Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Nhà máy GoldLong1 tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai - nhà máy này cung cấp cho rất nhiều thương hiệu như Nike, Adidas, New Balance (ảnh Indefol cung cấp).
Trong đó, yêu cầu các nhà nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu về mức độ phát thải cacbon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra sản phẩm.
Rào cản và cơ hội
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp dệt may, da giày là một trong các ngành xuất khẩu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng lớn nhất ở Việt Nam. Năm 2020, ngành dệt may đã mang lại giá trị xuất khẩu trên 35 tỷ USD cho nền kinh tế nước nhà và ngành công nghiệp da-giày Việt Nam cũng đã xuất khẩu 1,233 tỷ đôi giày, chiếm tỷ trọng xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2020 là 10,2%. Cùng với 4 thị trường lớn gồm: Mỹ, Châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc, thì việc Việt Nam ký kết cả hiệp định tự do thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã mở ra cơ hội để ngành dệt may, da giày Việt Nam mở rộng sang các thị trường khác.
Tuy nhiên, ngành dệt may, da - giày của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại đã ký kết và đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) khi mà chuỗi cung ứng phải đảm bảo những yêu cầu của các hiệp định về cam kết bảo vệ môi trường và phát thải nhà kính thấp. Cụ thể là quy định về dán nhãn cacbon trên sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam của Hoa Kỳ, châu Âu (yêu cầu các nhà nhập khẩu phải tính toán mức độ phát thải cacbon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra sản phẩm dệt may). Do đó, DN phải hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu
Hiện đa số DN trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may, da- giày gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những yêu cầu thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm khí phát thải nhà kính, đây cũng là một tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng các mặt hàng ra thị trường quốc tế.
Việc tuân thủ bộ Quy tắc ứng xử của các thương hiệu về trách nhiệm xã hội và môi trường là một trong những yêu cầu cơ bản, nền tảng mà các nhà máy khi tham gia vào chuỗi cung ứng đều phải cam kết. Nếu các nhà máy có cam kết và kết quả của việc thực hiện các yêu cầu trong đó có yêu cầu về giảm khí phát thải hàng năm trong chương trình quản lý năng lượng bền vững thì sẽ được xem xét ghi nhận sự đóng góp thông qua cộng điểm trong hệ thống đánh giá năng lực của nhà cung ứng. Do đó, để thúc đẩy sự tham gia của các máy trong chuỗi cung ứng thì việc đầu tư vào các dự án năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo cũng là một yếu tố cạnh tranh xem xét cho việc lựa chọn, đánh giá, xếp hạng của các nhà máy định kỳ hàng năm.
Sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo - tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng
Hiện nay, thương hiệu lớn có chuỗi cung ứng tại Việt Nam đều tham gia là thành viên và ký cam trong “Hiến chương ngành công nghiệp thời trang về hành động vì khí hậu” (UNFCCC) thực hiện cam kết đến năm 2030 giảm thiểu phát thải 30% lượng khí CO2 và Net zero cacbon đến năm 2050.
Là một trong những thương hiệu của Mỹ có chuỗi cung ứng mặt hàng may mặc, da giày đang hoạt động tại Việt Nam. Năm 2019, New Balance đã công bố hai cam kết về biến đổi khí hậu để giảm thiểu những tác động đến môi trường và hướng tới một tương lai cacbon thấp. Cụ thể, New Balance cam kết “Đến năm 2025, 100% các nhà máy thuộc quyền sở hữu sử dụng năng lượng tái tạo; đến năm 2030 giảm thiểu phát thải 30% lượng khí CO2 và Net zero cacbon đến năm 2050 đối với các nhà máy gia công trong chuỗi cung ứng”. Để thực hiện mục tiêu này các nhà máy trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam phải bắt buộc đầu tư các giải pháp công nghệ, tài chính.
Dây chuyền hiện đại tại nhà máy giặt Thành Châu của PPJ giúp tiết kiệm nước và năng lượng.
Theo đó, lộ trình giảm 30% khí phát thải nhà kinh đến năm 2030 trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam đang tập trung vào hai nhóm giải pháp: nhóm thứ nhất tập trung vào việc năng cao hệ thống tiết kiệm năng lượng và cải tạo hiệu quả máy móc, cơ sở hạ tầng; nhóm giải pháp thứ 2 là năng lượng tái tạo bao điện mặt trời áp mái và mua năng lượng điện sạch. Hiện nhiều nhà máy đã tham gia các chương trình với các đối tác như IFC, GIZ tại Việt Nam do vậy các nhà máy đã có những bước đầu hiệu quả trong việc tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào hệ thống điện mặt trời áp mái - đây chính là những mắt xích đầu tiên trong việc hướng đến sản xuất bền vững.
