Hiệu quả của ứng dụng CNTT trong hoạt động quản trị và SXKD của EVNCPC

Thứ sáu, 24/7/2020 | 15:15 GMT+7
Bước khởi đầu năm 1994, tài nguyên hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của Tổng công ty chỉ có 01 máy chủ của hãng Digital (dạng đứng - Tower) chạy hệ điều hành Windows NT 3.0. Qua quá trình phát triển, số lượng máy chủ được tăng dần lên 20 máy (cuối năm 2014). 
Hiệu quả của ứng dụng CNTT trong hoạt động quản trị và SXKD của EVNCPC
Quá trình phát triển CNTT của EVNCPC
 
Đến tháng 12/2015, Trung tâm dữ liệu EVNCPC (TTDL) ra đời, đánh dấu sự thay đổi lớn trong việc sử dụng hạ tầng CNTT phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) và quản trị điều hành (QTĐH). Hệ thống máy chủ dịch chuyển từ vật lý sang ảo hóa, cung cấp tài nguyên phục vụ cho các ứng dụng trọng yếu của EVN và EVNCPC một cách nhanh chóng, hiệu quả.
 
TTDL ban đầu từ 30 máy chủ ảo hóa, đến hiện tại đã có khoảng 425 máy chủ ảo hóa, với dung lượng dùng để lưu trữ dữ liệu từ 15TB (năm 2015) đến nay (6/2020) khoảng 400TB phục vụ các ứng dụng SXKD, đào tạo, nghiên cứu phát triển.

TTDL ra đời đã thúc đẩy lĩnh vực CNTT của Tổng công ty phát triển mạnh mẽ, các chương trình ứng dụng và CSDL được quản lý tập trung, qua đó giúp việc triển khai ứng dụng được thống nhất, hệ thống dữ liệu được đồng bộ trong toàn Tổng công ty, công tác báo cáo được xử lý nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư CNTT phân tán tại các đơn vị.
 
Hiệu quả của ứng dụng CNTT vào hoạt động SXKD và QTĐH được thể thiện ở các mặt sau:
 
1. Hiệu quả trong công tác quản trị, điều hành
 
Với văn phòng điện tử CPC-eOffice đưa vào sử dụng đã mang lại nhiều hiệu quả trong việc giảm thời gian và minh bạch hóa xử lý văn bản, kiểm soát đo lường được thời gian xử lý công việc; tạo môi trường làm việc linh động về không gian và thời gian; Rút ngắn thời gian ban hành văn bản bình quân 4 giờ xuống còn 1,5 giờ/01 văn bản; rút ngắn thời gian tìm kiếm, lưu trữ văn bản; giảm chi phí văn phòng phẩm, chi phí chuyển phát văn bản, chi phí thông tin liên lạc nội bộ…
 
Chương trình CPC-eOffice
 
Hệ thống HNTH từ khi được đưa vào sử dụng đã góp phần phục vụ hiệu quả công tác điều hành, SXKD của Tổng công ty. Theo số liệu thống kê, hệ thống HNTH phục vụ trung bình từ 1 – 3 cuộc họp trực tuyến mỗi ngày và nhu cầu họp trực tuyến ngày càng tăng. Thực tế hệ thống HNTH đã giúp cho việc trao đổi thông tin giữa các cấp trong Tổng công ty được nhanh chóng, nhiều người cùng nắm bắt thông tin và đồng thời tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại và góp phần tích cực vào công tác đào tạo từ xa.
 
Kể từ năm 2015, chương trình EVNCPC Portal được triển khai đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc quản lý, tổng hợp số liệu tập trung, chính xác, nhanh chóng từ cấp Điện lực đến cấp Tổng công ty/EVN; rút ngắn thời gian tổng hợp số liệu so với cách lập thủ công trước đây; giảm thời gian tìm kiếm, tra cứu các báo cáo qua các thời kỳ; dễ dàng so sánh số liệu theo cùng kỳ/năm trước để đánh giá mức độ tăng trưởng; so sánh số liệu các đơn vị khác với nhau, tăng mức độ thi đua giữa các đơn vị.
 
Hiện tại, trục liên thông văn bản với các cổng thông tin điện tử đang thực hiện đã giúp liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa EVNCPC và các đơn vị trực thuộc của EVN, các Sở ban ngành, đóng góp tích cực vào mô hình Chính quyền điện tử của các địa phương theo chủ trương của Chính phủ. Tháng 3/2020, đã triển khai thử nghiệm việc liên thông gửi nhận văn bản giữa hệ thống CPC-eOffice và hệ thống QLVB của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, TTHPC đã thực hiện hoàn toàn việc gửi nhận văn bản điện tử với các đơn vị hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, giúp rút ngắn thời gian gửi nhận văn bản, làm thủ tục đối với các Doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng. Hiện nay, giải pháp này dễ dàng triển khai nhân rộng việc liên thông văn bản giữa CPC-eOffice của các công ty điện lực và các hệ thống QLVB của các địa phương khác khi có nhu cầu.
 
