EVNNPC chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Thứ sáu, 20/11/2015 | 10:00 GMT+7
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã và đang tập trung mọi nguồn lực để chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh.


Theo dõi vận hành tại TBA 110KV Việt Trì. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng lưới điện và công nghệ thông tin
 
Theo ông Thiều Kim Quỳnh- Tổng giám đốc EVNNPC "trong giai đoạn 2016-2020 EVNNPC tiếp tục triển khai thực hiện hàng loạt các chương trình lớn như: Hiện đại hóa lưới điện 110kV đảm bảo tiêu chí N-1; Nâng cao chất lượng lưới điện phân phối thông qua việc đồng nhất cấp điện áp trung áp trong một khu vực; Tối ưu hóa quản lý vận hành bằng việc xây dựng quy trình và ứng dụng trạm biến áp 110kV không người trực và giám sát tình trạng vận hành thực tế của thiết bị ( online); Đồng bộ trong công tác sửa chữa và đầu tư mới tài sản; Tối ưu hóa chi phí bảo dưỡng sửa chữa thiết bị nhờ cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian thí nghiệm, sửa chữa cũng như đổi mới quy trình, công nghệ vệ sinh công nghiệp và tiến tới 100% trạm biến áp 110 kV xây dựng giai đoạn 2016-2020 thực hiện không người trực. Đồng thời khai thác tối đa các phần mềm ứng dụng thông qua đẩy mạnh triển khai các chương trình GIS, PSS/E, PSS/ADEPT…”.
 
Trong giai đoạn 2012-2015, Tổng công ty đã thực hiện đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT kết nối từ Tổng công ty đến 100% các Công ty Điện lực trực thuộc và đến 88,8% các Điện lực huyện, thị xã, thành phố. Hiện EVNNPC đã cơ bản thiết lập được hạ tầng hệ thống viễn thông, đảm bảo chủ động cung cấp đường truyền dung lượng lớn, ổn định cho các ứng dụng CNTT phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh như CMIS, FMIS, E-Office, …
 
Bên cạnh đó, Tổng công ty đã chuyển đổi tất cả các kênh thông tin thuê ngoài sang dùng kênh của EVN, cũng như đã sẵn sàng thiết lập đường truyền cho việc triển khai hệ thống FMIS/MMIS (ERP) theo mô hình tập trung toàn Tập đoàn và đang từng bước cung cấp đường truyền cho các ứng dụng phục vụ điều hành hệ thống điện và vận hành thị trường điện cạnh tranh.
 
Đồng thời, nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu vận hành thị trường điện, quản lý điều hành hệ thống điện và thực hiện giá bán điện cho khách hàng theo cơ chế thị trường, EVNNPC đã thực hiện hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng và truyền số liệu từ xa đối với việc giao nhận điện từ hệ thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với Tổng công ty và giữa Tổng công ty với các đơn vị.
 
Ngoài gần 200 điểm đo đếm ranh giới giao nhận điện năng với hệ thống điện quốc gia đã được lắp đặt công tơ điện tử và thu thập dữ liệu từ xa, EVNNPC đã phối hợp với các đơn vị hoàn thành lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa tại 204 trạm biến áp 110 kV với số lượng là 2222 điểm đo, 72 điểm đo đếm đường dây là ranh giới với các Công ty Điện lực tỉnh/thành phố. Các điểm đo đếm này đều được đồng bộ vào kho dữ liệu dùng chung của Tập đoàn để phục vụ cho việc điều hành sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường bán buôn cạnh tranh.
 
Đặc biệt đối với các nhà máy điện ngoài ngành, EVNNPC đang phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thành việc lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa, dự kiến hệ thống trên sẽ hoàn thành, vận hành đầy đủ trong năm 2015.
 
“Trong giai đoạn 2016-2020, EVNNPC sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến cáp quang mạch vòng cho các trạm biến áp 110kV, trạm biến áp trung áp, các đường truyền số liệu kết nối với các đơn vị, xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, ảo hóa máy trạm, xây dựng các phần mềm quản lý đầu tư, quản lỹ kỹ thuật… và các hệ thống tự động hóa, nhằm tham gia thị trường điện cạnh tranh trong điều kiện tốt nhất”, ông Thiều Kim Quỳnh cho biết.
 
Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thời gian qua, EVNNPC đã tập trung đẩy mạnh công tác quản trị và đào tạo phát triển nguồn nhân lực, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh vừa phục vụ cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
 
Theo đó, EVNNPC đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác quản trị nhân lực như: Lập kế hoạch và triển khai công tác luân chuyển cán bộ theo quy định nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh cho từng loại công việc để từ đó đào tạo và bố trí công việc cho phù hợp. Xây dựng các chính sách về sử dụng nhân lực phù hợp với những quy luật của nền kinh tế thị trường từ khâu tuyển dụng, bố trí công việc, trả công lao động, thăng tiến nghề nghiệp và không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường lao động để tạo động lực,  khuyến khích người lao động làm việc sáng tạo và có hiệu quả cao.
 
Xác định chất lượng đầu vào nguồn nhân lực là rất quan trọng, nên trong những năm qua EVNNPC đã xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình tuyển dụng công khai, minh bạch. Công tác tuyển dụng được căn cứ từ nhu cầu thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh, những lao động được tuyển chọn sẽ được đào tạo và bồi dưỡng theo từng loại hình công việc.
 
Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, thông qua hình thức đào tạo tập trung, các chuyên gia tư vấn, đào tạo quản lý được Tổng công ty mời về để tập huấn và nâng cao năng lực quản lý, quy định mới, các công nghệ mới cho các đối tượng này đặc biệt là cấp Điện lực. Đối với cán bộ lao động trực tiếp, Tổng công ty thường xuyên tổ chức đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề, trình độ phát triển công việc cũng như sắp xếp bố trị lại lực lượng lao động này nhằm đảm bảo sử dụng lao động một cách khoa học, hiệu quả và hợp lý.
 
Đặc biệt, trong những năm qua, EVNNPC đã từng bước thực hiện kế hoạch tách bạch chi phí giữa công tác quản lý vận hành, kinh doanh bán điện với khối dịch vụ, sửa chữa và sản xuất khác mà cụ thể là các lĩnh vực: thí nghiệm điện, chăm sóc khách hàng, tư vấn, sửa chữa, xây lắp…, để từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và tính tự chủ của từng đơn vị .
 
Chuẩn bị tham gia thị trường điện cạnh tranh, EVNNPC xác đinh ngoài công tác phổ biến các tài liệu, quy định liên quan về thị trường điện thì ngay từ tháng 5/2015, Tổng công ty đã triển khai đào tạo về Thị trường điện cho các lãnh đạo Tổng công ty, các Ban chuyên môn và lãnh đạo cấp Công ty Điện lực với các nội dung như: Các văn bản chính sách liên quan đến thị trường điện; Giới thiệu về thị trường bán buôn cạnh tranh, nhiệm vụ của các đơn vị trong thị trường bán buôn cạnh tranh cũng như giải đáp các thắc mắc của các cán bộ, các đơn vị…
 
Ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cho biết, trong các năm tiếp theo, trên cơ sở kế hoạch đào tạo được Bộ Công Thương phê duyệt, Tổng công ty sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo về kiến thức thị trường, thiết kế và quy định thị trường bán buốn cạnh tranh; kỹ năng quản lý hợp đồng; kỹ năng đàm phán hợp đồng song phương; Sử dụng phần mềm công cụ tính toán trong lĩnh vực dự báo phụ tải, tính toán các khoản thanh toán trên thị trường.
 
Tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ông Thiều Kim Quỳnh- Tổng giám đốc EVNNPC cho biết “Chúng tôi sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư ngay từ khâu chuẩn bị lập dự án đầu tư, thẩm định phê duyệt; triển khai đồng bộ và gắn liền với tối ưu hóa trong các lĩnh vực quản lý kỹ thuật vận hành, kinh doanh điện năng, quản lý vật tư thiết bị, định mức nhân công hợp lý- tối ưu, đổi mới cơ chế tiền lương, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của toàn Tổng công ty”.
 
