Một số trạm bơm ở Hà Nội tranh thủ lấy nước trước đợt xả của các nhà máy thủy điện.
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2019 - 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mỗi ngày xả nước, nhà nước thiệt hại 100 tỷ đồng
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất khu vực với khoảng 120.000 ha. Để bảo đảm đủ nước sản xuất vụ xuân 2020, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng phương án chi tiết ứng phó với mực nước sông Hồng hạ thấp; trong đó, chú trọng giải pháp xây dựng các trạm bơm lấy nước ở cột nước thấp, lắp đặt trạm bơm dã chiến… Cùng với đó, trong tổng số diện tích gieo cấy có 30.000 ha khó khăn trong lấy nước, Hà Nội đang tính toán để chuyển đổi cây trồng sang loại cây ít cần đến nước hơn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cách đây 7 năm, khi hồ Hòa Bình xả nước 3 cửa thì mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội đạt 2,2m. Tuy nhiên, theo nghiên cứu khoa học mới nhất, đến năm 2022, nếu hồ Hòa Bình xả tất cả 6 cửa thì mực nước tại Hà Nội cũng chỉ đạt khoảng 1,8m.
Nguyên nhân là do tổng lượng phù Sa về sông Hồng mỗi năm chỉ 5 triệu m3 nhưng các cơ quan chức năng cấp phép cho các doanh nghiệp với tổng lượng khoảng 35 triệu m3 cát/năm. Đó là chưa kể hoạt động khai thác cát lậu, trái phép diễn biến hết sức phức tạp.
“Ước tính, mỗi năm đáy sông Hồng hạ thấp khoảng 20cm. Trong khi đó, năm nay nguồn nước tại các hồ chứa thượng nguồn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đang thiếu hụt gần 8 tỷ m3 so với cùng kỳ nhiều năm. Riêng các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang – những hồ cung cấp nước trực tiếp cho nông nghiệp các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đang thiếu hụt 4 tỷ m3 nước nên sẽ rất khó khăn trong công tác đổ ải”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Hà Nội phải có giải pháp để chủ động cấp nước vụ Đông Xuân, giảm lệ thuộc vào các đợt xả nước tăng cường của các hồ chứa thượng nguồn sông Đà, sông Hồng. Nếu chưa có nguồn kinh phí lớn để đầu tư các trạm bơm lớn, cần nâng cấp, lắp đặt thêm máy và nối dài đường ống các trạm bơm dã chiến dọc các tuyến sông để tận dụng tối đa nguồn nước.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết thêm: Từ khi vận hành các hồ thủy điện trên sông Đà, chưa có năm nào như năm nay khi không có lũ, cả năm 2019 lưu lượng nước về rất kém. Hiện nguồn nước ở hồ Hòa Bình chỉ đạt 54% dung tích hữu ích. Dự kiến sau 3 đợt xả hồ Hòa Bình sẽ còn 8% dung tích hữu ích, hồ Tuyên Quang còn 8,4%... Như vậy, các hồ coi như về mực nước chết.
Dự báo trước được những khó khăn đó, để giữ nước phục vụ sinh hoạt và cấp nước đổ ải, ngay từ tháng 10, EVN đã phải huy động các nguồn năng lượng khác có giá thành cao như nhiệt điện chạy dầu (giá thành 5.000 đồng/kWh) để đáp ứng nguồn điện cho hệ thống và tích nước hồ chứa. Vì vậy EVN mong muốn các địa phương, đặc biệt là thủ đô Hà Nội có các giải pháp lấy nước hiệu quả, sử dụng nước tiết kiệm nếu không sẽ khó đảm bảo các nhiệm vụ về an ninh năng lượng, an ninh nước sạch cho Thủ đô sau khi xả nước.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết: Theo tính toán sơ bộ, mỗi m3 nước xả xuống sẽ thiệt hại 330 đồng, mỗi ngày xả 300 triệu m3, tính ra EVN thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng mỗi ngày. Tiền EVN thiệt hại cũng chính là tiền của nhà nước thiệt hại.
“Nhưng quan trọng hơn, chúng ta sẽ mất đi nguồn tài nguyên rất lớn để phát điện trong mùa khô vào các tháng sắp tới. Đồng thời nếu không sử dụng nước tiết kiệm đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 các hồ chứa không còn nước để xả phục vụ tưới dưỡng cho lúa. Đó mới là nguy hiểm”, ông Nguyễn Văn Tỉnh cảnh báo.
Phải sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả
Hiện nay, Bộ NN&PTNT và EVN đã thống nhất 3 đợt xả nước tăng cường phục vụ cấp nước vụ Đông Xuân. Các tỉnh trung du và Đồng bằng Bắc bộ chủ yếu lấy nước vào đợt 1 và đợt 2. Chỉ có Hà Nội (cùng với tỉnh Bắc Ninh) là tập trung lấy nước vào đợt 3 để phục vụ cho một số khu vực khó khăn về nguồn nước như huyện Mê Linh, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Chính vì thế, Hà Nội trong nhiều năm qua luôn là địa phương “về đích” cuối cùng trong công tác lấy nước đổ ải.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của an ninh năng lượng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Tổng số ngày xả nước các hồ chứa thủy điện là 18 ngày. Đây là số ngày tối đa, vì thế Bộ NN&PTNT rất biểu dương nếu các địa phương hoàn thành sớm kế hoạch lấy nước để số ngày xả chỉ còn tối thiểu bởi an ninh lương thực rất quan trọng nhưng an ninh năng lượng cũng quan trọng không kém. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu EVN không được để thiếu điện. Do đó, phải sử dụng rất tiết kiệm nguồn nước tại các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang”.
Trong lịch sử, chưa bao giờ các hồ chứa này thiếu hụt nguồn nước như năm nay. Do đó, Hà Nội phải chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích lấy nước ở các nguồn khác như: hồ Đồng Mô, hồ Suối Hai để tưới cho vùng thiếu nước huyện Quốc Oai; lấy nước ngược từ lưu vực sông Tích, sông Đáy...
“Chúng tôi không thể chấp nhận Hà Nội giữ nước hồ Đồng Mô, hồ Suối Hai để làm du lịch, trong khi người dân cả nước thiếu điện”, Thứ trưởng Hiệp cho biết, Hà Nội phải rà soát các điểm khó khăn về nguồn nước để có phương án chỉ đạo, vận động người dân chuyển đổi sang cây trồng cạn, cây trồng ngắn ngày.
Còn về giải pháp lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học để tính toán phương án xây dựng đập dâng trên sông Hồng tại khu vực cống Xuân Quan (Hưng Yên) và cống Long Tửu (Hà Nội).
Sau khi hoàn thành sẽ hồi sinh hệ thống sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Đáy (có dòng chảy tự nhiên) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng không cần xả nước tăng cường các hồ chứa thủy điện trong mùa khô để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân như hiện nay.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đây là bài toán lớn, cần phải đánh giá rất cụ thể tác động về môi trường, thủy văn, địa chất, yếu tố kinh tế - xã hội...