Ảnh minh họa: europeantimes
Theo Bloomberg, trên Sàn giao dịch năng lượng châu Âu AG, giá điện theo hợp đồng mua bán năm tới ở Đức tăng thêm 3,7%, lên 477,50 euro 1 megawatt giờ. Con số này cao gấp gần 6 lần so với thời điểm này năm ngoái và tăng gấp đôi chỉ trong hai tháng qua.
Thị trường đang bị chi phối bởi những lo ngại về việc liệu nguồn cung cấp khí đốt hạn hẹp của châu Âu có thể tạo ra đủ điện trong mùa đông này hay không. Năng lực điện hạt nhân của Pháp rất thấp, làm giảm khả năng xuất khẩu điện trong những tháng tới.
Giá điện theo hợp đồng mua bán ngày hôm sau ở Đức và Anh cũng lập kỷ lục vào ngày 15/8. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu điện để làm mát đang ở mức cao trong bối cảnh châu Âu đang trải qua các đợt nắng nóng và hạn hán, gây căng thẳng cơ sở hạ tầng trong ngắn hạn.
Giá năng lượng tăng cao khiến các hộ gia đình phải trả ngày càng nhiều tiền. Năng lượng đang làm tăng lạm phát trên khắp châu Âu, đẩy giá tiêu dùng tăng lên mức hai con số.
Ở Anh, mức trần giá năng lượng cho hộ gia đình sẽ cao gần gấp đôi vào đầu tháng 10 tới do chi phí bán buôn tăng. Giá bán buôn điện của Anh trong tháng đó đã tăng gấp 7 lần trong năm qua, lên khoảng 591 bảng Anh 1 megawatt giờ.
Các chính phủ châu Âu đang xem xét các biện pháp làm thế nào để giảm bớt gánh nặng và tác động mà chi phí năng lượng tăng cao đang gây ra đối với các nền kinh tế.
Ở Pháp, nhà nước có kế hoạch quốc hữu hóa hoàn toàn Electricite de France SA - công ty điện hạt nhân đang chật vật giữ cho các nhà máy của mình tiếp tục hoạt động trong tình trạng nắng nóng gay gắt.
Nhà phân tích Fabian Ronningen của công ty Rystad Energy AS cho biết không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy đợt tăng giá cực đoan này sẽ sớm giảm bớt. Ông nói rằng năng lực sản xuất điện từ hạt nhân, thủy điện và than ở châu Âu đang ở mức thấp, không đủ để giúp giảm bớt áp lực đó.
Hợp đồng khí đốt kỳ hạn của Hà Lan cho tháng tới đã tiếp tục tăng với tỷ lệ 4,2% ở Amsterdam. Giá đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 6.
Nhiều nhà phân tích trên thị trường khí đốt dự đoán giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng trong hai năm tới hoặc lâu hơn nữa. Cuộc cạnh tranh trên toàn cầu đối với khí đốt và than đá trong mùa đông năm nay dự kiến khiến giá nhiên liệu khó giảm. Bên cạnh đó, nếu xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga, giá sẽ tiếp tục tăng.
Mặc dù các quốc gia châu Âu đang trên đà tích đầy các kho dự trữ khí đốt lên mức tối thiểu 80% vào ngày 1/10, song một mùa đông lạnh giá có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ trên một cách nhanh chóng.
Trong tháng 7, Liên minh châu Âu (EU) vào đã yêu cầu các quốc gia thành viên tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt lên đến 15% trong mùa đông này bằng các biện pháp cắt giảm bắt buộc.
Một số chính phủ châu Âu đã thực hiện các biện pháp để giảm tiêu thụ như ra quy định về sử dụng điều hòa không khí và mức độ sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng và thương mại.
Các hộ gia đình chiếm 30 - 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, với khoảng 80% nhu cầu khí đốt trong gia đình là sưởi ấm. Thông thường nhu cầu sẽ cao hơn vào mùa đông, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Theo các nhà phân tích, một số biện pháp nhất định có thể giúp các hộ gia đình giảm 1/3 nhu cầu khí đốt.