Chị Lã Kiều Trang (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) rất vui mừng khi biết tin Chính phủ quyết định giảm tiền điện, tiền nước để hỗ trợ những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.
Chị cho biết, nếu thành phố Hà Nội không giãn cách, chị làm 20 công/tháng. Tuy nhiên, sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại khó khăn, đơn hàng ít, nên chị chỉ được làm 12 công/tháng, không tăng ca, không làm thêm giờ, thu nhập thấp đi hẳn, không bằng một nửa so với trước đây.
Không tăng ca, đồng nghĩa với việc ở nhà nhiều hơn. Gia đình chị thường xuyên phải sử dụng các thiết bị điện như quạt, bếp điện, nước sinh hoạt khiến tiền điện, tiền nước "tăng chóng mặt".
Theo chị Trang, mấy ngày trước, chị nhận được hoá đơn tiền điện tháng 7 với số điện năng tiêu thụ lên tới 600kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay. Tiền điện phải trả hơn 1,7 triệu đồng, trong khi đó, những tháng đầu năm 2021, gia đình chị Trang chỉ phải trả tiền điện khoảng 600.000 - 700.000 đồng.
"Bình thường mỗi tháng, gia đình tôi đóng hơn 600.000 đồng tiền điện. Nhưng thời gian này, tiền điện bắt đầu tăng mạnh do nắng nóng kéo dài, cả gia đình chủ yếu ở nhà trong những ngày Hà Nội giãn cách, sử dụng nhiều thiết bị điện như điều hoà, tivi, tủ lạnh. Đấy là chưa kể, tiền nước cũng mất 100.000 đồng/tháng", chị Trang nói.
Chị nhẩm tính, việc được giảm 10% tiền điện cho các hộ sinh hoạt ở địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, chị sẽ giảm được 170.000 đồng. Nếu được miễn 100% tiền nước sạch sinh hoạt, chị sẽ có thêm 100.000 đồng nữa. Như vậy, mỗi tháng chị có thêm 270.000 đồng, bữa cơm sẽ có thêm thịt, cá.
Ba tuần nay, Hà My (22 tuổi, quê Nghệ An), đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) đi chợ chỉ dám mua trứng, đậu, cá khô và rau xanh, không dám mua thịt lợn, một phần vì giá thị lợn tăng cao, một phần phải chắt bóp chi tiêu để có tiền gửi về quê cho bố mẹ. Những ngày gần đây thì đến cả trứng và rau xanh Hà My cũng phải đắn đo chắt bóp khi mua, vì giá tăng mạnh sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách.
“Gần tháng nay, em chủ yếu ở nhà nghỉ dịch, công ty ít đơn hàng, tiền lương giảm gần 3 triệu mỗi tháng. Khi nghe thông tin Chính phủ đề nghị các địa phương, trong đó có Hà Nội xem xét giảm tiền nước sinh hoạt cho người dân, em mong sẽ được giảm 100% tiền nước", My nói.
Anh Công (quê Nam Định), làm nghề cửu vạn ở chợ Long Biên cho biết, vợ chồng anh thuê một căn nhà ở phường Phúc Xá để tiện cho công việc.
Tuy nhiên, vừa rồi chợ Long Biên đã phải đóng cửa vì có ca nhiễm COVID-19, khiến vợ chồng không thể đi làm được. Gánh nặng tiền điện, tiền nước khiến anh lo lắng không biết có trụ được lâu được ở thành phố hay không.
"Chính phủ đã có quyết định giảm 10-15% giá điện cho các hộ dân tuỳ theo mức sử dụng rồi, còn tiền nước vẫn đang được xem xét. Cho nên, tôi hi vọng thành phố Hà Nội giảm 100% tiền nước sạch cho các hộ sinh hoạt theo 3 kỳ hóa đơn, từ kỳ hoá đơn tháng 8 đến kỳ 10.2021.
"Đây là thời điểm họ cần được hỗ trợ và giúp đỡ nhất"
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư làm cho nhiều địa phương, trong đó có TPHCM và thủ đô Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc giãn cách khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm sút. Chính vì vậy, việc giảm tiền điện, tiền nước cho các hộ gia đình, khu vực cách ly có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ một cách kịp thời, nhanh chóng đối với người dân vùng dịch" - PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, với những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội cần triển khai thực hiện chương trình miễn, giảm 100% tiền nước cho các hộ nghèo, cận nghèo và các khu cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian 3 tháng. "Đây là thời điểm họ cần được hỗ trợ và giúp đỡ nhất", ông nói.
Còn đối với những hộ gia đình (không phải hộ nghèo) thì giảm 30% tiền nước sạch cho họ, nhằm giảm bớt phần nào khó khăn cho người dân trong bối cảnh tình hình dịch bệnh kéo dài.
Giảm tiền điện lúc này là “khoan thư sức dân”
Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ được giảm tiền điện từ 10-15% cho hoá đơn tháng 8 và tháng 9. Đó là nội dung của Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như đề xuất của Bộ Công Thương.
Ước tính, tổng số tiền mà các hộ được giảm vào khoảng 2.500 tỉ đồng.
Chưa kể, đối với các cơ sở cách ly người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 có thu một phần chi phí của người cách ly y tế sẽ được giảm 100% tiền điện.
Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời vào lúc này, khi mà người dân, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Đây cũng là một cách để người dân thêm sự an tâm “ở yên” trong nhà, chấp hành các quy định của chính quyền.
Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, đã thực hiện giảm tiền điện lần thứ tư kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Ngân sách nhà nước dù còn eo hẹp cũng tính toán gồng gánh để giảm bớt được khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Mỗi gói hỗ trợ là một sự tiếp sức, thêm một sự miễn giảm tiền điện cũng là “khoan thư sức dân”.
|