Ngoài ra, các ứng dụng như lịch công tác trên cổng thông tin điện tử EVNCPC Portal, Hệ thống quản lý văn bản pháp quy, các chương trình trắc nghiệm, eLearning… cũng góp phần nâng cao hiệu quả trong quản trị, điều hành Tổng công ty như: sắp xếp các lịch công tác, giao việc và theo dõi công tác công việc; thư viện tài liệu các văn bản giúp giảm chi phí văn phòng phẩm - in ấn, giảm chi phí chuyển phát báo cáo tổng hợp từ đơn vị về Tổng công ty; phục vụ công tác tuyển dụng, thi nâng bậc, giữ bậc và tạo điều kiện cho CBCNV học mọi lúc mọi nơi…
 
2. Hiệu quả trong công tác sản xuất, đầu tư
 
Trong công tác sản xuất của Tổng công ty, khi triển khai áp dụng “Hệ thống quản lý kỹ thuật an toàn” đã thực sự đem lại nhiều hiệu quả, quá trình thực hiện lập phiếu công tác (PCT) trên chương trình tập trung theo thời gian thực nên thuận tiện cho các bộ phận liên quan soát xét, kiểm tra nội dung khắc phục các sai sót trong khâu viết PCT thủ công như trước đây, tránh các nguy cơ dẫn đến tai nạn cho nhân viên đơn vị công tác trong quá trình thực hiện công việc, là công cụ giúp các cán bộ quản lý từ cấp Điện lực đến Công ty, Tổng công ty trong việc kiểm soát trực tuyến công tác trên hệ thống, sẵn sàng kết nối dữ liệu với các phần mềm quản lý mất điện, quản lý lưới điện trên bản đồ số (GIS) để phục vụ công tác quản lý vận hành.
 
Hệ thống quản lý kỹ thuật an toàn EVNCPC
 
Trước đây thu thập thông tin hiện trường bằng phương pháp thủ công vừa tốn thời gian và dễ bị nhầm lẫn, sai sót... “Ứng dụng EVNCPC TTHT” ra đời đã đem lại những lợi ích giúp cho công nhân tại hiện trường có thể thu thập thông tin khách hàng, vị trí, tọa độ... và chuyển dữ liệu từ hiện trường về hệ thống máy tính chủ nhanh gọn, chính xác; cập nhật lại thông số thiết bị đúng với thực tế hiện trường; giúp người quản lý ở Văn phòng dễ dàng quan sát lưới điện một cách trực quan trên bản đồ Google Maps... Các hiệu quả trên đây cũng là một số những tiêu chí mà nghị quyết 521/NQ-HĐTV EVN ngày 21/10/2019 về việc định hướng kế hoạch phát triển CNTT trong tập đoàn Điện lực quốc gia VN giai đoạn 2019-2025 đã đặt ra.
 
Trong công tác quản lý đầu tư, nhờ áp dụng chương trình “Quản lý đầu tư xây dựng” đã mang lại những hiệu quả về quản lý, giúp lãnh đạo TCT/Đơn vị kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo và giám sát tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; nâng cao hiệu quả điều hành, hiệu quả đầu tư các công trình, dự án; cán bộ trực tiếp quản lý dễ dàng theo dõi, xử lý các công việc một cách tổng thể vòng đời của dự án thông qua các chức năng phần mềm, đồng thời cũng đem lại các hiệu quả về kinh tế như: góp phần nâng cao chất lượng các dự án, là tiền đề cho việc tiết kiệm chi phí sửa chữa, thay thế, cũng như giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành sau này.
 
Bên cạnh đó, các ứng dụng PMIS, OMS, ERP… được sử dụng cũng đã phát huy hiệu quả giúp cho công tác quản lý kỹ thuật, an toàn, công tác nghiệp vụ quản lý và hoạch định nguồn lực tại Tổng công ty được hệ thống toàn bộ, tính hợp nhất về số liệu, giúp các đầu mối nghiệp vụ khai thác số liệu chéo lẫn nhau, số liệu các cấp đơn vị từ EVN đến cấp Điện lực được thông suốt, minh bạch, rõ ràng.
 
3. Hiệu quả trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng
 
Với mục tiêu tăng năng suất lao động và hiệu quả trong công tác kinh doanh điện năng, dịch vụ khách hàng, hệ thống CMIS 3.0 và chương trình khai thác số liệu kinh doanh được triển khai tại 13 Công ty Điện lực đã đem lại nhiều hiệu quả trong việc hỗ trợ đội ngũ nhân viên làm công tác kinh doanh điện năng, giám sát tổn thất, ghi chi số, giám sát thực hiện tiết kiệm điện ở đơn vị và giám sát công tác phúc tra chỉ số, phản ánh kiến nghị của khách hàng thông qua web CSKH và mạng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng của các đơn vị.
 
