EVNHCMC triển khai sớm, đa dạng kênh thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ sáu, 15/3/2019 | 08:37 GMT+7
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) có cuộc trao đổi với phóng viên về kinh nghiệm triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
evnhcmc trien khai som da dang kenh thanh toan khong dung tien mat
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC.

PV: EVNHCMC hiện là đơn vị dẫn đầu ngành điện thực hiện các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ theo chủ trương của Chính phủ, với hơn 90% dịch vụ thu tiền điện không dùng tiền mặt thông qua các phương tiện thanh toán. Để làm được điều này, EVNHCMC đã có những bước đi như thế nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - PTGĐ EVNHCMC: Chúng tôi đã có những bước đi từ sớm và đa kênh. Vào năm 1995, khi EVNHCMC mới thành lập phương thức thu tiền điện còn khá thủ công với 02 hình thức là thu tiền mặt tại nhà và trực tiếp tại quầy thu điện lực. Nhưng từ năm 2003, EVNHCMC ký hợp đồng thu hộ tiền điện với 02 ngân hàng đầu tiên là VietcomBank và BIDV với hình thức thanh toán tiền điện qua thẻ ATM. Tiếp đó công ty đã thoả thuận hợp tác với nhiều ngân hàng hơn để hỗ trợ dịch vụ thanh toán tiền điện.
 
Đến năm 2009, để tăng số lượng điểm thu tiền điện, EVNHCMC đã mở rộng thu tiền qua các bưu cục thông qua Ngân hàng Việt Thái, nay là Liên Việt. Từ đó người dân bắt đầu thấy tiện lợi và tin tưởng khi thanh toán qua các điểm thu ngoài điện lực nên đến cuối năm 2010 các kênh thu ngoài điện lực đã đạt mức 21,61%. Tuy nhiên phải đến 2011 các ngân hàng và các đơn vị thanh toán trung gian phối hợp với EVNHCMC bắt đầu mở rộng các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt như: SMS/Mobile/Internet Banking, ví điện tử và các hình thức điện tử khác. Tỷ lệ khách hàng thanh toán qua hệ thống thu hộ của EVNHCMC đến cuối năm 2017 là hơn 90%, trong đó 80,65% là thanh toán không dùng tiền mặt.
 
Từ ngày 01/01/2018, EVNHCMC đã chính thức không còn bố trí nhân viên đến thu tiền điện tại nhà khách hàng, chỉ còn gần 20% khách hàng tìm đến các điểm thu tiền điện của ngân hàng và các đối tác thanh toán trung gian để thực hiện giao dịch. Kết quả đến cuối năm 2018, EVNHCMC đã hợp tác với 23 ngân hàng và 11 đối tác để thu tiền điện khách hàng qua 2.279 máy ATM, 6.973 điểm thu là các phòng giao dịch ngân hàng, các siêu thị tiện ích, hoặc qua SMS/Mobile/Internet Banking... Hiện tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 90,51%.
 
PV: Trong quá trình chuyển đổi từ thanh toán tiền mặt sang không dùng tiền mặt, EVNHCMC đã gặp những khó khăn gì và giải quyết các khó khăn đó ra sao? (về các đối tác thanh toán, hạ tầng công nghệ, vốn đầu tư, các trung gian thanh toán, người dùng…)
 
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - PTGĐ EVNHCMC: Để tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, từ năm 2016 đến nay, EVNHCMC đã phối hợp với các ngân hàng và các tổ chức thu hộ, triển khai nhiều chương trình khuyến mãi đến khách hàng sử dụng điện, việc này được đồng thuận và hưởng ứng của phần lớn người dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn do: Thói quen thanh toán tiền mặt được hình thành từ rất lâu nên việc thay đổi nhận thức này cần phải thực hiện đồng bộ và có lộ trình: Việc thanh toán không dùng tiền mặt phải có tài khoản ngân hàng trong khi nhiều người dân chưa sẵn sàng cho việc này. Bên cạnh đó, việc mở tài khoản cũng mất thời gian, chưa thuận lợi; rủi ro về tính bảo mật như việc mất thẻ ngân hàng, không nhớ thông tin tài khoản, hướng dẫn thực hiện… cũng khiến khách hàng ngại hoặc thận trọng trong việc thanh toán điện tử. Đặc biệt chưa có sự đồng bộ trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử của từng ngân hàng và đối tác thanh toán trung gian hay phí giao dịch cũng là một trở ngại cho người dùng.
 
PV: Sau khi chuyển sang phương thức thanh toán không tiền mặt, một lượng lớn lao động dôi dư từ bộ phận thu tiền điện trước đây đã được EVNHCMC giải quyết như thế nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - PTGĐ EVNHCMC: Từ những năm 2013, chúng tôi đã có phương án trong việc bố trí người lao động (lao động dôi dư từ bộ phận thu tiền điện, chúng tôi tổ chức đào tạo lại cho phù hợp công việc mới và hạn chế tuyển dụng mới,…) nên khi chuyển đổi hình thức thu tiền chúng tôi không gặp khó khăn trong vấn đề nhân sự.
 
PV: Để xu hướng không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến hơn, từ kinh nghiệm của EVNHCMC, theo ông ngoài nỗ lực của DN cần có những giải pháp nào để thúc đẩy?
 
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - PTGĐ EVNHCMC: Để quyết tâm thực hiện đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019, EVNHCMC nhận thấy, cần có sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các tổ chức thanh toán trung gian để xây dựng các chính sách phí hợp lý, khuyến khích nhiều cá nhân tham gia.
 
Cần đẩy mạnh việc vận động người dân thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với các hoạt động truyền thông mạnh mẽ và đồng loạt để tạo hiệu ứng về xu thế thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên hình thức trích nợ tự động từ tài khoản cá nhân;
 
Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các ngân hàng và ví điện tử còn nhiều hạn chế, đặc biệt về số lượng ngân hàng tham gia, do đó cần khắc phục tình trạng này. Đồng thời tăng cường đảm bảo an toàn và bảo mật thanh toán. Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, phát triển hạ tầng cơ sở và đầu tư công nghệ hiện đại.
 
PV: Xin cảm ơn ông !
Theo: Báo Công Thương