Thi công đóng cọc móng trụ điện trên biển.
Với khối lượng 43 km đường dây 110kV (An Biên – Lại Sơn), trong đó phần trên đất liền là 19,4km; phần trên biển là 24,5 km với 48 trụ điện kéo đường dây vượt biển và 2 trụ tiếp bờ có công suất truyền tải 70MVA. Trạm 110kV Lại Sơn có quy mô 2x25MVA; đường dây trung hạ thế trên đảo dài 24 km, 13 trạm biếp áp phân phối với dung lượng 2.080kVA, sau khi hoàn thành Dự án sẽ cấp điện cho 1.956 hộ dân trên đảo với sản lượng điện cung cấp hằng năm lên đến hàng trăm triệu kWh, gấp hàng trăm lần so với năng lực cung cấp điện của các tổ máy phát trên các xã đảo hiện nay. Sau đó, dự án tiếp tục xây dựng đường dây 22kV cung cấp điện cho các đảo thuộc quần đảo Nam Du, An Sơn và các đảo con lại trong khu vực.
Vào những ngày giáp Tết Bính Thân 2016, tại ấp Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh, huyện An Minh, (điểm đầu từ đất liền để đưa điện ra các xã đảo), đội thi công đang chuẩn bị cho quá trình đóng cọc móng trụ điện trên biển. Để có thể thực hiện được nhiệm vụ này, các kỹ sư đã nhiều lần khảo sát và tiến hành đóng cọc thử để kiểm tra sự an toàn của các trụ điện. Sau mỗi quy trình như vậy, ban tư vấn, giám sát công trình đều tiến hành kiểm định chặt chẽ nhằm không xảy ra sai sót trong quá trình thi công.
Do địa chất vùng biển tại dự án khá phức tạp, mực nước biển cao nên chiều dài của các cọc đóng sâu xuống biển xấp xỉ 30m. Mỗi trụ được đóng từ 20 – 30 cọc xung quanh với chiều rộng mỗi trụ là 100m2. Sau khi hoàn thành việc xây dựng các trụ điện, các cột điện trên không sẽ được tiến hành lắp ráp để đưa điện lưới ra đảo. Ông Nguyễn Trọng Đức (chỉ huy trưởng đơn vị thi công trụ điện thứ 2 – 17, Công ty CP Cơ khí Kiên Giang) cho biết: “Đây được xác định là công trình trọng điểm, mang ý nghĩa thiết thực cho hàng ngàn người dân tại các vùng biển đảo xa xôi nên chúng tôi, ban tư vấn giám sát, kỹ sư cùng toàn thể các công nhân đã dốc sức toàn lực để có thể thực hiện dự án một cách nghiêm túc và hiệu quả nhất. Do thời tiết vùng biển mùa này rất khắc nghiệt, thường xuyên có sóng to xuất hiện nên việc thi công các trụ cũng gặp nhiều khó khăn. Có những ngày sóng lớn quá, anh em say sóng phải nằm ngay trên các xà lan nghỉ ngơi, khi sóng dừng anh em lại tiếp tục công việc. Dù vất vả, nhưng anh em vẫn luôn động viên nhau nỗ lực làm việc để những người dân vùng đảo xa có thể sử dụng có điện lưới quốc gia trong thời gian sớm nhất”.
Tại các xã đảo nằm trong dự án kéo điện lưới quốc gia của tỉnh Kiên Giang như Sơn Hải, An Sơn, Nam Du… tình trạng thiếu điện ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Tại các xã đảo đều đã được đầu tư máy phát điện nhưng lượng điện chưa đủ để người dân có thể sinh hoạt, mỗi ngày, các xã cấp điện 15 tiếng, tuy nhiên do nguồn điện không ổn định nên cũng chỉ dùng vào việc thắp sáng. Dù đang phát triển về du lịch nhưng khoảng 21h tối, hầu hết các con hẻm trên đảo đều bao phủ một màu đen do thiếu ánh sáng đèn điện.
Do nguồn điện chưa thể đáp ứng nên các ngành chế biến thủy hải sản tại các xã đảo cũng hạn chế. Cả xã cũng chỉ có vài ba cơ sở nhỏ lẻ để chế biến thủy hải sản, hầu hết đều bán thô nên giá trị kinh tế chưa cao. Cũng từ đó, nhiều ngành nghề công nghiệp, cơ khí, du lịch cũng không thể phát triển. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho những người dân trên các xã đảo.
Ông Dương Quốc Hiệp (58 tuổi, ngụ ấp An Phú, xã Nam Du) chia sẻ: “Khi nghe thông tin Nhà nước đang đầu tư nguồn lưới điện quốc gia ra các xã đảo tại đây, người dân chúng tôi rất vui mừng. Lâu nay, sống với ánh đèn dầu, giờ mong có nguồn điện sáng để cuộc sống được cải thiện hơn. Chắc chắn rằng, nếu có nguồn điện ổn định thì các xã đảo sẽ phát triển mạnh về du lịch và chế biến thủy hải sản, đời sống bà con được nâng cao”.
Ông Đinh Văn Trung, Chủ tịch hội Nông dân xã Nam Du cho biết, do thiếu nguồn điện nên cả xã với 814 hộ dân, gần 4.000 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 cơ sở chế biến thủy hải sản. Đây là một thiệt thòi về kinh tế cho xã đảo Nam Du. Thời gian gần đây, xã đã đầu tư 3 máy phát điện công suất lớn nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng sinh hoạt của người dân. Hệ thống máy cũng thường xuyên hư hỏng nên việc mất điện 1 vài ngày xảy ra thường xuyên. “Chúng tôi hy vọng công trình cấp lưới điện quốc gia cho các xã vùng đảo nhanh chóng hoàn thành để người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế được thuận tiện hơn. Nếu có điện lưới quốc gia, các ngành nghề công nghiệp, nông nghiệp tại địa phương sẽ phát triển mạnh mẽ. Đồng thời cũng sẽ là cơ hội thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và phát triển du lịch để các xã đảo ngày càng văn minh, tiến bộ hơn”, ông Trung nói.
Mai Hoa/Icon.com.vn