Hệ thống cổng thanh toán (CTT) được triển khai từ cuối năm 2014, đến nay đã có 27 ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán ký hợp đồng, hợp tác thu hộ tiền điện với EVNCPC. Triển khai CTT là phù hợp với định hướng của chính phủ và chủ trương của EVN về việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cũng như đem lại lợi ích cho các giao dịch thanh toán nhanh chóng, an toàn, tránh được các rủi ro mang tiền mặt, chính xác số tiền cần thanh toán, nhất là khi phải trả các khoản lớn, số lẻ…
 
Đối với công tác đo xa, quản lý số liệu đo đếm, các ứng dụng DSPM, RF-spider được đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả chính xác và kịp thời hỗ trợ người dùng về công tác ghi chỉ số, chốt chỉ số, công tác giám sát mua bán điện, phúc tra chỉ số và tính toán tổn thất, mua bán điện với các nhà máy điện, thủy điện.
 
Hiện nay, 12/12 dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 của EVN đã kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia, đem lại nhiều hiệu quả cho khách hàng. Khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể thực hiện các dịch vụ điện như: Dịch vụ cấp điện trực tuyến, tăng cường công suất, thay đổi số hộ sử dụng điện, di dời công tơ, tra cứu tiến độ cấp điện… mà không cần phải tới liên hệ trực tiếp tại Phòng giao dịch. Ngoài ra, còn có các ứng dụng trong mảng chăm sóc khách hàng như website CSKH; CRM; App CSKH; Thu tiền điện mọi lúc mọi nơi; cấp điện tại hiện trường… đã đem đến sự hài lòng của khách hàng về các dịch vụ ngành điện cung cấp, đã tạo nên sự tương tác đa chiều với khách hàng trên nền tảng CNTT.
 
Trong thời gian cả nước chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tất cả các đơn vị trong EVNCPC phải chuyển trạng thái làm việc trong thời gian giãn cách xã hội. Vai trò của các hệ thống CNTT, chương trình ứng dụng đã phát huy hiệu quả hết sức rõ rệt, đáp ứng công tác điều hành chỉ đạo, môi trường làm việc từ xa cho hơn 11 nghìn CBCNV và vẫn đảm bảo phục vụ tốt các dịch vụ điện cho hơn 4 triệu khách hàng.
 
Xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng CNTT mạnh mẽ hoặc lựa chọn chuyển đổi số một cách toàn diện, sâu sắc để hoạt động hiệu quả hơn, để phục vụ khách hàng tốt hơn. Tổng công ty Điện lực miền Trung, các Công ty Điện lực thành viên không thể đứng ngoài hoặc đi chậm hơn xu thế đó.

Từ năm 2019, CPCIT đang cùng các Ban, các công ty điện lực nghiên cứu, thử nghiệm một số hướng ứng dụng mới như: AI/Data Mindning... trong ứng dụng MXH ở giai đoạn phân tích tin tức dữ liệu để phân loại tin tốt/ tin xấu/ tin trung lập đối với ngành điện; Block-chain trong quản lý, chống chỉnh sửa thay đổi dữ liệu đang thử nghiệm trên của hệ thống thi trắc nghiệm, thi nâng bậc; Công nghệ xử lý hình ảnh VR/AR để phân tích dữ liệu hình ảnh quản lý vận hành thu thập được; Nghiên cứu các giải pháp về Data master, tập trung các dữ liệu dùng chung, đồng nhất tránh mất đồng bộ trong việc khai thác dữ liệu dùng chung để phục vụ công tác quản lý, điều hành SXKD, đảm bảo an toàn thông tin của Tổng công ty; CSDL trung gian, BI để chủ động khai phá, phân tích, dự báo số liệu… phục vụ các Ban tham mưu, lãnh đạo Tổng công ty và các đơn vị điều hành, ra quyết định.
 
Cách thức, chiến lược phát triển, ứng dụng CNTT của EVNCPC trong giai đoạn này rất cần sự định hướng của Tổng công ty, cần sự tham gia không chỉ của Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung mà phải gắn kết, tương tác chặt chẽ hơn nữa giữa bộ phận IT và các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của Tổng công ty, các đơn vị. Các nền tảng công nghệ mới là động lực để chuyển đổi hoạt động của các khối kinh doanh, DVKH, an toàn lao động, tự động hóa, phân tích – dự báo – ra quyết định điều hành, truyền thông… trong giai đoạn sắp tới.

Link gốc
Theo: EVNCPC