Thông tin đầu tư

Hà Nội: Đẩy nhanh điện khí hóa nông thôn

Thứ sáu, 4/11/2016 | 10:00 GMT+7
Nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống hạ tầng lưới điện nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giảm tổn thất điện năng (TTĐN), đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển điện nông thôn đến năm 2020.
 
 Kiểm tra an toàn điện tại trạm biến áp ngoại thành Hà Nội.
 
Từ những tồn tại
 
Theo thống kê của UBND TP. Hà Nội, hiện trên địa bàn có 17 huyện và thị xã Sơn Tây thuộc vùng nông thôn, trong đó có 405 xã, thị trấn. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật như đường, điện, trường, trạm, đời sống kinh tế – xã hội của người dân nông thôn, miền núi được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, sau khi hoàn thành Đề án điện nông thôn giai đoạn 2008 – 2012 và Kế hoạch điện nông thôn giai đoạn 2013 – 2015, hệ thống lưới điện nông thôn TP. Hà Nội được đầu tư cải tạo, nâng cấp hiện đại hơn, cơ bản bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu cấp điện sinh hoạt và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; chất lượng điện năng được cải thiện, TTĐN giảm từ trên 30% xuống còn 8% – 10%.
 
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố, ngoài Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHanoi), còn có 87 tổ chức kinh doanh điện nông thôn khác thực hiện quản lý phân phối và bán lẻ điện. Hệ thống lưới điện nông thôn vẫn chưa đồng bộ và hiện đại, TTĐN còn cao, bán kính cấp điện xa, chưa bảo đảm cung cấp điện cho nhu cầu phát triển sản xuất vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi tập trung của nhân dân; công tơ đo điện phổ biến là công tơ điện cơ, độ chính xác chưa cao; dự án đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ lưới điện hạ áp (được đầu tư từ dự án RE2) không đúng tiến độ làm ảnh hưởng hiệu quả khai thác lưới điện hạ áp; việc chuyển giao lưới điện hạ áp từ tổ chức điện tư nhân cho ngành Điện hay thu hồi nợ vốn vay dự án RE2 để trả nợ vẫn còn nhiều vướng mắc.
 
Tiếp tục đầu tư
 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về phương pháp đánh giá thực hiện Tiêu chí số 4 về điện; Quyết định của UBND TP. Hà Nội quy định về quản lý Quy hoạch phát triển điện lực và thực hiện mục tiêu cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giảm TTĐN xuống dưới 8%; đáp ứng nhu cầu sử dụng điện vùng nông thôn, miền núi và các khu sản xuất chuyên canh; đồng thời đẩy nhanh quá trình điện khí hóa nông thôn, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch Phát triển điện nông thôn TP. Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020.
 
Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao cho EVNHanoi và các đơn vị phân phối điện khác lập kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện nông thôn từng xã, phường, thị trấn; bố trí vốn xây dựng cơ sở hạ tầng điện nông thôn bảo đảm khối lượng, chất lượng, kỹ thuật, tiến độ. UBND các huyện, thị xã phối hợp các đơn vị phân phối điện trên địa bàn kiểm tra, vận động, huy động nhân dân tích cực tham gia xây dựng các công trình điện; đầu tư hệ thống điện gia đình sau công tơ và sử dụng điện an toàn, tiết kiệm…
 
Sở Công Thương Hà Nội được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý thực hiện đầu tư phát triển điện lực theo quy hoạch; tiếp tục rà soát, củng cố, nâng cao năng lực các tổ chức điện nông thôn; chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động điện lực của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn đúng quy định pháp luật; nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện tại nông thôn; tổng hợp, tham mưu UBND thành phố cơ chế, chính sách tháo gỡ, xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập trong công tác điện nông thôn.
 
Nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống hạ tầng lưới điện nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giảm tổn thất điện năng (TTĐN), đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển điện nông thôn đến năm 2020.

Theo: Báo Công thương