Ngành điện lắp đặt công trình điện mặt trời trên mái nhà cho một đơn vị.
Theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), hiện nay các khu công nghiệp có lợi thế về diện tích áp mái lớn nên nếu đầu tư điện mặt trời, doanh nghiệp sẽ được hưởng lãi kép. Ngoài việc được sử dụng điện miễn phí, khi dôi dư, doanh nghiệp có thể bán cho ngành điện. Về vốn đầu tư, doanh nghiệp có thể thông qua các công ty hỗ trợ vốn, ngân hàng mà ngành điện kết nối, EVNHCMC sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc kết nối và tạo đầu ra.
Lũy kế từ năm 2018 đến nay, EVNHCMC đã thực hiện 3.366 công trình điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất đạt 39,31 MWp. Trong đó, năm 2019 (tính đến 31-7) đã có 2.468 công trình với công suất là 28,96MWp. Tổng lượng điện năng đã phát lên lưới điện đến ngày 31-7 là 6,03 triệu kWh (trong 7 tháng đầu năm 2019 là 3,36 triệu kWh).
|
Theo các chuyên gia, TPHCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động từ 4,3kWh/m²/ngày đến 6,6kWh/m²/ngày. Số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày, thấp nhất là 5,4 giờ/ngày vào tháng 4; cao nhất đạt 8,8 giờ/ngày vào tháng 3 và liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở Bắc bộ. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TPHCM khá cao là 1.581kWh/m²/năm, tương ứng 4,3kWh/m²/ngày, nên tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời để phát điện rất lớn.
Ưu điểm của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không bị cạn kiệt, tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng nguồn điện lưới. Ngoài ra, còn có thể bán cho ngành điện phần điện dư không sử dụng hết. Không chi phí vận hành, chi phí bảo trì thấp, đồng thời thân thiện môi trường, trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn và khói bụi.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc tổ chức các hội nghị xúc tiến và phát triển điện mặt trời áp mái của EVNHCMC đã mang đến những thông tin hết sức quan trọng về cơ hội hợp tác của ngành điện và các đối tác trong việc triển khai các giải pháp năng lượng mặt trời áp mái cho các doanh nghiệp TPHCM. Các công nghệ tiên tiến, các mô hình hợp tác, tài chính khả thi, hứa hẹn hiệu quả cao đã được giới thiệu một cách phong phú, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp; góp phần cùng với ngành điện phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp chính sách của Nhà nước.
Cũng theo ông Nguyễn Duy quốc Việt, trong nỗ lực cung ứng các dịch vụ cung cấp điện, EVNHCMC nhận thấy các giải pháp năng lượng xanh là cơ hội cũng như thách thức. Tuy nhiên, các thách thức ấy sẽ trở thành cơ hội khi có sự chung tay giữa ngành điện với các khách hàng và đối tác cùng nhau hợp tác phát triển. Khách hàng sản xuất kinh doanh lớn tại các khu công nghiệp là đầu tàu tiên phong trong việc sử dụng năng lượng xanh với tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái; đồng thời là hình mẫu về khu công nghiệp xanh, thông minh và hiệu quả trong toàn thành phố.
Tại hội nghị “Xúc tiến phát triển điện mặt trời áp mái” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Duy Quốc Việt cho biết, giai đoạn cao điểm nắng nóng, nguồn điện quốc gia phải huy động hết công suất để duy trì. Trong nửa tháng 6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải thường xuyên huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí rất cao, 3.500 - 5.000 đồng/kWh. Dự báo, đến 2021 nguồn điện tiêu thụ thiếu hụt ở mức cao nên việc đẩy mạnh điện mặt trời áp mái đang được thúc đẩy, không chỉ ở các cao ốc, nhà dân mà đặc biệt còn tăng cường ở các khu công nghiệp.
Cuối tháng 7, cả nước có 9.314 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt 193MWp. Hiện Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích người dân lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng và có thể bán cho ngành điện (với giá điện 9,35 cents/kWh).
|