Theo kế hoạch, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Expo City Dubai, UAE, từ 30/11 đến 12/12/2023, Việt Nam sẽ mắt Kế hoạch huy động nguồn lực chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam và các hoạt động giới thiệu về nỗ lực giảm nhẹ, thích ứng, tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian qua.
Kế hoạch huy động nguồn lực là bước đầu triển khai thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Việc huy động tài chính từ các đối tác quốc tế được xác định là nguồn lực quan trọng để hiện thực hoá mục tiêu JETP; trong đó tập trung vào 2 giải pháp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và tăng cường thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Vương Quốc Anh 2023” mới đây, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, thông qua Tuyên bố JETP, các đối tác quốc tế, trong đó có UK sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Tham tán khí hậu Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Việt Nam Mark George khẳng định, từ sau tuyên bố JETP vào tháng 12 năm ngoái, Anh và EU đã làm việc rất tích cực với Chính phủ Việt Nam về vấn đề này. Còn ông Denzel Eades - Phó Chủ tịch Britcham tại Việt Nam thì nhấn mạnh, cơ chế điều phối song phương và đa phương trong JETP đóng vai trò hết sức quan trọng để triển khai các dự án năng lượng tái tạo (NLTT). Vì vậy, các nhà đầu tư mong muốn có được thông tin về JETP. Họ quan tâm xem các chính sách, quy định của Việt Nam đã sẵn sàng chưa để hỗ trợ cho những dòng tiền của họ đầu tư vào Việt Nam. Chuyển dịch năng lượng là thực tế và hiện rất nhiều nhà đầu tư đang đặt trọng tâm, tập trung vào Quy hoạch điện VIII của Việt Nam, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
"Vì JETP kết hợp cả tài chính công và tư nhân để tạo điều kiện cho đầu tư quốc tế vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam nên tôi nghĩ sự thành công của JETP sẽ phù hợp với kế hoạch thực hiện DPPA. Chúng song hành với nhau để tạo khuôn khổ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam, nên tôi nghĩ các nhà đầu tư hiện đang mong chờ việc hoàn thiện kế hoạch thực hiện cơ chế mua bán điện trược tiếp (DPPA) để xác định các dự án cụ thể về mặt lưới điện và liên quan đến điện gió ngoài khơi".
Các doanh nghiệp trong nước cũng kỳ vọng nhiều vào chính sách phát triển năng lượng tái tạo bền vững ở Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Cường - chuyên gia cao cấp về năng lượng, Công ty CP Tập đoàn Năng lượng T&T cho biết, T&T quan tâm tới tất cả các lĩnh vực NLTT như điện gió, điện mặt trời, điện từ sinh khối như sản xuất điện từ rác và phế thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp…
"Mục tiêu trong 10 năm tới thì tập đoàn sẽ tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo, dự kiến sẽ đầu tư khoảng từ 10 đến 15 GW, chiếm khoảng 10 % tổng lượng công suất của hệ thống điện Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu này thì chúng tôi cũng đã có những bước đi cụ thể, đặc biệt nhất là tìm kiếm những đối tác và những doanh nghiệp năng lượng hàng đầu trên thế giới để mà hợp tác cùng đầu tư. Ví dụ như điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ, điện sinh khối… và chúng tôi cũng mong muốn thông qua hợp tác này thì có thể tìm kiếm được sự chia sẻ về kinh nghiệm, về công nghệ cũng như tìm kiếm được nguồn vốn để thúc đẩy phát triển các dự án trong thời gian tới..
Rõ ràng, việc huy động tài chính, tìm kiếm nguồn vốn từ các đối tác quốc tế là vô cùng quan trọng trong triển khai thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Bởi theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - đây đang là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào chuyển đổi xanh.
"Trong 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong thực hiện phát thải ròng bằng 0 thì đầu tiên luôn là tài chính. Tài chính khí hậu, phân loại xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ mà thế giới đang hỗ trợ. Thứ 2 là tăng cường năng lực và thứ 3 là tăng cường công nghệ. Nếu thực hiện được 3 điều này thì doanh nghiệp có cơ hội thực hiện được chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi xanh".
Theo ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (TKNL & PTBV), Bộ Công Thương, trong kịch bản phát thải thông thường của quốc gia, phát thải trong ngành năng lượng chiếm gần 80% lượng phát thải quốc gia. Vì vậy, việc đặt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050 là một áp lực rất lớn đối với ngành năng lượng.
Nhấn mạnh các thay đổi lớn trong chính sách năng lượng nhìn từ hai bản Quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với không gian rộng lớn dành cho năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ TKNL & PTBV, Bộ Công Thương khẳng định: Với nhu cầu năng lượng lớn, trong đó điện năng đáp ứng cho nền kinh tế đang phát triển nhưng trong xu hướng chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ của thế giới và chính nội tại Việt Nam, để hiện thực hoá được các mục tiêu đặt ra thì cùng với sự nỗ lực của Việt Nam, rất cần có sự hỗ trợ lớn và thực chất của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia phát triển, thông qua các chương trình cụ thể, trong đó, năng lượng tiếp tục là một trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và các quốc gia khác trong nhiều năm tới.
"Ngoài việc đảm bảo an ninh năng lượng thì giảm phát thải khí nhà kính trong ngành năng lượng cũng đặt ra áp lực lớn hơn. Trong những chính sách này thì Việt Nam tập trung vào các giải pháp từ 2 phía: Một là về phía nguồn cung cấp năng lượng thì Việt Nam đã định hướng rất rõ về chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng là thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo và giảm dần nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là nhiệt điện than. Thứ hai là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đây là hai giải pháp chính để Việt Nam thúc đẩy chương trình phát triển năng lượng hướng đến xanh hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu; đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0.
Thông qua JETP, các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu khoảng 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Nguồn tài chính do các đối tác cam kết huy động hiện nay mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Vì vậy, việc phát huy sự sẵn sàng tham gia của các đối tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu mới, huy động tối đa nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, góp phần thực hiện mục tiêu cam kết Net Zero của Việt Nam.