Toàn cảnh "Hội nghị Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh Thanh Hoá năm 2024".
Tại Hội nghị, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã thông qua báo cáo và minh chứng bằng hình ảnh, video trực quan về các hành vi vi phạm cụ thể tại một số địa phương. Đồng thời, phân tích các nhóm và chỉ ra những hậu quả đưa đến làm thiệt hại người và tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành lưới điện trên địa bàn. Theo đó, năm 2023 Chính quyền các địa phương chỉ đạo các Nhà thầu thi công các dự án thực hiện di rời cột điện, đường dây ra khỏi 10 mặt bằng (khu dân cư, khu công nghiệp, đường giao thông); kết hợp với công tác đầu tư, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp lưới điện đã xử lý được 01 vị trí vi phạm hành lang, 11 vị trí khoảng cách pha - đất (đạt 100% chỉ tiêu Tổng công ty giao). Các đơn vị trực thuộc đã thực hiện chặt tỉa trong, ngoài hành lang được 59.868/55.182 cây các loại, đạt vượt 108%/tổng số cây theo thống kê ban đầu. Cũng trong năm này, số vụ sự cố lưới điện do vi phạm hành lang và số vụ tai nạn điện trong dân trên tài sản ngành điện quản lý giảm sâu. Cụ thể giảm 115 vụ (tương đương 56,93%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số vụ sự cố do cây vi phạm hành lang giảm 46 vụ (tương đương 68,65%), số vụ tai nạn điện trong dân giảm 01 vụ (tương đương 33,33%).
Với việc số vụ sự cố giảm sâu đã góp phần giảm tình trạng gián đoạn cung cấp điện đột xuất do sự cố lưới điện, đảm bảo được kế hoạch sản xuất kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân, đem lại sự hài lòng của khách hàng đối với ngành Điện.
Tuy nhiên, qua phúc tra rà soát thực tế tại các đơn vị tính từ đầu năm đến tháng 4/2024 vẫn còn số lượng khoảng 19.006 cây các loại cũng như việc phát sinh dễ đưa đến các mối nguy tiềm ẩn như: Người dân vẫn tái trồng cây trong, ở gần hành lang lưới điện sau khi đã được đền bù giải phóng, chuyển đổi loại cây trồng từ cây ngắn ngày chiều cao thấp, hiệu quả kinh tế thấp bằng cây có chiều cao lớn, có nguy chạm vào dây dẫn gây sự cố và nguy cơ mất an toàn… Trong công tác quản lý, xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn gặp một số khó khăn, bởi người dân vẫn trồng cây lấy gỗ, cây phát triển nhanh trong hành lang mặc dù đã được bền bù, hỗ trợ theo quy định; tự ý khai thác cây ở gần đường dây điện cao áp nhưng không thông báo cho đơn vị quản lý vận hành để được hướng dẫn và phối hợp thực hiện các biện pháp an toàn; còn chưa quyết liệt trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình xây dựng nhà của, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp và đào đất gây sạt lở móng cột công trình điện; chủ dự án, chủ hộ không thực hiện các biện pháp an toàn hoặc không di chuyển đường dây điện, trạm biến áp ra khỏi mặt bằng nhà ở, khu dân cư trước khi thi công dự án… Ngoài ra, trên lưới điện của Công ty quản lý còn 1.592 nhà ở, công trình có người sinh sống, làm việc trong hành lang an toàn lưới điện cao áp không được cơi nới, mở rộng. Đây cũng là những nguy cơ tiềm ẩn phát sinh vi phạm hành lang, gây mất an toàn trong vận hành và sự cố lưới điện.
Tại Hội nghị lần này, Công ty Điện lực Thanh Hóa đưa ra kiến nghị và các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý hành lang an toàn công trình điện nhằm góp phần giảm sự cố, an toàn cho người dân và cung cấp điện ổn định, tin cậy trong thời gian tới.
Tham dự Hội nghị, thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các địa phương cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn hành lang lưới điện trên địa bàn quản lý. Đồng thời đề xuất ngành điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ về công tác chuyên môn để cùng địa phương xử lý các điểm vi phạm còn tồn tại, hạn chế cũng như phát sinh vi phạm mới, giải pháp nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề này.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa nêu rõ: Thanh Hóa hiện đang là một trong những địa phương có sản lượng tiêu thụ điện vào top cao nhất tại miền Bắc. Dự báo nhu cầu sử dụng điện thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng khi ngành công nghiệp đang có hướng phát triển mạnh mẽ, việc đảm bảo cung ứng điện được Công ty xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Để làm tốt điều này, từ những tồn tại trong công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, dẫn đến vẫn còn xảy ra tai nạn điện, mất điện…. Công ty Điện lực Thanh Hóa đã nghiêm túc chỉ ra từng nguyên nhân, bàn các giải pháp khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đáp ứng điện phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh. Để có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, CBCNV trong Công ty, còn phải kể đến sự quan tâm, phối hợp vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và sâu sát của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, chính quyền các cấp địa phương. Với các chỉ đạo quyết liệt, cụ thể tin tưởng công tác bảo vệ hành lang điện trong năm 2024 và những năm tiếp theo sẽ có những chuyển biến lớn mạnh và mang lại kết quả tốt vượt bậc.
