EVNNPT với vai trò liên kết lưới điện khu vực

Thứ hai, 10/6/2019 | 15:51 GMT+7
Những năm qua, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đi đầu, nghiên cứu mở rộng liên kết lưới điện với các nước trong khu vực. 
Công nhân Truyền tải Điện Châu Đốc kiểm tra hành lang tuyến đường dây 220kV  Châu Đốc  - Tà keo khu vực giáp biên giới Campuchia trong  mùa nước nổi. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Đây là nhiệm vụ rất nặng nề khi EVNNPT vừa phải vận hành an toàn, ổn định hệ thống truyền tải điện trong nước, vừa phải giữ vững kết nối lưới điện với các nước trong khu vực.
 
Tăng cường tình hữu nghị- Đa dạng hóa các nguồn điện
 
Việc liên kết lưới điện giữa Việt Nam với các nước trong khu vực đã được thực hiện từ giai đoạn 2001 - 2005, căn cứ Quy hoạch điện V. Trong đó, Việt Nam liên kết lưới điện với Lào thông qua 2 tuyến đường dây (ĐD) 220 kV, nhập khẩu điện từ các nhà máy thuỷ điện Lào. Thông qua tuyến ĐD 220 kV Châu Đốc - Tà Keo, Việt Nam bán điện cho Campuchia với công suất cao nhất 200 MW. Ngoài ra, EVN/EVNNPT mua điện từ Trung Quốc qua các đường dây 220 kV tại Lào Cai và Hà Giang. 
 
Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, việc liên kết lưới điện với các nước trong khu vực trước hết là tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác cùng phát triển giữa các nước. Đối với ngành Điện Việt Nam, trong lúc tạm dừng triển khai dự án điện hạt nhân, một số dự án nguồn điện lớn có khả năng chậm tiến độ, việc liên kết lưới điện với các nước sẽ bổ sung nguồn năng lượng cho Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa các nguồn điện, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cung cấp điện của hệ thống, đặc biệt là khu vực miền Nam. 
 
Hơn nữa, theo dự báo, trong thời gian tới, khi trữ lượng các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, Việt Nam sẽ phải tăng cường nhập khẩu than, khí hóa lỏng… Việc liên kết lưới điện với các nước trong khu vực sẽ giúp ngành Điện giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn nhiên liệu sơ cấp. Việc liên kết lưới điện còn mang lại lợi ích to lớn về kinh tế và tối ưu hóa hệ thống điện.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, việc hợp nhất lưới điện, nhất là lưới điện truyền tải khu vực Đông Nam Á sẽ mang lại hiệu quả và lợi ích đáng kể cho các nước thành viên, đó là giãn tiến độ đầu tư vào nguồn điện mới; giảm lượng điện năng không sử dụng hết; giảm chi phí nhiên liệu và các chi phí biến đổi khác do thay thế nguồn phát điện đắt tiền bằng nguồn rẻ hơn; giảm chi phí điều chỉnh tần số, nguồn dự phòng và các chi phí dịch vụ phụ khác; đồng thời góp phần nâng cao mức độ đảm bảo an ninh năng lượng và tính cạnh tranh cung cấp điện, giảm phát thải khí nhà kính.
 
Trách nhiệm đặt lên EVNNPT
 
Theo lãnh đạo EVNNPT, sự ra đời của Đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực” (Quyết định số 167/QĐTTg ngày 7/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ) là cú hích quan trọng làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác liên kết trao đổi điện năng của Việt Nam với các nước trong khu vực. 
 
Theo đó, đối với hạ tầng cung cấp điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tiếp tục nghiên cứu mô hình hệ thống điện liên kết với các nước trong khu vực, nhất là với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông bằng lưới điện truyền tải 500 kV và 220 kV phù hợp với hạ tầng cung cấp điện của nước ta và các nước theo từng giai đoạn. 
 
Trong đó, tiếp tục hợp tác mua bán điện với Trung Quốc thông qua các đường dây 220 kV và 110 kV hiện có; nghiên cứu khả năng tăng cường liên kết lưới điện truyền tải, trong đó xem xét giải quyết kỹ thuật hòa không đồng bộ bằng trạm chuyển đổi một chiều - xoay chiều.
 
Đối với Lào, tăng cường hợp tác, đầu tư hoặc tham gia đầu tư nhà máy thủy điện tại Lào cung cấp điện cho Việt Nam, nhất là cung cấp điện bổ sung cho miền Nam. Nghiên cứu khả năng phát triển liên kết lưới điện truyền tải, trong đó nghiên cứu giải pháp kỹ thuật hòa mạng không đồng bộ bằng trạm chuyển đổi một chiều - xoay chiều. 
 
Duy trì liên kết lưới điện với Campuchia qua tuyến đường dây 220 kV hiện có; Nghiên cứu khả năng tăng cường liên kết lưới điện giữa Việt Nam và Campuchia thông qua các chương trình hợp tác song phương và đa phương.
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN/EVNNPT đang nghiên cứu tăng khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua các đường dây 220 kV hiện có, cũng như xem xét khả năng liên kết ở cấp điện áp 500 kV trong giai đoạn sau năm 2020. Đối với chủ trương tăng cường trao đổi điện năng với Lào và Campuchia theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành Điện đã cùng các bộ, ngành liên quan tiến hành đàm phán, trao đổi với các cơ quan, đối tác phía Lào và Campuchia về phương thức liên kết lưới điện. 
 
Có thể thấy rằng, trong giai đoạn sắp tới, sự gia tăng hợp tác trao đổi điện năng giữa Việt Nam với các nước trong khu vực sẽ được cụ thể hóa bằng các dự án, công trình truyền tải điện (ở các cấp điện áp 220 kV và 500 kV). Khi đó, trách nhiệm thực hiện dự án kết nối (công trình phía Việt Nam) chắc chắn sẽ được EVN giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. 
 
Theo các chuyên gia, thách thức đặt ra khi việc liên kết lưới điện giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và rộng hơn là liên kết lưới điện giữa các nước Đông Nam Á và Tiểu vùng sông Mê Kông, về kỹ thuật, đó là cần phải đảm bảo an toàn vận hành cho mỗi nước và an toàn chung cho lưới điện liên kết. Mỗi nước có các tiêu chuẩn, quy định vận hành riêng. Khi kết nối lưới điện sẽ tạo thành hệ thống lớn; đặt ra nhiều khó khăn và thách thức trong đảm bảo tính ổn định của toàn hệ thống liên kết. Ngoài ra, các yếu tố về thương mại cũng cần phải nghiên cứu kỹ, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. 
 
Tuy nhiên, với kinh nghiệm, năng lực và quyết tâm của đội ngũ những người làm trong lĩnh vực truyền tải điện, EVNNPT sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc vai trò liên kết các công trình truyền tải điện khu vực, tạo thế và lực để EVNNPT thực hiện thành công chiến lược vươn lên top 4 khu vực, top 10 châu lục, trở thành tổ chức truyền tải tiên tiến trên thế giới trong giai đoạn tới. 
Xuân Tiến/Icon.com.vn