Giải pháp nào để đầu tư điện mặt trời áp mái hiệu quả?

Thứ sáu, 23/8/2019 | 15:18 GMT+7
Trên thực tế, không phải hộ gia đình, hay doanh nghiệp nào khi lắp đặt điện mặt trời cũng đều thu được những thành quả như mong muốn.
 

Ông Lê Hoàng Thông – Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty cổ phần Năng Lượng XTL: Trên thực tế, không phải tất cả các hộ gia đình, doanh nghiệp nào khi lắp đặt điện mặt trời áp mái cũng đều thu được những thành quả như mong muốn. 
Chiều 22/8/2019, tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã chính thức diễn ra hội nghị điện mặt trời áp mái cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
 
Đáng chú ý, Hội nghị lần này tập chung thảo luận về vấn đề đưa ra những công nghệ, giải pháp tối ưu nhằm để giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về loại hình đầu tư năng lượng áp mái hiện nay.
 
Theo số liệu cập nhật từ EVN đến ngày 18/7/2019, có 9.314 khách hàng lắp đặt với tổng công suất 193 MWp, trong đó lắp đặt tại trụ sở các các đơn vị thuộc EVN là 6,57 MWp. Có 7.550 khách hàng gồm các hộ sinh hoạt với tổng công suất 40,46 MWp, các hộ tiêu thụ khác khoảng 1.560 khách hàng với tổng công suất 145,9 MWp.
 
Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng giá bán điện 9,35 UScent/kWh đến hết năm 2021; đồng thời trong dự thảo này, Bộ Công thương cũng đề xuất thêm các mô hình điện mặt trời khác nhau như: bán toàn bộ cho EVN, tự dùng một phần và bán phần dư cho EVN, bán một phần cho hộ tiêu thụ khác và phần dư bán cho EVN; bán toàn bộ cho hộ tiêu thụ khác trong khu công nghiệp để tiếp tục thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư điện mặt trời áp mái.
 
Trên thực tế, không phải tất cả các hộ gia đình, doanh nghiệp nào khi lắp đặt điện mặt trời áp mái cũng đều thu được những thành quả như mong muốn. Do đó, để đảm bảo hiệu quả cần cân nhắc, xem xét trước khi đầu tư.
 
Ông Lê Hoàng Thông – Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty cổ phần Năng Lượng XTL, cho rằng hiện nay, điện mặt trời áp mái phát triển khá nhanh và thuận lợi hơn do các cơ chế chính sách thông thoáng thể hiện qua việc, Chính phủ đang có nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển ngành điện mặt trời.
 
Cụ thể, đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hạch toán, thanh toán đối với điện mặt trời áp mái; thị trường điện mặt trời ở Việt Nam đã bước đầu hình thành và phát triển góp phần làm giá thiết bị điện mặt trời như inverter, tấm quang điện giảm khá nhiều; thông tin về điện mặt trời áp mái đã được quảng bá rộng rãi hơn.
 
Ngoài ra, EVN đã rất tích cực trong việc ban hành hướng dẫn, trình tự thủ tục lắp đặt, phối hợp với người dân trong quá trình lắp đặt điện mặt trời áp mái.
 
Tuy nhiên, “không phải tất cả gia đình, doanh nghiệp nào lắp đặt điện mặt trời áp mái đều thu được lợi ích như nhau. Để đảm bảo hiệu quả, các gia đình, doanh nghiệp cần cân nhắc, xem xét nhiều yếu tố như: Vị trí nhà, xưởng có bị che bóng bởi nhà bên cạnh, nhà cao tầng, bóng cây, cột đèn, cột điện...; Mái lắp đặt ở các vùng miền khác nhau sẽ đem lại hiệu quả kinh tế khác nhau; biểu đồ tiêu thụ điện của gia đình, doanh nghiệp; chất lượng thiết kế, lắp đặt, chất lượng thiết bị, thiết kế hệ thống điện áp mái phải phù hợp” - ông Thông nói.
 
Theo ông Thông, với nhiều năm kinh nghiệm và nghiên cứu sâu trong lĩnh vực đầu tư năng lượng mặt trời, đặc biệt là đầu tư điện áp mái, công ty cổ phần XTL đã xây dựng một chương trình đầu tư hệ thống năng lượng với công nghệ, thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới cùng chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng trong suốt thời gian hoạt động của hệ thống.
 
Yếu tố đem đến thành công dự án sản xuất điện mặt trời áp mái hiện nay là cơ sở hạ tầng; lắp đặt và vận hành chạy thử hệ thống; vận hành và bảo trì hệ thống; đầu ra sản phẩm điện thành phẩm; tài chính dự án…
Theo: Diễn đàn DN