Tin trong nước

Gương người tốt việc tốt: Anh "2 mạnh"

Chủ nhật, 29/7/2007 | 00:00 GMT+7

Tôi đã có ý định viết về một tấm gương phấn đấu không mệt mỏi trong công việc của Điện lực Bình Định: anh Trần Nghiêm Bằng (ảnh bên) - Trưởng Chi nhánh điện Phù Mỹ - với tất cả sự quý trọng và khâm phục. Cảm xúc và chất liệu bài viết đã đầy đủ, nhưng “thai nghén” mãi mà chưa tìm được một cái “tít” ưng bụng… Cho đến một hôm, tình cờ nghe lại bài hát “Hành khúc ngày và đêm”, tôi chợt liên tưởng đến anh: Một con người luôn hoàn thành xuất sắc trên tuyến đầu công tác hơn 30 năm ròng, “tiền tuyến” cũng mạnh, mà “hậu phương” cũng rất mạnh; thật không thể có cái tít nào hợp lý hơn: “Anh 2 mạnh”.

Năm 1979, tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh với tấm bằng kỹ sư hệ thống điện, Trần Nghiêm Bằng về nhận công tác tại Ban Kiến thiết đường dây và trạm điện thuộc Ty Công nghiệp Nghĩa Bình. Hồi ấy, “nhập cuộc” với công tác xây dựng điện trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi là đồng nghĩa với chấp nhận những cuộc “viễn chinh”. Anh đã cùng đồng đội phải đi từ miền núi Sơn Hà, Ba Tơ đến Vĩnh Thạnh, An Lão, từ miền biển ngược về xuôi để xây dựng bản thiết kế đầu tiên lưới điện tỉnh Nghĩa Bình (cũ) sau ngày giải phóng. Không thể hình dung hết cái khó, khổ, thiếu thốn của thời ấy. Và chàng kỹ sư trẻ này đã vượt qua cái “nan” đầu tiên trong vạn sự khởi đầu: Xa cách người thân, không có điều kiện chăm sóc gia đình cũng như việc học hành cho con cái.

Mãi đến năm 1990, Trần Nghiêm Bằng được chuyển hẳn về ngành Điện. Từ một cán bộ kỹ thuật, anh trở thành điều độ viên của Sở Điện lực Bình Định, đúng với ngành nghề của mình. Những tưởng công tác đã ổn định với cự ly xa nhà chỉ còn 30 km, nhưng anh lại nhận được quyết định điều động thực hiện công tác quản lý, xây dựng đường dây 500 kV - phải có mặt nhận nhiệm vụ tại Đăclăk vào tháng 3/1993. Từ công trường đường dây 500 kV Buôn Mê Thuột, anh nhận được thư của con gái đầu lòng Trần Thị Ngọc Dung: “Ba kính yêu của con, chỉ còn 2 tháng nữa là nghỉ hè, con hứa với ba: Quyết tâm đạt danh hiệu học sinh giỏi năm cuối cấp này để thi vào đại học. Như vậy, con đã 12 năm  đạt học sinh giỏi, em Ngọc Thanh 8 năm học sinh giỏi, còn má vẫn liên tục là giáo viên dạy giỏi môn văn của Trường PTTH An Nhơn”. Lá thư gia đình không chỉ có sức động viên lớn mà còn như 1 giao ước thi đua từ “hậu phương” đối với anh Bằng. Đúng một năm sau, anh trở về với tấm Bằng khen của Tổng công ty Điện lực Việt Nam và bắt đầu một thời kỳ lăn lộn trong công tác quản lý. Đầu tiên là Trạm trưởng Trạm điện Trà ổ, rồi Trưởng Chi nhánh điện Bồng Sơn đến Trưởng Chi nhánh điện Phù Mỹ. Cự ly xa nhà giảm dần từ 60 km xuống 35 km, nhưng nhiệm vụ cứ tăng dần, tăng dần.

Phù Mỹ là một huyện dài nhất của duyên hải Miền Trung, có cả địa hình đồi núi, đồng bằng và ven biển. Nhưng Chi nhánh điện Phù Mỹ thời ấy lại “kham” luôn cả huyện Phù Cát với sản lượng điện bình quân 100 triệu kWh, cung cấp điện cho 35.000 khách hàng. Vừa là Bí thư Chi bộ, vừa là Trưởng Chi nhánh, Trần Nghiêm Bằng luôn giữ được tác phong “Miệng nói, tay làm” gần gũi anh em công nhân. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, song Chi nhánh Phù Mỹ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bí quyết của Trưởng Chi nhánh là: “Hiểu từng hoàn cảnh, chia sẻ khó khăn, chăm lo đời sống cho anh em công nhân và đưa toàn Chi nhánh vào quản lý theo phương thức kỷ luật tự giác, tạo điều kiện tốt nhất cho Công đoàn và Đoàn Thanh niên cơ sở hoạt động”. Chẳng thế mà Phù Mỹ là chi nhánh điện đầu tiên trong toàn Điện lực Bình Định có các tổ trưởng sản xuất được sắm điện thoại di động phục vụ công tác, nhiều trạm điện được trang bị tủ lạnh để cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Nét độc đáo của Chi nhánh điện Phù Mỹ là công tác khuyến học, khen thưởng cho con em CBCNV có thành tích học tập tốt được duy trì hằng năm. Điều này tác động lớn đến cả suy nghĩ của CBCNV, họ đã tự giác đi học bổ túc văn hóa, nâng cao nghiệp vụ của mình.

“Cán bộ nào, phong trào nấy”, trong quá trình công tác tại Chi nhánh điện Phù Mỹ, Trần Nghiêm Bằng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 3 năm liền ( 2004, 2005, 2006). Tập thể Chi nhánh điện Phù Mỹ liên tục 4 năm (2003-2006) đạt giải Nhất thi đua khối sản xuất toàn Điện lực Bình Định với những con số thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và kinh doanh bán điện rất thuyết phục.

Trần Nghiêm Bằng tâm sự: “Nếu biết chấp nhận khó khăn, coi khó khăn là thử thách, thì anh em chúng tôi mới thấm giá trị của việc hoàn thành nhiệm vụ. Và những thất bại, những khuyết điểm  rơi nước mắt… luôn là những bài học không bao giờ cũ để Chi nhánh điện Phù Mỹ tiếp tục vươn lên”.

Theo Tạp chí Điện lực số 7-2007