Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Từ đó, tạo chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ trong quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm nhân công, chi phí và hướng tới mục tiêu phục vụ ngày càng tốt hơn sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân.
Bước đi mạnh mẽ và đúng hướng
Từ năm 2018 đến nay, EVNCPC tạo bước đột phá lớn trên lộ trình số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), trở thành đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành việc số hóa hồ sơ khách hàng.
Ông Ngô Tấn Cư, Tổng giám đốc EVNCPC khẳng định, 10 năm qua, EVNCPC không ngừng ứng dụng các công nghệ hiện đại, thực hiện chuyển dịch doanh nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh và số hóa. Quá trình xây dựng hạ tầng số tại EVNCPC được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhờ đó, trong công tác điều hành, Tổng công ty đã xây dựng mô hình văn phòng điện tử, được Tập đoàn đánh giá cao về tính năng, hiệu quả. Tất cả các văn bản, báo cáo đều được số hóa, xử lý trên môi trường mạng, từ đó giảm thời gian lưu chuyển văn bản, công văn trong các nội bộ Tổng công ty; đồng thời xóa bỏ các giới hạn về không gian, vị trí địa lý.
Với công tác quản lý, điều hành, kinh doanh, đã không còn những tập hồ sơ lưu trữ dày cộp chất đầy các tủ lớn, không còn cảnh tra cứu thông tin khách hàng theo phương pháp lật mở thủ công, toàn bộ hồ sơ khách hàng sử dụng điện tại 13 tỉnh miền trung - Tây Nguyên được EVNCPC số hóa và lưu trữ trên không gian mạng, mà nhân viên ngành điện chỉ cần có thiết bị truy cập Internet là có thể tra cứu dù đang ở bất cứ đâu.
Những năm gần đây, thực hiện “Lộ trình phát triển lưới điện thông minh” đã được Chính phủ phê duyệt, EVNCPC tích cực triển khai và đạt được kết quả tích cực, toàn EVNCPC đã lắp đặt hơn bốn triệu công tơ điện tử cho khách hàng, chiếm gần 92%. Đến hết tháng 9-2020, EVNCPC đã lắp đặt 4,02 triệu công tơ điện tử, trong đó có 3,7 triệu công tơ đo xa bằng hệ thống RF Spider, giúp quá trình thu thập dữ liệu điện thành công đạt gần 99%. Trong công tác quản lý vận hành lưới điện, EVNCPC cũng đã làm chủ công nghệ tự động hóa trạm biến áp 110kV. Đến nay 100% trạm biến áp 110 kV của EVNCPC đã thực hiện vận hành không người trực. Hệ thống thiết bị được quy hoạch đồng bộ, bảo đảm khả năng quản lý và cấu hình tập trung, tối ưu về dự phòng thiết bị. Tỷ lệ cáp quang hóa đến tận quận/huyện đạt hơn 95%. Tất cả các Công ty điện lực, các đơn vị thành viên đều có kênh kết nối tốc độ cao, kết hợp kênh dự phòng về EVNCPC. Đồng thời, EVNCPC cũng thiết lập kênh kết nối đến EVN, các ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian, đơn vị thiết lập kết nối đến các nhà cung cấp dịch vụ như VNPT, Viettel với mục đích bảo đảm truy cập Internet và phổ cập ứng dụng/dịch vụ của EVNCPC ra môi trường Internet một cách liên tục, nhanh chóng và an toàn cho người sử dụng.
Trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc EVNCPC được thiết kế cho 46 điện thoại viên hoạt động đồng thời, cung cấp thông tin dịch vụ điện cho 13 tỉnh miền trung và Tây Nguyên, đồng thời kết nối 13 hệ thống SCADA của các công ty điện lực để thu thập thông tin mất điện và thông báo kịp thời cho khách hàng. Ứng dụng công nghệ Text to Speech để trả lời tự động cho khách hàng mất điện (từ tháng 5 đến 12-2019, số cuộc gọi của khách hàng mất điện được hệ thống trả lời tự động là 57.156 cuộc gọi, chiếm tỷ lệ 15,01% tổng số cuộc gọi liên quan đến mất điện), cả năm 2019, Trung tâm chăm sóc khách hàng EVNCPC đã trả lời 1.145.909/1.225.686 cuộc gọi, đạt tỷ lệ 93,49%. Toàn bộ hệ thống thiết bị đều được bảo mật an ninh ở cấp độ cao, trang bị các thiết bị tường lửa vùng Internet - DMZ, Core, WAN, Database, Application nhằm phân tách các vùng mạng, kiểm soát truy cập thông tin, ngăn chặn phát tán mã độc giữa các vùng… Hệ thống đánh giá an toàn của ứng dụng gồm ứng dụng quét lỗ hổng bảo mật ứng dụng web và quét lỗ hổng bảo mật trên code nhằm kiểm tra mức độ an toàn của các ứng dụng, xử lý các lỗ hổng bảo mật (nếu có) trước khi đưa vào vận hành khai thác. Hệ thống antivirus quản trị tập trung cho Trung tâm dữ liệu và VP Tổng công ty giúp ngặn chặn malware xâm nhập hệ thống máy chủ, máy trạm người dùng và cảnh báo đến chương trình quản trị cho cán bộ vận hành, phục vụ công tác thống kê, báo cáo theo yêu cầu của EVN, EVNCPC. Hệ thống SIEM có khả năng phát hiện các mối đe dọa, rủi ro và xử lý, phản ứng kịp thời các sự cố về ATTT thông qua khả năng thu thập theo thời gian thực và phân tích dữ liệu lịch sử của các sự kiện bảo mật cho TTDL và các kết nối mạng WAN.
Công nhân PC Quảng Trị hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ điện qua máy tính bảng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trong lĩnh vực văn phòng, hệ thống văn phòng điện tử CPC-eOffice hiện đã triển khai đến tất cả CBCNV. Quy trình soạn thảo, phê duyệt, ban hành, tiếp nhận, xử lý, lưu trữ đều đã thực hiện trên môi trường số. Kênh eOffice Chat trở thành công cụ giao tiếp chính trong hoạt động SXKD. Nhiều ứng dụng văn phòng đã được số hóa và liên kết với CPC-eOffice như: Lịch tuần, đăng ký công tác, quản lý kết luận/nghị quyết, quản lý công tác, … 100% CBCNV có hộp thư điện tử @cpc.vn. Về lĩnh vực báo cáo số liệu phục vụ điều hành, Cổng thông tin nội bộ phục vụ quản lý và điều hành tại EVNCPC (EVNCPC Portal) cũng đã được triển khai, quản lý khoảng 350 báo cáo phục vụ các hoạt động điều hành hàng ngày. Đây là nơi tập trung, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo trong Cơ quan Tổng công ty và các đơn vị; giúp lãnh đạo, các ban/văn phòng của cơ quan Tổng công ty trong công tác quản lý, khai thác số liệu tình hình sản xuất kinh doanh một cách dễ dàng, nhanh chóng. EVNCPC không sử dụng các báo cáo giấy trong hoạt động SXKD nội bộ.
Về các thông số thuộc hệ thống lưới điện phân phối, EVNCPC cũng đi tiên phong và cơ bản hoàn thành số hóa thông tin khách hàng trên nền tảng google maps. Theo đó, thông tin lưới điện, tọa độ cột, tọa độ công tơ khách hàng… được số hóa trên ứng dụng, hiển thị chi tiết trên các thiết bị di động, giúp nhân viên Điện lực nhanh chóng tới hiện trường thực hiện các thao tác nghiệp vụ khi có yêu cầu dịch vụ hay sự cố phát sinh, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Các ứng dụng phục vụ khách hàng cùng với sự ra đời của Trung tâm CSKH như: CRM, website/app CSKH, dịch vụ gửi thông báo qua email, sms, Zalo...cơ bản đã phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng. Thông qua các kênh kết nối số, khách hàng có thể tiếp cận đến các thông tin như: Hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm; Thủ tục cấp điện; Tình hình cung cấp điện và tiến độ giải quyết yêu cầu dịch vụ; Tình hình sử dụng điện; Tra cứu chỉ số, hóa đơn điện tử; tra cứu lịch cắt điện...
Ở một số lĩnh vực, EVNCPC cũng đi đầu trong việc ứng dụng thành quả CMCN 4.0, trở thành một trong những đơn vị đầu tiên của EVN ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển chatbot và đưa vào phục vụ tại Trung tâm chăm sóc khách hàng; xây dựng kho dữ liệu lớn dùng chung, khai thác hiệu quả dữ liệu để phục vụ các hoạt động SXKD, quản trị doanh nghiệp… Riêng hệ thống quản lý thông tin đầu tư xây dựng – IMIS do EVN phát triển, đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong công tác quản lý các dự án công trình trong toàn EVNCPC bao gồm các khâu lập kế hoạch, quản lý tiến độ thi công, nguồn vốn công trình, giải ngân, thanh quyết toán,… Trong giai đoạn thi công, ngoài việc tư vấn giám sát chịu trách nhiệm về giám sát chất lượng công trình, việc chụp hình ảnh thi công và lưu trữ giúp nâng cao ý thức của các chủ thể tham gia xây dựng công trình (nhà thầu, tư vấn giám sát). Cụ thể, IMIS cung cấp các giải pháp đột phá như lưu trữ hình ảnh thi công theo từng vị trí, từng xuất tuyến cụ thể của công trình. Kho dữ liệu hình ảnh này là công cụ giúp chủ đầu tư kiểm soát được tình hình thi công, nhằm nâng cao chất lượng công trình cũng như giảm thiểu chi phí khi đi lại kiểm tra hiện trường cũng như rủi ro của các công trình xây dựng.
Phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS) đã được triển khai đưa vào sử dụng với các chức năng chính như: Quản lý lý lịch thiết bị, Quản lý thông số vận hành, Quản lý sửa chữa, Sổ nhật ký điện tử, Quản lý độ tin cậy cung cấp điện OMS. Phần mềm PMIS hỗ trợ quản lý dữ liệu về lý lịch, tình trạng thiết bị, quá trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thí nghiệm định kỳ; giúp cho đơn vị quản lý có cái nhìn chính xác, tổng quan nhất về hệ thống lưới, nhà máy điện. Các thông tin khai thác trên phần mềm bao gồm: Công suất toàn hệ thống; sản lượng điện sản xuất; mực nước các hồ thủy điện; thông số, số lượng các máy biến áp, trạm biến áp, tụ bù, km đường dây.
“Thúc đẩy cách mạng số hóa”
Vận hành cấp điện tại Trung tâm điều khiển hệ thống điện Bình Định. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Võ Quang Lâm đánh giá: Với những kết quả đã đạt được, EVNCPC trở thành doanh nghiệp số đầu tiên của Tập đoàn. Theo đó, EVNCPC đã điện tử hóa 100% quy trình nghiệp vụ kinh doanh điện, đẩy mạnh ứng dụng mã vạch QRcode trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng... Đặc biệt, quá trình số hóa của EVNCPC sẽ gắn liền với các giải pháp an ninh mạng, bảo mật thông tin, nâng cao tính phòng vệ của hệ thống.
EVNCPC cũng có kế hoạch nhân rộng hệ thống điều hành công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng tới các công ty điện lực, qua đó, thay thế hệ thống báo cáo kinh doanh hiện tại bằng một cổng thông tin điện tử duy nhất. Đây là hệ thống được ứng dụng công nghệ Business Intelligence (BI), với ưu điểm mạnh về phân tích báo cáo, dự báo xu hướng qua khai thác, phân tích dữ liệu đa chiều từ nhiều nguồn, nhiều hệ thống, phù hợp với xu hướng bigdata (dữ liệu lớn) trong thời đại CMCN 4.0.
EVNCPC đang hướng tới mục tiêu đến tháng 6-2022, cơ bản trở thành doanh nghiệp số. Các lĩnh vực được tác nghiệp, thực hiện và lưu trữ dữ liệu trên môi trường số. Trong đó, xác định các trọng tâm chuyển đổi số là các công tác Quản trị điều hành, KD và DVKH, quản lý kỹ thuật và các nghiệp vụ hiện trường. Để làm được điều đó, EVNCPC sẽ tổ chức các hội thảo, đào tạo về Chuyển đổi số và giới thiệu về công nghệ, có lộ trình tập huấn, nâng cao nhận thức, năng lực và khả năng thích ứng cho cán bộ, nhân viên, người lao động. Đây không phải là công việc dễ dàng, bởi năng lực, nhận thức, độ tuổi, trình độ công nghệ của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, việc đào tạo theo lộ trình cụ thể, gắn liền với quá trình ứng dụng công nghệ số sẽ giúp cho người lao động từng bước đáp ứng các đòi hỏi mới trong công việc, góp sức cùng EVNCPC trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang doanh nghiệp số.
Khu vực miền trung - Tây Nguyên đang có thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ, với sự ra đời của hàng loạt dự án lớn, hàng chục Khu công nghiệp, Khu kinh tế là nơi hấp dẫn cho các nhà đầu tư với nhiều ngành sản xuất chủ lực như ô-tô, sắt thép, hóa dầu, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao. Diện mạo nguồn và lưới điện có EVNCPC quản lý cũng chuyển mình mạnh mẽ, quá trình việc thúc đẩy cuộc cách mạng số hóa sẽ góp phần quan trọng vào lộ trình hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền trung - Tây Nguyên.