Hai sinh viên 'biến' nước thải nhà vệ sinh công cộng thành điện chiếu sáng

Thứ tư, 19/7/2017 | 15:03 GMT+7
Với lượng lớn nước tiểu xả thải từ nhà vệ sinh công cộng (VSCC), hai sinh viên Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng là Nguyễn Công Tín và Nguyễn Thị Thanh đã “biến” chúng thành điện năng để phục vụ chiếu sáng.  
Tín và Thanh bên sản phẩm biến nước tiểu thành điện năng. Ảnh: NVCC
 
Trò chuyện với chúng tôi, Tín chia sẻ, TP Đà Nẵng có nhiều nhà VSCC. Ban ngày rất nhiều người sử dụng, xả ra lượng nước thải lớn. Vào ban đêm, số lượng người dùng cũng rất nhiều, tuy nhiên có bất tiện là bên trong nhà VSCC lại không có điện.
 
“Qua khảo sát, bình quân mỗi nhà VSCC sử dụng lượng nước từ 8 đến 9 m3/tháng. Với lượng nước thải ra như vậy, chúng mình xác định đây là nguồn năng lượng rất tiềm năng có thể tạo ra nguồn cung cấp điện nhỏ ngay tại chỗ nên chế tạo hệ thống phát điện mi ni tận dụng sức nước từ hệ thống cấp nước trong hộ gia đình và pin tạo điện từ nước tiểu”, Tín nói về ý tưởng.
 
Nói về khó khăn trong quá trình biến ý tưởng thành thực tế, Thanh cho biết, sau nhiều lần thảo luận, cả hai đã suy nghĩ rất nhiều mô hình và đi đến quyết định thực hiện một mô hình mô phỏng máy phát điện mi ni được lắp cho bồn cầu.
 
“Trong quá trình làm, chúng mình cấn việc thi cử tại trường, ngoài ra chuẩn bị các số liệu, làm mẫu thực tế và thuyết trình bằng tiếng Anh rất vất vả. Tuy nhiên, cả hai động viên nhau cố gắng, tranh thủ làm xuyên đêm trong nhiều tháng liền mới hoàn thành”, Thanh chia sẻ.
 
Tín giới thiệu, máy phát điện có cấu tạo là đặt cánh quạt và mô tơ trong một ống nước, khi nước chảy qua sẽ quay cánh quạt và khi mô tơ quay sẽ tạo ra điện. Với thiết kế này thì có thể lắp đặt ở hầu hết các loại ống nước, vòi nước, bồn rửa tay,… và quan trong là có thể ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi khác không chỉ ở các điểm VSCC.
 
Về pin nước tiểu thì đây là một thiết bị sử dụng nước tiểu như nguyên liệu chính để phát điện, nó tương tự như pin điện hóa. Điểm đặc biệt là có thể sử dụng pin ngay và liên tục, với những nhà VSCC được sử dụng thường xuyên thì nước tiểu được thay mới liên tục vì vậy không phải lo về việc hết pin.
 
Tín và Thanh đánh giá, điện tạo ra từ hai thiết bị trên sẽ được lưu trữ và dùng để chiếu sáng, nhất là các điểm VSCC chưa có hệ thống đèn điện. Giá thành khi sử dụng máy phát điện và pin nước tiểu rẻ hơn rất nhiều so với điện mặt trời hay các nguồn năng lượng khác.
 
Vào giữa tháng 6 vừa qua, thiết bị tạo điện từ nước tiểu của Tín và Thanh đã xuất sắc vượt qua nhiều sáng tạo khác là các "đối thủ" đến từ các trường ĐH trên cả nước để giành chức vô địch Cuộc thi Go Green City 2017 với phần thưởng là 20 triệu đồng.
 
TS. Trần Nhật Tân, Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng và khảo thí đánh giá của ĐH Duy Tân nhận xét, với phong thái tự tin và kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh lưu loát, ý tưởng của Tín và Thanh đã được Tập đoàn toàn cầu về Quản lý Năng lượng và Tự động hóa lựa chọn trao chức vô địch và gửi đi tranh tài ở khu vực Đông Á.
 
"Hiện các em đang hoàn thiện lại đề án, nâng cao hiệu suất và thực hiện các tính toán về hiệu quả của sản phẩm trên quy mô lớn”, TS. Tân cho biết.
ST