Theo tính toán tại Tổng sơ đồ điện VI, mỗi năm, ngành điện cần khoảng 4-5 tỷ USD cho đầu tư phát triển. Ảnh: Đức Thanh
Sự kỳ vọng từ phía cơ quan quản lý nhà nước vào Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2, do Công ty Điện lực Hoa Kỳ (AES) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề xuất, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD, công suất 1.200 MW, đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi những khoảng cách trong đàm phán dự án đã gần như được xoá mờ.
Theo những thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, thì các vấn đề của hợp đồng BOT hiện đã đạt được sự đồng thuận lớn. Thậm chí giá điện, vốn là khúc mắc lớn, khiến hàng loạt dự án BOT trong ngành điện không ra khỏi danh sách các dự án đang tiến hành thủ tục đăng ký đầu tư nhiều năm qua, cũng gần như đã tìm được tiếng nói chung giữa chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…
Như vậy, nhiều khả năng, Dự án Mông Dương 2 sẽ khởi đầu cho một năm gặt hái của ngành điện trong thu hút FDI sau khoảng 4 năm đàm phán (kể từ năm 2006). Thậm chí, một số ý kiến từ phía các chuyên gia trong lĩnh vực FDI cho rằng, nếu Hợp đồng BOT của Dự án Mông Dương 2 được ký kết, thì có thể coi đây là “khung” cho các dự án BOT trong ngành điện.
Hiện tại, cùng xếp hàng với Mông Dương 2 là hàng loạt dự án BOT xây dựng nhiệt điện chạy than. Có thể kể tới Dự án Nhà máy Điện Vĩnh Tân 1 của các nhà đầu tư Công ty Lưới điện Phương Nam, Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (Trung Quốc) cùng Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, có tổng công suất 1.200 MW; Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương, do Tập đoàn Jaks Resources Berhad (Malaysia) đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến cũng khoảng 1,4 tỷ USD…
Vướng mắc của đa phần dự án BOT trong ngành điện đều xuất phát từ bất đồng trong đàm phán giá mua bán điện và các cơ chế liên quan giữa chủ đầu tư và EVN. Quãng thời gian dành cho phần việc này của các dự án thường kéo dài khá lâu, thậm chí tới 6 năm, như trường hợp của Dự án BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 (là hai dự án FDI thành công trong ngành điện cho tới thời điểm này).
Tất nhiên, cũng phải nhắc lại rằng, vào đầu năm 2009, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn yêu cầu Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo EVN, nhà đầu tư AES và các đơn vị liên quan sớm hoàn thành các thủ tục để Dự án Mông Dương 2 được cấp giấy phép đầu tư trong quý I/2009.
Một năm đã qua đi, và một lịch hẹn mới cho việc ký hợp đồng BOT đối với dự án trên lại được sắp xếp cho thấy, việc khai thông dòng vốn FDI trong lĩnh vực này hoàn toàn không dễ dàng. Song điều này cũng thể hiện những nỗ lực tích cực cả từ phía Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư trong tìm kiếm thêm nguồn vốn cho phát triển điện của Việt Nam. Hiện tại, theo tính toán tại Tổng sơ đồ điện VI, mỗi năm, ngành điện cần khoảng 4-5 tỷ USD cho đầu tư phát triển.
Giả thuyết rằng, các dự án BOT trong ngành điện sẽ “thuận buồm” hơn trong năm 2010, thì dòng vốn FDI tới đây cũng sẽ chuyển dịch lại vào công nghiệp, điều mà FDI năm 2009 đã không làm được như thông lệ. Trong năm 2009, năm duy nhất cho tới nay, lĩnh vực công nghiệp chế biến, sản xuất chế tạo lần đầu tiên chịu lùi bước sau hai lĩnh vực mới nổi là dịch vụ lưu trú, bất động sản…, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,9 tỷ USD.
Bên cạnh đó, ngay trong đầu năm 2010, việc giám sát, tiến hành hậu kiểm các dự án quy mô lớn cũng sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai quyết liệt, đảm bảo không để các dự án đầu tư FDI “treo” vì lý do từ phía cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cũng như không để tình trạng đất để trống cho nhà đầu tư không còn đủ năng lực thực hiện dự án theo cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư…