Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền do GEC làm chủ đầu tư
Đến hết quý II/2019, GEC đang sở hữu hệ thống 14 nhà máy thủy điện và 5 nhà máy điện mặt trời với công suất lần lượt 85 MW và 260 MWp, tương đương tổng công suất 284 MW. Riêng trong quý II, GEC đóng điện thêm 3 nhà máy điện mặt trời mới là: Đức Huệ 1 (Long An), Hàm Phú 2 (Bình Thuận) vào tháng 4 sau khi vượt tiến độ thi công và Trúc Sơn (Đăk Nông) vào tháng 6 khi thi công kỷ lục chỉ trong 100 ngày; với tổng công suất gần 143 MWp.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện thương phẩm của GEC đạt hơn 202 triệu kWh; trong đó, điện mặt trời là 125 triệu kWh (62%) và thủy điện là 77 triệu kWh (38%). Mặc dù, 3 nhà máy điện mặt trời mới vận hành trong quý II nhưng sản lượng điện mặt trời của GEC đã đạt 53% kế hoạch năm, thậm chí vượt 42% kế hoạch 6 tháng và cao hơn thủy điện 1,6 lần.
Sản lượng các nhà máy điện mặt trời của GEC
Bên cạnh đó, GEC đang chào bán đấu giá công khai các nhà máy thủy điện quy mô nhỏ, công suất dưới 2 MW bao gồm nhà máy Ia Đrăng 1 (0,6 MW), Kênh Bắc - Ayun Hạ (1 MW), Ia Đrăng 2 (1,2 MW), Ia Đrăng 3 (1,6 MW) và Ia Meur 3 (1,8 MW) tại Gia Lai; dự kiến sẽ mang về ít nhất 205 tỷ đồng phục vụ cho việc đầu tư các dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng hơn 700 MWp sắp tới của công ty.
Doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm của GEC đạt 514 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ và đạt 51% kế hoạch năm. Tỷ trọng doanh thu thuần bao gồm: 85% đến từ hoạt động bán điện; trong đó, điện mặt trời đạt 269 tỷ đồng, tương đương 53% doanh thu thuần và thủy điện đóng góp 167 tỷ đồng, chiếm 32% doanh thu thuần; còn lại 11% là cung cấp dịch vụ và 4% là xây lắp.
Tổng tài sản đến cuối tháng 6 của GEC tăng 52%, lên 6.620 tỷ đồng. Ngoài ra, GEC đã phát hành thành công 9,7 triệu cổ phiếu cho các cán bộ nhân viên thu về 107 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 2.038 tỷ đồng, tăng 5%, đồng thời hỗ trợ tăng quy mô công ty để tiếp tục phát triển hệ thống danh mục dự án thủy điện, điện mặt trời, điện gió như kế hoạch.
Tháng 7 năm 2019, báo cáo thường niên của GEC lọt vào Top 3 báo cáo thường niên quốc tế của ngành năng lượng do Hiệp hội các chuyên gia truyền thông Hoa Kỳ trao tặng.
Đồng thời, GEG (mã cổ phiếu của GEC) được đánh giá là một trong các cổ phiếu duy trì đà tăng giá rất tốt và giao dịch khá sôi động từ đầu năm 2019 đến nay trên sàn UPCOM. Tính từ đầu năm 2019, thị giá GEG đã tăng 82% so với mức tăng chỉ 11% của VN-Index. Khối lượng giao dịch trung bình đạt gần 550.000 cổ phiếu một phiên, chiếm 3,6% khối lượng giao dịch bình quân của toàn sàn UPCOM.
GEG cũng là mã cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong tháng 7 với gần nửa triệu cổ phiếu được mua vào. Ngày 31/7 vừa qua, HOSE cũng ra thông báo nhận hồ sơ niêm yết của GEC và công ty dự kiến ngày giao dịch đầu tiên tại HOSE vào cuối tháng 9 tới đây. GEG được kỳ vọng sẽ là điểm đến mới của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nếu công ty tiếp tục duy trì được hiệu quả kinh doanh nổi bật như hiện nay và đảm bảo được chiến lược phát triển phù hợp với xu thế.