Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Ảnh: Nam Dương
Bổ sung nguồn điện cho TP Hồ Chí Minh
Vào năm 2021, Sở Công Thương đã trình UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt đề án “Mở rộng thí điểm đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.
Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở công được thành phố xác định là phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ và TP Hồ Chí Minh.
Theo đề án, qua rà soát, có gần 1.800 cơ quan Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh có thể lắp điện mặt trời với tổng công suất là 160MWp.
Theo số liệu khảo sát của đề án quy hoạch phát triển điện lực TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 thì vào mùa khô số giờ nắng lên đến khoảng 300 giờ/tháng (tháng 10), vào mùa mưa số giờ nắng lên đến khoảng 150 giờ/tháng (tháng 3).
Có thể thấy, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà.
Trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước đã có một số cơ quan, đơn vị tiến hành lắp đặt thí điểm hệ thống điện mặt trời trên mái nhà như Sở Khoa học và Công nghệ (công suất 20kWp), Sở Tài chính (công suất 20kWp), UBND Quận 4 (công suất 34,5kWp), UBND Quận 8 (công suất 22kWp); UBND Quận 10 (công suất 45kWp); UBND Quận 12 (công suất 80kWp); UBND Quận Phú Nhuận (công suất 88kWp)...
Triển khai đề án lắp đặt hệ thống điện mặt trời
Hiện TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng dự thảo Nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, trong đó có nội dung xây dựng trình tự thủ tục triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công sở trình Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Trao đổi về việc này, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh - cho biết, liên quan đến thời điểm thành phố triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì theo Quyết định 2856 của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã được phân công cùng các sở, ngành để xây dựng đề án lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
“Hiện chúng tôi đang hoàn thiện và sẽ trình UBND thành phố ban hành trong tháng 8.2023. Dự kiến sẽ triển khai lắp đặt thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ tháng 9.2023” - bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết.
Bà Ngọc thông tin thêm, tác động của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đối với môi trường chủ yếu là vấn đề pin thải. Theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 8/2022/NĐ-CP, đối với tấm pin năng lượng mặt trời đã đưa vào danh sách các sản phẩm buộc các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải thu hồi, tái chế để không gây ảnh hưởng đến môi trường. Việc đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, điện và mỹ quan kiến trúc thì trong đề án sẽ quy định các trách nhiệm đối với những cơ quan có liên quan.
Việc lắp đặt điện mặt trời trên các mái nhà trong thời gian qua được thực hiện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 18/2020 của Bộ Công Thương.
Theo đó khi các hộ dân, hộ kinh doanh gia đình có lắp đặt pin năng lượng mặt trời sẽ đăng ký với ngành điện. Các thông tin như địa chỉ, công suất, quy mô, đường truyền tải… ngành điện sẽ kiểm tra, thống nhất đấu nối. Sau đó sẽ ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện đưa vào vận hành. Trong quá trình vận hành, ngành điện sẽ kiểm tra, theo dõi hoạt động các hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp phát hiện nội dung vi phạm pháp luật, ngành điện có trách nhiệm thực hiện tạm dừng kết nối với hệ thống điện, lập biên bản và báo cáo Bộ Công Thương để xử lý theo quy định hiện hành.
* Theo Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 14.210 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất là 358,38 MWp, chiếm 7,82% so với công suất đỉnh năm 2021 (4.580 MW) của lưới điện thành phố.
|
Link gốc