Đặc biệt, EVNNPC sẽ hoàn chỉnh quy chế phân cấp quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư, quy định về quản lý chất lượng các công trình xây dựng phù hợp với nghị định thông tư trong tình hình hiện nay cũng như xây dựng nội dung tối ưu hóa chi phí trong lựa chọn các danh mục đầu tư xây dựng, bố trí các nguồn vốn thực hiện nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát đầu tư, ưu tiên các mục đầu tư, đưa ra các tiêu chí cụ thể để xem xét như tiêu chí quy hoạch, tổn thất điện năng, vận hành tối ưu, giảm chi phí trong quản lý… cũng như xây dựng cụ thể các thông số đầu vào cho từng khu vực, từng công ty điện lực để đảm bảo các chỉ tiêu này sát với thực tế. Đặc biệt, EVNNPC sẽ hạn chế chỉ định thầu và bố trí gói thầu hợp lý hơn để lựa chọn được nhà thầu tốt hơn.
 
EVNNPC đã xây dựng “Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016-2020” với các mục tiêu nhằm: Đảm bảo cung cấp điện an toàn, đầy đủ, ổn định, chất lượng dịch vụ ngày càng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của các địa phương; Nâng cao năng lực quản trị, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2020, EVNNPC sẽ phát triển ngang tầm khu vực đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
 
Cụ thể đến năm 2020 thì tổn thất điện năng giảm còn 5%, tỷ lệ thu tiền điện đạt 99,7%, thời gian mất điện trung bình giảm còn 511phút/khách hàng/năm... Đối với chất lượng dịch vụ thì nâng mức thỏa mãn khách hàng năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2020 đạt điểm hài lòng khách hàng trung bình từ 8/10 trở lên. Chỉ số tiếp cận điện năng từ tháng 9/2015 giảm chỉ còn 10 ngày làm việc. 
 
Đặc biệt Đề án cũng đặt ra chỉ tiêu năng suất lao động của Tổng công ty đến năm 2020 theo sản lượng điện thương phẩm phấn đấu ≥ 3,35 triệu kWh/nhân viên; Năng suất lao động theo khách hàng sử dụng điện ≥ 470 khách hàng/nhân viên. Đồng thời nâng cao hiệu quả tài chính thống qua hệ số bảo toàn vốn ≥ 1; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ≥1%; đến năm 2020 lưới điện 110 kV EVNNPC đảm bảo tiêu chí N-1; Đảm bảo lưới điện vận hành ở điều kiện bình thường không vượt quá 75% tải định mức các máy biến áp và 50% tải định mức của các đường dây không để xảy ra tình trạng non tải và quá tải kéo dài. Đến năm 2020, Tổng công ty cũng phần đấu 100% các Công ty Điện lực đều có hệ thống SCADA.
 
Đây được xem là bái toán khó với EVNNPC bởi với 27 tỉnh, thành phố do Tổng công ty phụ trách, phần lớn là các tỉnh miền núi, biên giới khó khăn, trong đó có nhiều tỉnh có tỷ lệ các hộ nghèo lớn của cả nước như: Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn…Đó là chưa kể đến  các tỉnh do EVNNPC quản lý thì đều có điều kiện địa lý, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên suất đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện lớn, chí phí bảo dưỡng bảo trì và sửa chữa cao, nhiều địa bàn mỗi khi mùa mưa lũ về công trình điện thường bị ảnh hưởng rất nặng nề do sét, mưa giông,lũ như: Hà Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Lạng Sơn, Nghệ An, Lào Cai…
 
Để đạt được mục tiêu trên, cũng theo ông Thiều Kim Quỳnh, giải pháp mà Tổng công ty sẽ hướng tới đó là: Phải duy trì tài chính lành mạnh, minh bạch; Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; Hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh bán điện và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; Chủ động tham gia thị trường bán buôn và bán lẻ cạnh tranh; Vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định tin cậy; Từng bước hoàn thiện lưới điện thông minh, có tỷ lệ tự động hóa cao; Đầu tư xây dựng hiệu quả đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phụ tải. Đồng thời tận dụng hiệu quả nguồn vốn trong công tác xã hội qua đầu tư xây dựng, cũng như củng cố và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp thông qua nâng cao chất lượng nguồn lực và tăng năng suất lao động.
 
Trần Phương/Icon.com.vn