4 với việc các công đoạn từ đăng ký dịch vụ đến thanh toán dịch vụ đều có thể tiến hành trên nền tảng công nghệ…