Bảng hiệu của Trung tâm dữ liệu EVNCPC.
Tháng 12 năm 2015, EVNCPC đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu (EVNCPC Data Center) với đầy đủ hạ tầng gồm: hệ thống điều hòa chính xác, hệ thống phòng cháy chữa cháy (chữa cháy bằng khí FM200), cảnh báo môi trường, nguồn điện dự phòng,... nhằm đảm bảo an toàn, ổn định cho trái tim của Trung tâm dữ liệu là các máy chủ (blade server), tủ đĩa lưu trữ dữ liệu (SAN storage), và các thiết bị Network. Hiệu quả mang lại đã làm cuyển đổi và ảo hóa hơn 50 Server, sử dụng hết 44TB dung lượng lưu trữ để phục vụ cho các ứng dụng quản lý điều hành của Tổng công ty.
Việc triển khai ảo hóa Server đã thay đổi hoàn toàn thời gian cài đặt một Server mới. Theo cách truyền thống trước đây, để triển khai Server mới cho một ứng dụng tốn khoảng 5 giờ (bao gồm việc cài đặt windows, update bản vá, cài đặt các dịch vụ mạng) thì bây giờ việc đó chỉ còn từ 5 đến 10 phút. Bên cạnh đó, với tính năng vMotion, hệ thống sẽ tự động di dời Server ảo từ vị trí này sang vị trí khác mà không làm gián đoạn ứng dụng khi blade server bị lỗi phần cứng. Việc này tiết kiệm rất nhiều thời gian so với trước đây, khi một Server vật lý bị lỗi thì cần lấy một Server vật lý khác thay thế (nếu có sẵn dự phòng), sau đó tiến hành cài đặt Hệ điều hành, phục hồi ứng dụng... Việc cấp phát tài nguyên (CPU, RAM, dung lượng lưu trữ,...) trên nền ảo hóa đã tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên so với việc sử dụng Server vật lý truyền thống. Các ứng dụng dần được tập trung về Data Center, giúp nâng cao hiệu quả quản lý ứng dụng, đồng bộ hơn, truy suất số liệu báo cáo nhanh hơn. Cùng với đó, với đội ngũ cán bộ trực giám sát vận hành 24/7, các thông số hệ thống được giám sát thường xuyên, các cảnh báo hệ thống được xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa thời gian dừng hệ thống.
Xu thế phát triển Data Center của Tổng công ty cũng cần phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới hiện nay.
Xu thế phát triển của các hệ thống DC.
Trong đó, mô hình công nghệ thông tin truyền thống (Standardize - Chuẩn hóa) với phòng máy có nhiều Server vật lý, mỗi Server phục vụ cho một hoặc hai ứng dụng khác nhau đã không còn phù hợp và dần được thay thế bởi các Data Center với tính năng ảo hóa (Virtualize).
Hạ tầng CNTT của Tổng công ty đang trong quá trình loại bỏ mô hình Standardize và từng bước hoàn thiện mô hình Virtualize (do Data Center chưa đủ tài nguyên để loại bỏ hoàn toàn các Server vật lý có cấu hình thấp, và đang từng bước đầu tư, mở rộng để đảm bảo tính dự phòng cao, sẵn sàng ảo hóa và cấp phát tài nguyên CNTT trong toàn Tổng công ty).
Thuật ngữ “Điện toán đám mây” (cloud computing) ra đời giữa năm 2007, để mô tả các vấn đề liên quan đến CNTT đều được cung cấp dưới dạng các “dịch vụ”, như Cơ sở hạ tầng (IaaS - Infrastructure as a Service), các phần mềm ứng dụng (SaaS - Software as a Service), các nền tảng về hệ điều hành, CSDL, máy chủ web,... (PaaS - Platform as a Service).
Sau khi hoàn thiện hạ tầng ảo hóa, hệ thống DC của Tổng công ty cần triển khai giải pháp Private Cloud (mô hình điện toán đám mây riêng, chỉ dùng trong nội bộ doanh nghiệp) để cung cấp các dịch vụ đến người dùng trong toàn Tổng công ty một cách nhanh chóng và tự động hóa (Automate).
Với nhu cầu ngày càng cao, triển khai mô hình Hybrid Cloud bằng việc sử dụng các dịch vụ nội bộ (Private Cloud) kết hợp với đi thuê một số dịch vụ đám mây bên ngoài (Public Cloud) thì sẽ hiệu quả hơn trong việc đầu tư hạ tầng, khai thác ứng dụng hoặc triển khai các dịch vụ phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Bênh cạnh những hiệu quả mang lại đã được nhìn nhận, Data Center vần còn có một số tồn tại: Hiện nay tài nguyên của DC còn quá ít so với nhu cầu thực tế, dẫn đến việc cấp phát tài nguyên cho các ứng dụng mới gặp nhiều khó khăn; chưa có Trung tâm dữ liệu dự phòng cũng như chưa đủ tài nguyên để đảm bảo tính sẵn sàng cao cho các ứng dụng. Bên cạnh đó, việc backup dữ liệu bằng băng từ (tape) còn hạn chế về tốc độ, mỗi ngày chỉ backup được một vài ứng dụng. Hiện nay việc backup cần hỗ trợ thêm các tủ đĩa NAS rời rạc bên ngoài. Backup sử dụng băng từ chỉ phù hợp cho việc lưu trữ lâu dài và phòng ngừa thiên tai, không phù hợp cho việc backup và phục hồi dữ liệu hàng ngày.
Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ triển khai và đưa vào vận hành nhiều ứng dụng/dự án quan trọng như tập trung CMIS, tập trung Website các đơn vị về DC của Tổng công ty, an toàn thông tin, Data Warehouse, ứng dụng GIS trong quản lý vận hành lưới điện, tập trung eOffice, phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng, hệ thống RF-Spider... Vì vậy tài nguyên của Data Center cần được đầu tư nhiều hơn nữa, ngoài việc đủ tài nguyên để cấp phát cho các ứng dụng mới thì cần phải đủ để đảm bảo tính sẵn sàng cao (HA) cho các ứng dụng quan trọng, dự phòng cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng.
Khi triển khai các ứng dụng lên Data Center càng nhiều thì việc trang bị hệ thống backup chuyên dụng bằng đĩa cứng càng quan trọng, để đảm bảo việc backup được thực hiện đầy đủ hàng ngày và phục hồi nhanh chóng khi ứng dụng bị lỗi. Tổng công ty cần sớm có phương án đầu tư Trung tâm dữ liệu dự phòng từ xa nhằm phòng ngừa thiên tai, đảm bảo tính dự phòng của hệ thống. Bên cạnh đó, việc chia sẻ tài nguyên giữa các Trung tâm dữ liệu trong ngành cũng góp phần phòng ngừa rủi ro, giảm chi phí đầu tư.
Đồng bộ với tính sẵn sàng của Data Center, thì hạ tầng mạng như: đường truyền kết nối, hệ thống định tuyến (Router), hệ thống Firewall cũng cần phải trang bị thêm để đảm bảo tính dự phòng cao. Công tác đào tạo nâng cao chuyên môn, tham quan học hỏi, tham gia hội thảo cũng cần được chú trọng để nâng cao chất lượng quản lý các hệ thống phức tạp, nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới giúp việc nâng cấp, mở rộng hệ thống một cách an toàn, hiệu quả.