Trong khi đó, tại Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (PPJ), để sử dụng năng lượng hiệu quả, nhằm giảm mức tiêu hao năng lượng trên mỗi sản phẩm. Với sự hỗ trợ từ Tổ chức tài chính IFC, doanh nghiệp này đã đánh giá tiềm năng sử dụng hiệu quả năng lượng và nước trong quá trình sản xuất.
Trước tiên, PPJ đã thay nồi hơi hiệu năng thấp sang sử dụng nồi hơi hiệu suất cao. Công ty cũng đạt được hiệu quả sử dụng nước cao bằng cách tái sử dụng 80% lượng nước thải. Để đạt được hiệu quả sử dụng tài nguyên cao hơn và năng suất tốt hơn, PPJ đã thay quy trình xử lý thủ công bằng máy laser, và chuyển đổi việc sử dụng máy giặt truyền thống sang các máy ozone hiện đại.
Với 20 nhà máy và 14.000 công nhân sản xuất và cung ứng các sản phẩm may mặc bằng vải jean, dệt kim và dệt thoi cho các thương hiệu lớn trên thế giới, nhờ triển khai các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên nước, không chỉ có thêm các đơn hàng mới, các biện pháp này đã giúp PPJ tiết giảm được lượng điện sản xuất gần 7 triệu kWh/năm, và tiết kiệm được 200.000 m3 nước/năm. Nhờ đó, công ty tiết kiệm được 700.000 USD/năm, đồng thời tăng lương cho công nhân, khuyến khích họ ở lại làm việc cho công ty.
Còn tại Công ty TNHH Samil Vina ( Long Thành - Đồng Nai), công ty đã nhận thấy rõ ngay các cải thiện sau khi hoàn thành việc nâng cấp máy móc thiết bị sản xuất. Các máy nhuộm vải mới với dung tỷ (MLR) thấp đã giúp Samil Vina giảm lượng tiêu dùng nước, hóa chất và năng lượng khoảng 45%. Hệ thống mới cũng giúp giảm thời gian sản xuất khoảng 17%. Kết quả này đã giúp công ty giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thời gian không chờ các doanh nghiệp trong khi thời hạn thực hiện các cam kết với quốc tế của các doanh nghiệp ngày càng đến gần. Tuy nhiên trong tình hình nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoặc giảm quy mô sản xuất.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Marcus Bissel - Trưởng hợp phần Hiệu quả năng lượng/ Dự án 4E của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho biết: “Để đảm bảo các dự án hiệu quả năng lượng đạt được tiến độ đề ra, trong thời điểm này các DN có thể tiến hành các hoạt động đào tạo về quản lý năng lượng cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý”.
“Chúng ta không thể chờ đợi mà chỉ là thực hiện những công việc khác phù hợp trong bối cảnh dịch để đảm bảo kế hoạch và dự án Hiệu quả năng lượng tại các DN vẫn có thể triển khai đúng tiến độ”, ông Marcus Bissel khẳng định.
Mốc thời gian năm 2030 đang đến gần, hiện tại dịch Covid-19 đã tạo không ít khó khăn trong công tác quản lý các dự án phát triển bền vững cũng như triển khai các dự án hiệu quả năng lượng của các nhà máy gia công cho New Balance tại Việt nam. Ông Nguyễn Công Hùng - Quản lý chuỗi cung ứng bền vững của nhãn hàng New Balance - chia sẻ: “Chúng tôi ưu tiên cho việc tập trung vào dự án đào tạo, nâng cao năng lực cho các đội ngũ quản lý năng lượng của các nhà máy để chuẩn bị cho công tác quay lại sản xuất nhanh nhất khi dịch hết. Đồng thời làm việc với các chuyên gia để đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của máy móc thiết bị cũng như tính khả thi thay thế, sửa chữa và tiềm năng tiết kiệm trong tương lai. Khi quay lại sản xuất, các DN có thể quay lại mô hình ESCO hoặc đầu tư trực tiếp để đạt mục tiêu giảm phát thải”.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đang chiếm 11% tổng nhu cầu năng lượng trong các ngành kinh tế công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2. Có đến gần 200 DN dệt may thuộc diện DN phát thải trọng điểm (tiêu thụ 1.000 tấn CO2 quy đổi). Chi phí cho năng lượng của ngành dệt may là ngang bằng chi phí sản xuất.
Link gốc