Đặc biệt, các vùng bị hạn mặn nghiêm trọng khu vực tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Tiền Giang và Bến Tre, EVNSPC đã kịp thời đầu tư lắp mới, tăng công suất hàng chục trạm biến áp đảm bảo cấp điện phục vụ các trạm bơm nước nông nghiệp tại các khu vực trọng điểm.
Nhằm chia sẻ với người dân tại các vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn, mặn tại Tiền Giang và Bến Tre, EVNSPC đã thực hiện các hoạt động an sinh xã hội như tặng hệ thống lọc nước sạch, bồn chứa nước, bình nước uống, nước sinh hoạt…
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), dự báo năm 2021, biến đổi khí hậu tiếp tục gây nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm, trong đó các hình thái thiên tai gây nhiều thiệt hại nhất là: Bão tố, hạn hán, mưa lũ, mưa đá, sạt lở đất, lũ quét…
Mùa khô năm 2021, xâm nhập mặn gay gắt nhất đã bắt đầu xuất hiện ở khu vực ĐBSCL. Theo đó, mực nước sông Cửu Long biến đổi theo triều và cao hơn trung bình từ 0,1-0,3m. Đối với sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn được dự báo trong tháng 3 và tháng 4, sau đó sẽ giảm dần, phạm vi xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long khoảng 55-75km.
Vùng ven biển ĐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long cao trong tháng 2, sẽ duy trì cao trong tháng 3 và giảm dần ở tháng 6. Hiện dòng chảy thượng nguồn về ĐBSCL suy giảm, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế gia tăng từ cuối tháng 1-2021. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2, tháng 3 (từ 12-16/3, từ 25-29/3); riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ 9-14/4, từ 24-28/4), sau đó giảm dần.
Dự báo phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) sâu nhất mùa khô năm 2021 tại các cửa sông Cửu Long. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô năm 2021 biến đổi theo triều và ở mức cao hơn từ 0,1-0,3m. Theo khuyến cáo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia: Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn nhiều biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo KTTV và có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Ngoài ra, từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2021, tại khu vực ven biển Nam Bộ đã xuất hiện đợt triều cường cao vào các ngày từ 13 đến 16-1-2021 và sẽ tiếp tục xuất hiện vào các ngày từ 1 đến 3-3-2021; 30-3 và 1-4-2021. Tại các vùng biển phía Nam, từ tháng 6-2021 có thể có sóng cao trong trường hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh.
Nắm bắt được tình hình, EVNSPC đã có văn bản chỉ đạo các Công ty Điện lực thành viên tại các tỉnh phía Nam phối hợp với địa phương lập phương án đảm bảo cung cấp điện tưới tiêu, chống hạn, nhiễm mặn. Yêu cầu, các Công ty Điện lực tỉnh phối hợp với địa phương lập danh sách các phụ tải chống hạn mặn, phụ tải thuỷ lợi, nông nghiệp, an sinh: các phụ tải bơm nông nghiệp, tưới tiêu, nước sinh hoạt, bơm điều tiết nước mặn, van cửa đập ngăn mặn, … nắm rõ phương thức, lịch trình hoạt động của các phụ tải; xây dựng các phương án đảm bảo điện bơm tưới tiêu, đóng mở van cửa đập ngăn mặn, nước sinh hoạt, chống hạn, mặn. Thực hiện đảm bảo ưu tiên điện cho các phụ tải này hoạt động tốt. Lập phương thức vận hành cho tất cả các kịch bản, tình huống thực tế có thể xảy ra làm gián đoạn, ảnh hưởng đến các hoạt động của các phụ tải; tăng cường kiểm tra, quản lý vận hành, kịp thời phát hiện, xử lý các khiếm khuyết trên hệ thống điện, hạn chế tối đa sự cố. Duy trì chế độ trực chỉ đạo điều hành cung cấp điện của đơn vị. Bố trí ứng trực lực lượng nhân sự xử lý, sửa chữa sự cố lưới điện; dự phòng vật tư, thiết bị đầy đủ, sẵn sàng xử lý nhanh các tình huống sự cố xảy ra.
Đồng thời, tổng hợp báo cáo về Tổng công ty có phương án chỉ đạo điều hành việc cung cấp điện hiệu quả, nhắm giảm bớt thiệt hại cho người dân vùng bị nhiễm mặn.