GRID PARITY hay hiệu quả kinh tế của điện Mặt Trời

Thứ ba, 21/6/2016 | 14:23 GMT+7
Đối với các nhà hoạt động môi trường thì chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế của điện Mặt trời có lẽ là một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay. 
 
Ảnh minh họa
 
Chỉ tiêu này thường được nhắc đến với cụm từ “grid parity” hoặc “socket parity” để đánh giá chi phí đầu tư cho 1 watt điện năng sản xuất ra từ các nguồn năng lượng tái tạo so sánh với chi phí cho 1 watt điện năng sản xuất từ nguồn điện thông thường (thủy điện hoặc nhiệt điện v…v)

Nếu chi phí đầu tư của điện phát từ các nguồn năng lượng tái tạo càng thấp thì năng lượng tái tạo sẽ nhanh chóng làm biến đổi thế giới và góp phần hạn chế sự tác động của quá trình sản xuất điện năng đối với môi trường. Các tiến bộ về công nghệ sản xuất panel điện Mặt trời cũng như pin chứa điện sẽ giúp cho người sử dụng điện ngày càng dễ dàng tạo ra nguồn điện ngay từ mái nhà của họ trong những ngày nắng, tồn trữ trong hệ thống pin để sau đó thoải mái sử dụng trong những ngày râm mát.

Hiệu quả đầu tư của điện Mặt trời ngày càng tăng

Viện Nghiên cứu Rocky Moutain tại Hoa Kỳ đã dự đoán khoảng 10 triệu khách hàng tư nhân hoặc doanh nghiệp sẽ có đạt được “grid parity” vào năm 2030 hoặc thậm chí sớm hơn - vào năm 2020. Cuối năm 2013 Deutsche Bank đã có một báo cáo về tình hình sử dụng năng lượng tái tạo tại nước Hoa Kỳ, trong có có một thông tin đáng chú ý là 10 tiểu bang đã gần như đạt được “grid parity” ngay trong năm 2013 là Arizona, California, Connecticut, Hawaii, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, New York và Vermont. Bên cạnh đó báo cáo của Deutsche Bank cũng đề cập đến việc các quốc gia là Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Úc đã tiệm cận “grid parity” ngay trong năm 2013.

Thực tế đáng mừng này bắt nguồn từ việc giá thành của các tấm panel năng lượng Mặt trời đã giảm đến gần 100% trong vòng 28 năm từ 1975 đến 2013 (theo một nghiên cứu của GTM Research). Tuy nhiên, để điện Mặt trời thực sự có chi phí đầu tư ngang với nhiệt điện hoặc thủy điện thì ngoài giá thành của panel điện Mặt trời thì còn một vấn đề nữa quan trọng không kém, đó là thiết kế pin cho điện Mặt trời. Điểm yếu của điện Mặt trời là chỉ có thể phát điện trong những ngày nắng, do đó công suất điện phát vượt quá nhu cầu sử dụng (nếu có) cần phải được tồn trữ trong hệ thống pin để tiếp tục sử dụng trong những ngày râm mát.

Những dự đoán lạc quan

Theo dự đoán của Hãng nghiên cứu Navigan Research thì tổng số thiết bị năng lượng Mặt trời được lắp đặt trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi và đạt chỉ số hiệu quả đầu tư ngang với thủy điện hoặc nhiệt điện vào năm 2020. Giá bán thiết bị năng lượng Mặt trời giảm liên tục trong những năm vừa qua sẽ tạo ra một cú “hích” đối với thị trường thiết bị năng lượng Mặt trời toàn cầu và giúp nâng cao hiệu quả đầu tư của loại thiết bị năng lượng tái tạo này.

Tương lai của điện Mặt trời thông qua nghiên cứu của hãng nghiên cứu Navigan Research là khá tươi sáng thông qua chi phí đầu tư ngày càng cạnh tranh khi so sánh với giá điện bán lẻ trên hầu hết các thị trường trên thế giới vào năm 2017.

Mặc dù ở các thị trường khác nhau thì điều kiên để điện Mặt trời phát triển là tương đối khác nhau nhưng theo đánh giá của Navigan Research thì nhìn chung xu thế trên toàn cầu là chi phí để triển khai điện Mặt trời sẽ dần hạ thấp, trong khi đó doanh số của điện Mặt trời sẽ tăng dần qua các năm.

Nguồn cung thiết bị điện Mặt trời ngày càng dồi dào cộng với các chính sách, cơ chế hỗ trợ từ phía chính phủ các quốc gia đã đưa chi phí đầu tư điện Mặt trời dần tiệm cận chi phí đầu tư của một số loại năng lượng truyền thống như thủy điện hay nhiệt điện, làm cho thị trường điện Mặt trời dần sôi động trở lại sau một thời gian dài trầm lắng. Cũng theo Navigan Research, chi phí đầu tư cho điện Mặt trời từ 4 USD / watt vào năm 2006 đã giảm xuống còn 1 USD / watt vào năm 2012 tại một số ít thị trường trên toàn cầu, và hàng năm sẽ còn tiếp tục giảm tiếp từ 3 đến 8% để tiệm cận mức trung bình của toàn thế giới vào năm 2020 là từ 1,5 USD đến 2,19 USD / watt.

Mức giảm ấn tượng này đã làm cho điện Mặt trời trở nên hấp dẫn hơn đối với một số quốc gia đang phát triển cũng như đối với đại đa số khách hàng sử dụng điện. Theo dự đoán của Navigan Research thì công suất  điện Mặt trời được lắp đặt hàng năm trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi từ 35,9 GW vào năm 2013 lên 73,4 GW vào năm 2020. Xu hướng giảm chi phí đầu tư của điện Mặt trời đang mở ra nhiều thị trường mới cho ngành công nghiệp non trẻ này, đồng thời là tác nhân quyết định nâng cao hiệu quả kinh tế của điện Mặt trời tại hầu hết các khu vực trên thế giới.

Thị trường mới tạo doanh thu mới

Trên cơ sở các dự đoán về mức tăng trưởng về công suất  của điện Mặt trời, Navigan Research ước tính doanh thu hàng năm của điện Mặt trời vào năm 2020 sẽ vượt con số 134 tỷ USD, trong đó dẫn đầu là thị trường Châu Á – Thái Bình Dương với người thồng trị là Trung Quốc với công suất điện Mặt trời tại quốc gia này lên đến 100 GW vào năm 2020.

Nhưng nếu sự bùng phát của thị trường điện Mặt trời tại quốc gia đông dân nhất thế giới là có thể dự đoán được thì Navigan Research lại chưa dự đoán chính xác được loại điện Mặt trời nào sẽ trở nên phổ biến tại nơi đây. Ngoài ra hệ thống điện Mặt trời tập trung (với công suất tối thiểu lớn hơn 1MW) sẽ phát triển và chiếm đến hơn 50% thị trường điện Mặt trời toàn cầu vào năm 2020.

Xu thế phát triển của các hệ thống điện Mặt trời phân tán trên thực tế nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia về năng lượng tái tạo. Do đó tại một số thị trường lớn như Đức hoặc Trung Quốc các nhà hoạch định chính sách về năng lượng đang điều chỉnh các cơ chế khuyến khích đối với việc lắp đặt hệ thống điện Mặt trời trên nóc nhà, bên cạnh đó một số công ty cho thuê thiết bị điện Mặt trời cũng chào hàng phương án lắp thiết bị trên nóc nhà với tiền đặt cọc rất thấp hoặc thậm chí không cần đặt cọc.
Theo: CPC/Power Engineering International