Tin trong nước

Gặp lại nhà thiết kế đường dây cao áp 500KV Bắc - Nam

Thứ hai, 21/8/2017 | 13:57 GMT+7
Ðã 25 năm kể từ khi đường dây cao áp 500KV Bắc - Nam chính thức khởi công, tôi có dịp gặp lại kỹ sư điện Trương Bảo Ngọc, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Ðiện lực Việt Nam.
Trong một cuộc họp tại Công ty Khảo sát thiết kế điện 1 bàn về đường dây 500KV Bắc-Nam. Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ hai từ trái), Giám đốc Trương Bảo Ngọc đứng bên phải (đầu năm 1992). 
 
Năm nay bác tròn 80 tuổi, dẫu đi lại chậm chạp, song đầu óc vẫn minh mẫn.
 
Một sự kiện lớn của đất nước ngày ấy là xây dựng tuyến đường dây siêu cao áp 500KV Bắc - Nam dài gần 1.500km. Công ty Khảo sát - thiết kế điện 1 do bác làm giám đốc là đơn vị chủ trì chính việc khảo sát, thiết kế. Bác và các đồng nghiệp đã ngày đêm lặng thầm và gấp gáp tính toán, thiết kế. Sau 2 năm công trình hoàn thành đúng tiến độ, với chất lượng cao, bác được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Vợ bác - kỹ sư hóa Phạm Thị Hợp, một cán bộ kỹ thuật của công ty được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi cùng nhau ôn lại sự kiện đáng ghi nhớ ngày ấy của đất nước...
 
3 ngày và 1 lời hứa
 
- Thưa bác Trương Bảo Ngọc. Vì nhiều lý do mà thông tin ở thời kỳ xây dựng đường dây 500KV Bắc - Nam ít được lọt ra ngoài. Bác còn nhớ hồi đầu năm 1991 đã diễn ra một sự kiện gọi là “3 ngày và 1 lời hứa với Thủ tướng”?
 
- Nhớ chứ! - bác Ngọc vui vẻ trả lời - Dịp Tết Tân Mùi (1991), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (gọi là Thủ tướng cho gọn, thực ra hồi đó gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) mời một số cán bộ lãnh đạo của ngành điện đến ăn cơm tại nhà khách của Công ty Điện lực 2 ở TP. Hồ Chí Minh. Những người được mời có Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải, Thứ trưởng Lê Liêm, các anh Bùi Văn Lưu - Giám đốc Công ty Điện lực 2; Trần Viết Ngãi - Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3 và tôi.

Vui Tết, nhưng thấy nét mặt Thủ tướng có vẻ đăm chiêu, ông bảo rằng chúng ta đã mở cửa kinh tế nhưng không phát triển được chỉ vì miền Nam thiếu điện nghiêm trọng trong khi miền Bắc có thủy điện Hòa Bình công suất lớn 1,92 triệu KW không dùng hết điện. Bây giờ các anh có cách gì đưa điện vào Nam càng sớm càng tốt? Anh Hải thưa: Chỉ có cách xây dựng đường dây siêu cao áp. Hiện thế giới phổ biến loại đường dây 400KV, riêng Pháp, Nga đã có 500KV dài khoảng 500km. Tuyến truyền tải Bắc - Nam nếu xây dựng sẽ dài tới 1.500km. Ta nên chọn loại điện áp 500KV vì với chiều dài truyền tải lớn sẽ ít tổn hao năng lượng hơn. Thủ tướng trầm ngâm giây lát rồi bảo: Tôi giao các anh trong 3 ngày phải trả lời, có làm được hay không? Tất nhiên, Bộ trưởng có tham khảo ý kiến chúng tôi và đúng hẹn ông đã trả lời Thủ tướng: Làm được!

- Tôi còn biết ngày đó khi chuẩn bị triển khai công trình, cũng có nhiều ý kiến e ngại về khả năng thiết kế và thi công khó mà hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Ngay cả chất lượng công trình do trong nước thiết kế cũng bị nghi ngờ.
 
- Trên diễn đàn các hội nghị bàn về xây dựng đường dây siêu cao áp nhiều người cho rằng, đây là một việc phiêu lưu, mạo hiểm, lãng phí tài nguyên quốc gia. Thậm chí, một giáo sư Việt kiều ở Pháp còn có bài nêu ra 3 vấn đề: thời gian làm trong 2 năm quá ngắn; đường dây làm theo kiểu 1/4 bước sóng sẽ không đưa điện vào được miền Nam; chi phí sẽ vượt xa dự toán ban đầu. Song, Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau khi tham khảo nhiều ý kiến chuyên môn, đã có quyết tâm lớn và niềm tin vững chắc là lực lượng khoa học kỹ thuật trong nước sẽ làm được. Ở một cuộc họp, Thủ tướng nói: Ai đồng tình đứng vào hàng ngũ để cùng đi, ai không đồng tình thì đứng ra ngoài, không được gây cản trở!
 
Kỳ tích công trình thế kỷ
 
- Công ty của bác đã hợp đồng tác chiến với các đơn vị bạn như thế nào?

-  Sau khi được Bộ trưởng giao nhiệm vụ thiết kế, tôi về bàn bạc với Ban Giám đốc triển khai công việc ngay. Đoàn khảo sát mở màn chiến dịch tỏa đi hiện trường đo đạc địa hình, các phòng Kỹ thuật, Kinh tế, Thí nghiệm... cũng đều khẩn trương, náo nức vào cuộc. Chúng tôi triển khai thiết kế với sự tư vấn giám sát của Công ty PPI Australia, chia tuyến thành nhiều đoạn, mỗi đoạn đều có các trạm “bù”.

