Đoàn làm việc với Tổng công ty Lưới điện Liên bang Nga
Đây là sự kiện lớn trong lĩnh vực năng lượng của Nga. Mục đích của diễn đàn nhằm trình bày tiềm năng phát triển hợp tác quốc tế trong ngành điện. Các chủ đề chính của diễn đàn là thảo luận các vấn đề thuộc các ngành điện, năng lượng, các kịch bản về phát triển ngành năng lượng, công nghệ và số hóa trên thế giới.
Đến với diễn đàn, Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Tùng và đoàn đã tham dự phiên họp toàn thể, với tiêu đề “Phát triển năng lượng bền vững cho một thế giới đang thay đổi”. Tham dự sự kiện là dịp thuận lợi để EVNNPT mở rộng cơ hội trong ngành năng lượng như: Học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong vận hành, quản lý hệ thống điện, thảo luận về những khó khăn, thách thức trong ngành điện, tìm hiểu về tiềm năng phát triển của ngành điện và các vấn đề công nghệ, số hóa trên thế giới.
Các chủ đề thảo luận, gồm: Công nghiệp điện: Các thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Giải phóng tiềm năng của Nga trong nền công nghiệp tái tạo của thế giới; Các viễn cảnh cho năng lượng toàn cầu; Định hướng phát triển các hệ thống năng lượng cho tương lai.
Diễn đàn cũng đã nêu rõ, đối với các công ty cũng như các quốc gia, để có thể cạnh tranh được trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần có năng lực chuyên sâu và các thực hành ứng dụng tốt nhất trong các lĩnh vực số hóa, tự động hóa và internet vạn vật. Các công ty đi đầu, cả ở Nga và các nước phát triển về công nghệ đang xây dựng và triển khai lưới điện thông minh, phân phối điện thông minh, các công nghệ lưu trữ năng lượng mới, các dịch vụ khách hàng và mạng năng lượng.
Bên lề diễn đàn, đoàn EVNNPT còn có các buổi làm việc với Tổng công ty Lưới điện Liên bang Nga (FGC UES), và các buổi làm việc với các đơn vị thuộc FGC UES, như: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển; Trung tâm thí nghiệm lưới điện; Trung tâm thu thập thông tin và điều phối lưới điện truyền tải; làm việc với Phòng Thí nghiệm tương lai về dự án thiết bị bay (Cable Walker).
Tại buổi làm việc với FGC UES, hai bên đã trao đổi và thống nhất hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, ông Murov Andrey – Chủ tịch FGC UES khẳng định sẽ hỗ trợ EVNNPT trong đào tạo và công tác tư vấn, thông qua đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đoàn EVNNPT đề nghị FGC UES trang bị cho EVNNPT các thiết bị công nghệ mới, kháng điều khiển bằng thyristor, cung cấp các chuyên gia đầu ngành để hỗ trợ EVNNPT với các lĩnh vực khác nhau, như bảo vệ chống sét đường dây; giảm sự cố; giảm tổn thất điện năng... cũng như các giải pháp do năng lượng tái tạo gây ra cho hệ thống.
Ngoài ra, đoàn cũng làm việc với Công ty Izolyator – nhà sản xuất sứ cách điện, bao gồm: Sứ kháng, sứ MBA, sứ máy cắt, sứ cho dao cách ly, sứ xuyên tường. Cách điện của sứ được sử dụng nhiều loại: Bằng dầu MBA, cách điện bằng không khí, cách điện bằng khí SF6, cách điện RIP cứng có chất lượng cao và tuổi thọ dài; Làm việc với Công ty RTSoft - một công ty chuyên sâu trong lĩnh vực điều khiển và an ninh mạng. Công ty tự nghiên cứu và lập trình phần mềm, tự sản xuất phần cứng để tạo ra các sản phẩm hoàn thiện có tính công nghệ cao và chuyên biệt giải quyết các vấn đề bức xúc, quan trọng và phức tạp của hệ thống điện.
RTSoft đã giới thiệu các sản phẩm về giải pháp an ninh mạng, hệ thống điều khiển SCADA DMS; Hệ thống biểu thị thông tin, điều khiển thông tin và hệ thống năng lượng; Hệ thống điều khiển tự động trạm biến áp; RTU; Hệ thống đo lường vector đồng bộ đặc biệt SMART-WAMS; Hệ thống điều khiển chất lượng điện năng; Phần mềm giám sát rơ le bảo vệ SYNAPSE…
Tổng Giám đốc EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng tặng quà lưu niệm cho ông Andrey Murov - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FGC UES
Với chuyến công tác này, Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Tùng và đoàn EVNNPT đã đánh dấu những thành công đáng kể trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hiện có với cơ quan đứng đầu ngành điện Liên bang Nga cũng như tạo dựng quan hệ với các đối tác mới nhằm học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu về công nghệ tiên tiến ứng dụng cho hệ thống truyền tải điện Việt Nam.
Việc phát huy kết quả thu được từ chuyến công tác chắc chắn sẽ giúp nâng cao vai trò và vị thế của EVNNPT trong khu vực và trên trường quốc tế trong thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng./.