Giao dịch chứng khoán trực tuyến: Cần chuẩn bị gì?

Thứ sáu, 26/9/2008 | 11:21 GMT+7
Trong tháng 12/2008, sở Giao Dịch Chứng Khoán TP.HCM (HOSE) sẽ tiến hành giao dịch trực tuyến (GDTT). Vậy các công ty chứng khoán (CTCK) chuẩn bị hạ tầng và các giải pháp CNTT như thế nào?
Các CTCK hiện vẫn trong giai đoạn tìm kiếm phần mềm (PM) phù hợp. Một số CTCK có tiềm năng đã lựa chọn các đối tác nước ngoài nhưng đa số vẫn còn trong trạng thái chờ, chưa sãn sàng hay chỉ đầu tư tạm thời để đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của nhà đầu tư.

Phải tương thích với hệ thống của HOSE

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc HOSE, hiện nay, HOSE đang triển khai hệ thống GDTT. Đây là hệ thống giao dịch theo thời gian thực. Hệ thống này sẽ khắc phục một số hạn chế của hệ thống giao dịch trong thời gian qua như: số lượng lệnh được nhập vào hệ thống nhiều hơn, xác suất lệnh được khớp cao hơn, việc hủy và sửa lệnh sẽ giảm.

"Để sẵn sàng kết nối với hệ thống của Sở, ngoài hạ tầng kỹ thuật bao gồm cấu trúc mạng và phần cứng, các CTCK cần chọn lựa giải pháp có tính ổn định cao, hệ thống dự phòng có khả năng thay thế trong khoảng thời gian ngắn nhất. Song song đó, các công ty cần chuẩn bị nhân lực CNTT có trình độ, năng lực chuyên môn cao để nắm bắt các ứng dụng công nghệ mới. Ngoại ngữ (tiếng Anh) của các nhân viên CNTT cũng là một yếu tố quan trọng. Về mặt công nghệ PM, hệ thống gateway hỗ trợ GDTT của HOSE sử dụng TCP/IP - một giao thức phổ biến để truyền dữ liệu qua mạng - và khá linh động để các CTCK có thể lựa chọn giải pháp phát triển phù hợp. Trong khi chờ đấu thầu hệ thống giao dịch mới, HOSE vẫn đang sử dụng hệ thống giao dịch do sở Giao Dịch Chứng Khoán Thái Lan (SET) cung cấp", ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, tuy hiện nay các CTCK đều có PM hỗ trợ giao dịch nhưng để kết nối với HOSE qua cổng hỗ trợ GDTT, các công ty phải xây dựng một module hoàn toàn mới theo các đặc tả, giao thức mà HOSE cung cấp để có thể nhập lệnh trực tiếp vào hệ thống giao dịch của Sở. HOSE cho biết đường truyền kết nối đến các CTCK thành viên đã được đầu tư nâng cấp từ mô hình quay số lên kênh truyền riêng và đến năm 2007 được nâng cấp thành 2 kênh thuê riêng hoạt động theo mô hình cân bằng tải, dự phòng nóng. HOSE cũng đang đấu thầu xây dựng hệ thống mạng nội bộ từ mô hình 2 lớp dự phòng nguội thành mô hình 3 lớp dự phòng nóng. Đặc biệt, HOSE đang đầu tư hệ thống máy chủ nhận lệnh trực tuyến và tiến đến giao dịch không sàn đã được đa số các CTCK đăng ký tham gia và đông đảo nhà đầu tư ủng hộ. Kế hoạch sắp tới: nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng như: xây dựng hệ thống giao dịch mới đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng trung tâm dự phòng cách HOSE ít nhất 15km...