Ông Hoàng Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa báo cáo và trả lời kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị.
Bước vào mùa nắng nóng 2024 ngành Điện cả nước nói chung và tại miền Bắc nói riêng dự báo sẽ gặp không ít khó khăn trong cung ứng điện nhất là vào các tháng cao điểm nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8. Công ty Điện lực Thanh Hóa mong muốn các cấp chính quyền địa phương tiếp tục dành sự quan tâm nâng cao công tác bảo vệ an toàn lưới điện, mặt khác tăng cường phối hợp cùng ngành điện đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và mang lại hiệu quả, nhiệm vụ này cần thiết phải được thực hiện rộng rãi, lâu dài trong toàn dân.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện trong thời gian qua. Đồng thời, thống nhất những giải pháp thực hiện của Công ty Điện lực Thanh Hóa đưa ra cho thời gian tới.
Phó Chủ tịch yêu cầu Công ty Điện lực Thanh Hóa ngay trong tháng 5/2024 phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương (MTTQ, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, dân quân tự vệ…), chỉ đạo Điện lực trực thuộc để xử lý các vụ vi phạm hành lang, khoảng cách pha - đất, tổ chức phát động các đợt ra quân thực hiện chuyên đề giải phóng hành lang cây cối có nguy cơ đổ, va quẹt gây sự cố lưới điện trên quy mô cấp xã, phường, thị trấn và báo cáo kết quả về UBND tỉnh; Tăng cường công tác kiểm tra lưới điện, kịp thời phát hiện xử lý những trường hợp vị phạm. Cùng với đó hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp an toàn khi khai thác cây cối gần với đường dây để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho con người và ngăn ngừa sự cố lưới điện. Đồng thời, đối với các cột điện chưa được di dời, yêu cầu ngành điện tiếp tục cùng với các đơn vị liên quan thực hiện di dời cũng như lắp đặt biển báo nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân.
Về phía UBND các huyện, thị xã, thành phố, Phó Chủ tịch yêu cầu tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn kiên quyết cưỡng chế để tháo dỡ các công trình, chặt tỉa cây cối vi phạm hành lang an toàn lưới điện; Phối hợp với Điện lực tăng cường xử phạt hành chính đối với các tập thể, cá nhân cố tình vi phạm hành lang an toàn lưới điện theo Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý: Trước khi cấp, giao đất hoặc cấp phép xây dựng công trình cho các tổ chức, cá nhân cần tham vấn ý kiến của ngành Điện đối với những vị trí nằm trong phạm vi ảnh hưởng của hành lang an toàn đường dây điện đi qua; Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền đến người dân thực hiện chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, chủ trương, chính sách của Nhà nước và vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, chặt tỉa cây gần hành lang có nguy cơ gây sự cố lưới điện.
Đối với vi phạm đã được chỉ ra, trên cơ sở các kiến nghị của Công ty Điện lực Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm chỉ đạo phải sớm có giải pháp để giải quyết, chỉ rõ trách nhiệm thực hiện của các ngành, địa phương, đơn vị liên quan nhanh chóng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong vi phạm hành lang an toàn lưới điện do xây dựng và cấp phép công trình cũng như xem xét quy định việc được trồng các cây trong hành lang lưới điện và các cây ngoài hành lang gần đường dây điện, để người dân không được trồng cây lấy gỗ, cây phát triển nhanh trong và ngoài hành lang lưới điện vi phạm hành lang gây sự cố lưới điện.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, nhà thầu trước khi thi công các dự án đường giao thông, san lấp mặt bằng khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, công trình ngầm tại những nơi có trạm biến áp, đường dây điện giao chéo đi phía trên và ngầm ở dưới phải xây dựng phương án cải tạo hoặc di rời để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện mới thi công dự án.
Đối với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tiếp tục tăng cường phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa xây dựng và phát bản tin an toàn bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, an toàn trong sử dụng điện, các biện pháp phòng tránh tai nạn điện, trong dân, tiết kiệm điện đến toàn thể các đối tượng khách hàng.
Link gốc