Cháy pin điện mặt trời mái nhà của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai.
“Bùng phát” các hệ thống điện mặt trời
Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, loại hình năng lượng này được nhiều doanh nghiệp, người dân quan tâm. Tại Gia Lai, việc lắp đặt và vận hành điện mặt trời áp mái cũng diễn ra ồ ạt, tăng nhanh về số lượng công trình.
Theo thống kê từ Công ty Điện lực Gia Lai, toàn tỉnh có tổng cộng 1.503 chủ đầu tư đăng ký, đang triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với tổng công suất 562,5 MWp. Trong đó, có trên 930 chủ đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN đã đưa vào vận hành và bán điện, còn lại đang hoàn tất thủ tục hoặc chuẩn bị lắp đặt.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Minh – Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an tỉnh Gia Lai, hiện nay Bộ Công thương chưa ban hành hướng dẫn nghiệm thu, thẩm duyệt về PCCC đối với các công trình điện năng lượng mặt trời, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý về PCCC đối với các công trình này.
Đơn cử như vụ cháy 60 tấm pin điện mặt trời mái nhà tại khu sản xuất của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (Khu Công nghiệp Diên Phú, TP Pleiku, Gia Lai) vừa qua. Theo phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an tỉnh Gia Lai), nguyên nhân vụ cháy được xác định là do lỗi hệ thống, thiết bị điện. Nói cách khác, mối nối của các dây dẫn từ các tấm pin đến bộ phận xử lý inverter chưa đảm bảo, dẫn đến thoát nhiệt gây phóng điện và cháy.
Vụ cháy xảy ra khiến nhiều người đang có ý định lắp đặt, sử dụng và kinh doanh điện mặt trời áp mái trở nên e dè hơn. Đồng thời, vụ việc cũng khẳng định, việc lắp đặt, thi công điện mặt trời cần một đơn vị có chuyên môn, cần đảm bảo các vấn đề về môi trường và tuân thủ theo các khuyến cáo của cơ quan nhà nước về PCCC.
Vụ cháy làm hư hỏng 120 m2 pin điện mặt trời áp mái, cháy 450m cáp điện.
Đề phòng cháy nổ
Mới đây, Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) vừa ban hành văn bản hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Theo đó, các hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Riêng đối với các hệ thống lắp đặt trên công trình không thuộc danh mục công trình phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC thì không cần thẩm duyệt PCCC, nhưng phải được hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC.
Cục Cảnh sát PCCC cho rằng, các tấm pin dạng phim mỏng thường chứa nhiều thành phần có khả năng bắt cháy cao hơn so với tấm pin dạng tinh thể. Do đó, Cục này khuyến khích sử dụng tấm pin dạng tinh thể, ưu tiên dùng micro-inverter để chuyển đổi dòng điện, hạn chế khả năng phát sinh hồ quang điện một chiều trên hệ thống.
Về bố trí thiết bị, đơn vị này khuyến cáo các tấm pin lắp đặt trên mái phải được chia thành các nhóm, dãy với kích thước không quá 40x40m cho mỗi nhóm, khoảng cách giữa 2 nhóm không được nhỏ hơn 1,5m; không bố trí tấm pin trong phạm vi 3m xung quanh lối ra các mái qua các buồng thang bộ...
Đại tá Nguyễn Văn Minh cũng khuyến cáo: Các công trình, dự án điện mặt trời mái nhà không được lắp đặt tấm pin trên các mái làm bằng vật liệu cháy hoặc có vật liệu hoàn thiện là chất cháy. Đồng thời, các công trình này nên lưu ý thêm về lối tiếp cận lên mái; vận hành và điều khiển; trang bị phương tiện PCCC phù hợp với thiết bị và bảo đảm khả năng chữa cháy đối với đám cháy thiết bị mang điện.
“Để ngăn chặn cháy nổ hệ thống điện mặt trời mái nhà, chủ đầu tư cần lựa chọn vật tư phù hợp của đơn vị cung cấp uy tín, có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó là lựa chọn đơn vị lắp đặt uy tín, có kinh nghiệm về điện mặt trời”, Đại tá Nguyễn Văn Minh nhận định.
Link gốc