Trong quá trình thiết kế, chúng tôi còn hợp tác với Trường đại học Bách khoa Hà Nội, mà cụ thể là với Bộ môn Hệ thống điện do 2 GS.Trần Đình Long và Lã Văn Út đứng đầu, để kiểm tra lại các kết quả tính toán. Tuyến đường dây vạch theo dãy Trường Sơn được lựa chọn cho thấy có nhiều ưu điểm nổi trội.

Công trình có tổng chiều dài 1.487km, điểm đầu là thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, điểm cuối là trạm Phú Lâm, TP. Hồ Chí Minh. Có 5 trạm từ Bắc vào Nam là Hòa Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Pleiku, Phú Lâm. Quý II năm 1991, đúng thời hạn chúng tôi trình lên bản Luận chứng Kinh tế kỹ thuật. Việc phê duyệt luận chứng tuy diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, song rất thận trọng, tỉ mỉ. Công việc khảo sát địa hình, địa chất trên nhiều đoạn ở cả 3 miền do chúng tôi chủ trì chính, có sự hỗ trợ của Công ty Khảo sát thiết kế điện 2 và Phân viện Thiết kế điện Nha Trang, đến lúc này cũng đã cơ bản được hoàn thành. Các phòng thiết kế đã xong bản vẽ chi tiết cột điện. Hàng chục cơ sở cơ khí trong nước được phép chế tạo nhiều chủng loại cột theo bản thiết kế do công ty chúng tôi cung cấp.

Ngày 5/4/1992 chính thức khởi công công trình, lễ được tổ chức đồng thời ở 4 cung đoạn, Thủ tướng dự ở cung đoạn 1 Hòa Bình. Ngay sau ngày khởi công, chúng tôi đã trình bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật và các tài liệu cần thiết để Bộ tổ chức các cuộc đấu thầu quốc tế mua vật liệu, thiết bị cho công trình. Gần 4.000 cột thép các cơ sở trong nước chế tạo phần lớn và để kịp tiến độ, ta phải nhập thêm cột từ Hàn Quốc và Ucraina thông qua đấu thầu. Trong suốt 2 năm 1992-1994, không kể ngày đêm, chủ nhật, ngày lễ, mưa rét, bão lụt... tất cả các đơn vị rải ra trên các cung đường đều một lòng quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ.

Có rất nhiều vị trí không thể dùng máy móc đưa thiết bị, vật tư lên cao, như ở đèo Hải Vân, đèo Lò Xo, Giằng, Đại Lộc, Khâm Đức... chỉ huy công trường đã huy động được cả người dân địa phương gùi từng bao xi măng, bao cát lên đỉnh núi để đúc móng cột. Hàng trăm nghìn tấn thép cột được xe chở đến trục đường chính, rồi tỏa về các vị trí dựng cột, hầu như tất cả đều trên vai mang vác của người thợ. Lực lượng hậu cần thì lo cái ăn cho hàng vạn người lao động trên các vùng rừng núi, sông, suối cũng vô cùng vất vả.

Thế rồi đúng như ý nguyện của Thủ tướng, công trình đường dây cao áp Bắc - Nam đã hoàn thành như dự kiến. Tôi nhớ một sự việc khi chuẩn bị đóng điện thông toàn tuyến ngày 27/5/1994 tại trạm “cắt” Hà Tĩnh. Lúc đầu dự định đến 21 giờ mới đóng điện, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay buổi chiều đã đến, ông bảo rất sốt ruột không thể ngồi nhà chờ. Chúng tôi thống nhất lại thời gian đóng điện sớm hơn, vào 19 giờ. Đúng giờ ấy đóng điện và đã thành công. Thủ tướng và mọi người có mặt ở trạm đều thở phào nhẹ nhõm. Từ giờ phút đó thống nhất được hệ thống điện ở cả 3 miền nước ta, tạo tiền đề quan trọng cho công cuộc đổi mới đất nước vừa mới bắt đầu.

Công trình có tổng dự toán 3.800 tỷ đồng, do quá trình quản lý thi công, khảo sát thiết kế hợp lý, giám sát chặt chẽ mà kết toán chỉ hết 3.550 tỷ đồng, sau 3 năm vận hành đã khấu hao hết vốn công trình. Đây thực sự là một kỳ tích của thời kỳ đổi mới đất nước!

Trong suốt 2 năm thi công thường xuyên có mặt trên công trường hàng vạn người, cũng khó tránh khỏi những tổn thất về người khi phải làm việc ở những nơi địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đã có gần 300 người ngã xuống với nhiều lý do khác nhau như đau ốm, chết đuối, cột đổ, sập hầm... Sau này, ngành điện lực mở thêm những tuyến cao áp 500KV mới, song tuyến Bắc - Nam vẫn là trụ cột cho lưới điện của đất nước.

Khi đảm nhiệm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, tôi có dịp đi công tác ở Pháp, Italia các nhà thầu cung cấp thiết bị cho đường dây 500KV đầu tiên, đều tỏ ra rất vui mừng khi biết thiết bị của họ đã được vận hành tốt, an toàn nhiều năm và họ đều đáp ứng tích cực những đề nghị mua sắm mới về vật tư, thiết bị của ta.
Theo: SKĐS