Campuchia hướng tới phát triển mạnh điện Mặt Trời.
Nhu cầu điện tại Campuchia đang tăng mạnh đến mức nước này không thể đáp ứng nổi. Năm 2019, lượng điện tiêu thụ tại đây đạt mức cao nhất trong lịch sử, tăng 32% so với mức tăng 16% của năm ngoái.
Trong khi Lào muốn trở thành trung tâm năng lượng ở Đông Nam Á với việc đẩy mạnh xây dựng đập thủy điện, thì Campuchia lại chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Vì thế, nước này không xây dựng thêm nhà máy thủy điện dọc sông Mekong.
Tổng Giám đốc Công ty điện lực Campuchia (EDC) Keo Rattanak cho biết Campuchia sẽ tăng đầu tư cho điện Mặt Trời thêm 12% vào cuối năm 2020 và tăng tổng cộng 20% đầu tư cho ngành này trong ba năm tới.
Trong mấy năm trở lại đây, đầu tư cho năng lượng Mặt Trời liên tục tăng tại Campuchia nhờ đầu tư nước ngoài và các ngân hàng quốc tế cho vay phát triển các trang trại điện Mặt Trời.
Giữa năm nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thông qua khoản cho vay 7,64 triệu USD để hỗ trợ xây dựng công viên điện Mặt Trời có công suất 100 MW tại Campuchia.
Một số nhà khoa học đang làm việc với nguyên tắc 1 MW điện có thể cung cấp cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộ gia đình trong một giờ.
ADB tin tưởng rằng động thái trên sẽ giúp Campuchia phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đa dạng hóa nguồn năng lượng cũng như cải thiện tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Dự án Công viên Mặt Trời Quốc gia sẽ nhận 11 triệu USD vốn vay và 3 triệu USD tài trợ từ Quỹ chiến lược khí hậu, đặc biệt thông qua Chương trình thúc đẩy năng lượng tái tạo
Trong báo cáo mới công bố, chuyên gia về biến đổi khí hậu hàng đầu của ADB Pradeep Tharakan cho biết, phát triển nguồn năng lượng bền vững, giá thành đầu tư vừa phải và dồi dào như năng lượng Mặt Trời là vấn đề sống còn đối với tăng trưởng kinh tế của Campuchia.
Tuy vậy, sản lượng điện Mặt Trời mới chỉ đạt 10 MW, so với mức công suất 1.330 MW từ thủy điện, chiếm 62% nguồn cung điện tại Campuchia.
Quy định mới về điện Mặt Trời được EDC công bố đầu năm nay là đòn bẩy tích cực đối với phát triển điện Mặt Trời trong tương lai. Trong khi thủy điện sẽ gặp khó bởi lượng nước tại các đập xuống thấp vì hạn hán kéo dài.
Công ty năng lượng tái tạo Cleantech Solar, có trụ sở tại Singapore, hồi đầu năm nay đã thử nghiệm dự án năng lượng Mặt Trời tại Campuchia với công suất 9,8 MW, trong đó tấm thu nổi trên mặt nước có công suất 2,8 MW sẽ sớm cấp điện cho nhà máy ximăng Chip Mong Insee Cement Corp (CMIC) của Campuchia.
Nhà máy này cho hay tấm thu năng lượng Mặt Trời nổi có thể giảm chi phí vận hành đồng thời giảm tình trạng bay hơi nước.
Năng lượng từ gió cũng là giải pháp được Campuchia tính đến. Tuy nhiên, điện gió ở đây mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu và chỉ có một công ty tham gia, đó là Blue Circle Pte Ltd có trụ sở tại Singapore.
Tháng 11/2019, Blue Circle đã bàn thảo với Chính phủ Campuchia về kế hoạch xây dựng một trang trại điện gió tại tỉnh Kampot (miền Nam Campuchia).Công ty này gần đây cũng đã hoàn thành nghiên cứu khả thi dự án điện gió ở tỉnh Mondulkiri, phía Đông Campuchia. Với kế hoạch lắp đặt ít nhất 10 tuốc bin gió trên núi Bokor thuộc tỉnh Kampot, dự án này dự kiến đạt công suất 80 MW.
Trả lời tờ Capital Cambodia, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia Victor Jona cho biết trong cuộc gặp giữa Bộ này và The Blue Circle ngày 19/11 vừa qua, dự án của The Blue Circle tại Kampot đã được thông qua.
Công ty này đang xác định ngày đàm phán với EDC về giá bán điện. Dự án khi đi vào khai thác sẽ cung cấp điện cho khoảng 180.000 hộ gia đình ở Kampot với sản lượng hàng năm ước lên tới 245 GW mỗi giờ.
The Blue Circle tính toán rằng họ có thể phát triển điện gió tại Campuchia với công suất hơn 250 MW trong thời gian ngắn nhất có thể trước khi hướng tới mục tiêu tăng thêm 500 MW trong những năm tới.
Tại Việt Nam, dự án điện gió của The Blue Circle mất ba năm từ lúc lên khung tới hoàn tất xây dựng.
Một trong những thiệt hại lớn nhất do các dự án thủy điện dọc sông Mekong gây ra là tác động tới hệ sinh thái và môi trường, kéo theo đó là ảnh hưởng tới sinh kế của người dân và nền văn hóa dọc sông Mekong.
Theo The Isaan Record, một tổ chức truyền thông ở Đông Bắc Thái Lan, người dân sống dọc sông Mekong phụ thuộc vào nghề đánh bắt để mưu sinh và đây là một phần văn hóa của họ từ thời xa xưa.
Nguồn cá dồi dào ở lưu vực sông Mekong từng là nguồn thức ăn, đồng thời mang lại thu nhập tốt cho người Lào và người Thái Lan sống hai bên bờ con sông này.
Tuy nhiên, với việc xây dựng các đập thủy điện và tình hình hạn hán kéo dài hiện nay, người dân sống bằng nghề đánh bắt cá tại đây lâm vào cảnh khó khăn.
Ủy ban Sông Mekong (MRC) cho biết giao thông đường thủy trên sông Mekong đang bị ảnh hưởng do mực nước thấp, khiến nhiều tàu bè phải thay đổi lộ trình.
MRC tiếp tục kêu gọi các nước có dự án đập thủy điện trên sông Mekong tính toán lại quy hoạch và dự án thủy điện.
Trong bối cảnh thủy điện bộc lộ nhiều yếu điểm như vậy, các chuyên gia nhận định việc Campuchia chuyển hướng sang đa dạng hóa nguồn điện từ năng lượng tái sinh và không xây thêm đập thủy điện dọc sông Mekong là bước đi vô cùng hợp lý, giúp bảo vệ môi trường sinh thái và gìn giữ nền văn hóa gắn liền với dòng sông Mekong của người dân
Link gốc