Thử nghiệm GDTT tại các CTCK

Ông Bùi Phan Bảo Nghi, giám đốc CNTT - CTCK Vincom (VincomSC) cho biết, hiện nay VincomSC đang chuẩn bị hệ thống, hạ tầng theo yêu cầu của HOSE đã được chấp thuận và đang trong giai đoạn thử nghiệm với HOSE. VincomSC cũng đã sẵn sàng cho việc kết nối với hệ thống giao dịch thị trường tự do (OTC) chính thức của sàn Hà Nội (HASTC) và sẽ cung cấp dịch vụ này cho nhà đầu tư khi hệ thống giao dịch của HASTC chính thức vận hành. Ngoài ra, VincomSC hiện có 2 trung tâm dữ liệu (data center) độc lập đảm bảo giao dịch khách hàng vẫn được thông suốt trong trường hợp có sự cố xảy ra tại 1 trung tâm dữ liệu. Đồng thời, VincomSC tiếp tục nghiên cứu, phát triển và triển khai các dịch vụ CNTT nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tính đến nay, chi phí đầu tư cho công nghệ của VincomSC đã lên đến hơn 2 triệu USD và vẫn đang tiếp tục được đầu tư để bổ sung thêm nhiều tiện ích cho các nhà đầu tư. Những điểm nổi bật của PM VincomSC: hệ thống có cấu trúc tinh gọn; khả năng tích hợp cao (hệ thống đã sẵn sàng kết nối với ngân hàng ACB, Đông Á, BIDV...); khả năng tùy biến hệ thống tốt; tính bảo mật và giám sát cao, ông Nghi cho biết thêm.

Ông Vũ Hồng Minh, giám đốc công nghệ - CTCK Quốc Tế Việt Nam (VIS) cho biết: VIS đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống PM, các quy trình giao dịch và kiểm soát giao dịch khi HOSE triển khai hệ thống kết nối truyền lệnh trực tuyến (HOSE gateway) và bỏ đại diện sàn. VIS cũng đang triển khai tham gia giao dịch thử nghiệm kết nối online với HOSE gateway. "VIS hoàn toàn yên tâm về khả năng kết nối với HOSE gateway dựa trên kiểm chứng thực tế đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến của hệ thống. Hiện nay, hệ thống hạ tầng CNTT của VIS đã được đầu tư đồng bộ hiện đại với một data center chính và một data center dự phòng tại Hà Nội, một trung tâm chuyển mạch mạng tại TP.HCM", ông Minh cho biết. Trong thời gian tới, VIS dự kiến tiếp tục nâng cấp năng lực xử lý, lưu trữ để đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng cao của nhà đầu tư cũng như đầu tư một địa điểm mới cho data center dự phòng để dự phòng cho các tình huống thiên tai, hỏa hoạn...

Tuy nhiên, phía VIS cũng cho hay, do các sản phẩm chứng khoán và phương thức xử lý GDCK của Việt Nam còn khá hạn chế nên VIS chưa thể áp dụng hết các tính năng tiên tiến của PM mới vào xử lý giao dịch. Việc chuyển lệnh đến HOSE và trung tâm GDCK Hà Nội (HASTC) vẫn phải thực hiện qua đại diện sàn nên chưa tận dụng được tối đa các thiết kế của PM này.

Ông Nguyễn Thành Quân, trưởng phòng quản trị hệ thống thông tin - CTCK Gia Quyền (EPS) cho biết: EPS đã hoàn tất cơ sở hạ tầng, sẵn sàng cho vấn đề giao dịch không sàn của HOSE và thử nghiệm theo đúng tiến độ của HOSE đề ra. EPS sử dụng mô hình dữ liệu tập trung: tất cả các dữ liệu từ các chi nhánh đều được lưu trữ tại data center của EPS, việc truyền dữ liệu từ EPS đến HOSE, HASTC hoàn toàn tự động. Hiện nay, khách hàng của EPS có thể GDTT tại https://online.eps.com.vn. Cũng giống như các PM CTCK khác, EPS kết nối online với ngân hàng (ngân hàng Đông Á, Vietcombank). PM do EPS tự phát triển nên triển khai, cập nhật, bảo trì nhanh chóng. Mặt khác, cũng dựa trên nền tảng này, EPS đã phát triển khá thành công mảng GDTT của mình là Easy Online Trader (EOT). Về bảo mật cho GDTT, khách hàng ngoài việc truy nhập mật khẩu lần đầu vào tài khoản của mình, họ phải qua thêm một bước truy nhập bằng khóa SmartKey (thiết bị nhận dạng sử dụng cổng usb cắm vào khi giao dịch) hoặc Trading code (EPS sẽ gửi SMS mã này cho khách hàng giao dịch) để thực hiện giao dịch. Việc sử dụng SmartKey hoặc Trading code là bước bảo mật trong quy trình bảo mật của hệ thống khi khách hàng thực hiện đặt lệnh giao dịch.

Theo PCWorldVN