Tin thế giới

Hàn Quốc đứng thứ 37 thế giới về chỉ số bền vững năng lượng

Thứ tư, 11/12/2019 | 16:29 GMT+7
Viện nghiên cứu kinh tế năng lượng Hàn Quốc (KEEI) ngày 11/12 cho biết theo báo cáo "Chỉ số Trilemma năng lượng" (Energy Trilemma Index) do Hội đồng năng lượng thế giới (WEC) công bố gần đây, Hàn Quốc đạt 71,7/100 điểm, đứng thứ 37 trong 128 quốc gia được điều tra. 
Photo: YONHAP News
 
Năm nay, Hàn Quốc giảm hai bậc so với năm ngoái, đứng thứ 31 trong 36 nước thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). 
 
Chỉ số Trilemma năng lượng đánh giá tính bền vững của hệ thống năng lượng các quốc gia hàng năm. Thuật ngữ kinh tế học "Trilemma" nghĩa là "bộ ba bất khả thi" (còn gọi là "tam nan kinh tế"), một giả thuyết cho rằng không thể thực hiện đồng thời ba chính sách. WEC đánh giá hệ thống năng lượng của một quốc gia dựa trên ba khía cạnh chính là "an ninh năng lượng", "công bằng năng lượng", và "tính bền vững năng lượng".
 
Trong đánh giá năm nay, Hàn Quốc đạt 97 điểm ở hạng mục "công bằng năng lượng" (xếp hạng A, thứ 16), nhưng chỉ đạt 58 điểm hạng mục "an ninh năng lượng" (xếp hạng B, thứ 69) và 59 điểm (hạng C, thứ 80) hạng mục "tính bền vững năng lượng".
 
Báo cáo đánh giá từ sau năm 2000, Hàn Quốc đã cải thiện ở cả ba hạng mục. Đặc biệt, chỉ số bền vững năng lượng đã được nâng lên đáng kể nhờ chính sách quản lý lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên đầu người. Hàn Quốc cũng đang thực thi các chính sách quan trọng nhằm cải thiện an ninh năng lượng và tính bền vững, như nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo, tăng cường sử dụng khí thiên nhiên, ví dụ như dầu đá phiến từ Mỹ.
 
Năm nay, nước xếp thứ nhất về chỉ số bền vững năng lượng là Thụy Sĩ, sau đó là Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp. New Zealand xếp thứ 10, cũng là quốc gia ngoài châu Âu duy nhất nằm trong Top 10. Mỹ đứng thứ 15. Trong các quốc gia châu Á, Nhật Bản có thứ hạng cao nhất (thứ 31). Hong Kong xếp thứ 34, Trung Quốc xếp thứ 72.
 
Viện nghiên cứu kinh tế năng lượng Hàn Quốc giải thích "tam giác Trilemma" của Hàn Quốc đang bất cân bằng, dù được đánh giá cao về công bằng năng lượng nhưng vẫn cần cải thiện an ninh năng lượng và tính bền vững.

Link gốc
Theo: KBS World Radio News