Để đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục trong dịp lễ 30-4 và 1-5-2023, Công ty Điện lực Quảng Trị tăng cường kiểm tra công tác vận hành lưới điện (trạm biến áp 110kV Gio Linh). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Giá điện còn “bao cấp”
Về chính sách giá điện Việt Nam hiện nay, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng giá điện đang được bao cấp. Trong bối cảnh chi phí nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện và tỉ giá tăng rất cao, giá điện Việt Nam vẫn ở khá mức thấp. 4 năm qua, giá điện tăng không đáng kể - chỉ ở mức 3% - với chủ trương hỗ trợ người lao động, hỗ trợ xã hội trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, việc giữ giá điện ở mức thấp khiến thị trường mất cân bằng, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối điện gặp rất nhiều khó khăn.
Còn theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, việc tính toán giá điện đã có những nguyên tắc nhất quán mà Chính phủ đề ra. Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, giá điện được điều chỉnh tối thiểu 6 tháng/lần nếu như qua kiểm toán, kiểm soát cho thấy các chi phí đầu vào đã tăng. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, Việt Nam mới điều chỉnh giá điện 3 lần và các lần điều chỉnh vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Cũng theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hay hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai..., nên chúng ta không tính đủ giá thành sản xuất kinh doanh điện vào trong giá bán lẻ điện. Điển hình, giá thành sản xuất điện năm 2022 tăng 9,27% nhưng giá bán lẻ điện bình quân chỉ điều chỉnh tăng 3%.
Điều này dẫn đến nhiều khó khăn. Một là, khó khăn về dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, chưa nói đến tái sản xuất điện. Hai là, giá điện càng thấp, nhà đầu tư càng không mặn mà đầu tư vào ngành Điện. Ba là, giá điện thấp tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường.
Còn theo TS. Hà Đăng Sơn, giá điện thấp không thay đổi được hành vi tiêu dùng của người sử dụng điện. Ông cũng cho rằng, giá điện thấp về bản chất là đang bù giá, trợ giá cho các doanh nghiệp sử dụng các công nghệ không thực sự tiên tiến, nên tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp đang nỗ lực sử dụng năng lượng xanh và doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp, tiêu tốn năng lượng, gây lãng phí.
Cần tách bạch giá điện với chính sách an sinh xã hội
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, không nên lập luận vì thu nhập thấp nên giá điện thấp. Giá điện cần phải được tính đúng, đủ để đảm bảo cân bằng sản xuất và tiêu dùng.
Hiện nay, Nhà nước đang hỗ trợ một phần cho giá điện. Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện, còn phần hỗ trợ của Nhà nước cần tách riêng ra – phần an sinh xã hội. Có như vậy, người sử dụng mới ý thức về việc tiết kiệm điện, cũng như khuyến khích đầu tư vào sản xuất điện.
Cũng theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, tính bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường. Đáng lo ngại hơn, nếu cứ duy trì giá điện thấp như hiện nay có khả năng tạo ra bẫy công nghệ, tức là chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém, ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế.
Chuyên gia này nhấn mạnh, thực tế cho thấy giá điện chưa hợp lý, dẫn đến ngành Điện không có nguồn lực để đầu tư phát triển, cũng không thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành Điện. Giá điện được tính đúng, tính đủ là yếu tố khách quan sẽ dẫn dắt sự phát triển của ngành Điện nước ta.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho hay, thủy điện (có chi phí rẻ nhất) chiếm 28% trong cơ cấu nguồn điện hiện nay, còn lại là các nguồn điện giá thành cao như than, dầu, khí. Vừa qua, khi thủy điện xuống mức nước thấp, chúng ta phải huy động nguồn điện giá cao để đảm bảo nhu cầu của cả nền kinh tế. Khi sử dụng dầu sản xuất điện thì giá thành điện có thể lên đến 5.000 đồng/kWh, với than là khoảng 2.500 - 2.800 đồng/kWh. Với sự nỗ lực của Nhà nước, của ngành Điện trong việc bù đắp về giá, chúng ta vẫn phấn đấu đủ điện cho nền kinh tế với mức giá chưa đúng, chưa đủ với giá thành. Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ quan điểm việc “mua cao bán thấp” như hiện nay là bất hợp lý. Đối với những đối tượng yếu thế, Nhà nước có thể xem xét biện pháp hỗ trợ khác.
Cơ hội chín muồi để đưa giá điện theo thị trường
Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, giá điện cần phải được tính đúng, tính đủ với chi phí hợp lý, hài hòa lợi ích giữa các bên; đồng thời phải đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, tính đúng, tính đủ là yêu cầu bắt buộc trong sản xuất khi tiến tới cơ chế thị trường. Nguyên tắc nhất quán của Luật giá là bảo đảm bù đắp chi phí thực tế, hợp lý và có lợi nhuận; điều chỉnh kịp thời khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Và ngành nào cũng phải thực hiện nó. Tuy nhiên, thời gian qua, vì thực hiện quá nhiều mục tiêu, nên giá điện chưa được thực thi.
“Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện làm sao bảo đảm được nguyên tắc mà chúng ta đã đề ra”, TS. Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng đã đến lúc phải xem xét, bàn bạc một cách nghiêm túc và thực tế vấn đề giá điện, bởi chúng ta đang tiến đến một nền kinh tế thị trường, cạnh tranh quốc tế. Chính sách đã có, hiện cần quyết tâm chính trị, bản lĩnh để đưa vào thực tế, với cơ chế điều tiết đảm bảo vừa ổn định vừa linh hoạt.