Do vậy, Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đặt mục tiêu đến năm 2025 có 70% khu công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng giải pháp TKNL; 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hẹ thống quản lý năng lượng; 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện, giải pháp kỹ thuật theo hướng TKNL; 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh… Đồng thời, đạt được các yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Đó là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024 tổ chức ngày 19/09/2024 tại TP Đà Nẵng.
Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm hơn 67% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2020 và sẽ lên tới hơn 73% vào năm 2030 theo kịch bản thông thường. Theo báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã cam kết cắt giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 so với kịch bản thông thường bằng nguồn tự lực trong nước, và có thể tăng lên đến 27% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Ngày 08 tháng 6 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh: các Chương trình, Chỉ thị đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vai trò quan trọng mang tính chiến lược việc của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.
"Bên cạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã và đang triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Đây là Chương trình tiếp cận theo hướng toàn diện và theo xu hướng thế giới nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liêu. Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất xuất bền vững mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững".
Hiện đã có 60/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) của địa phương giai đoạn 2020-2025 và giai đoạn đến năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Trừ - PGĐ Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết thực tế về việc triển khai tại địa phương. "Trong hành trình phát triển kinh tế xã hội, chúng tôi luôn xem việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cùng với sản xuất và tiêu dùng bền vững là những yếu tố then chốt. Thành phố đã ban hành và thực hiện Kế hoạch Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030, cùng với Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Các nhiệm vụ này đã được lồng ghép vào quy hoạch và các dự án phát triển của thành phố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và hỗ trợ kịp thời từ Bộ Công Thương, cũng như sự phối hợp chặt chẽ với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Điều này giúp thành phố thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về lợi ích của các giải pháp tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và sản xuất xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính".
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Đáng chú ý, Chương trình tiết kiệm điện đã đạt kết quả tỷ lệ tiết kiệm điện toàn quốc > 2% hàng năm trong giai đoạn 2020-2023 (cao hơn yêu cầu tại Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ đề ra là 2%). Về việc thực thi Chỉ thị 20/CT-TTg từ phía đơn vị cung ứng điện năng, ông Trần Viết Nguyên Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, "Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì chúng tôi ngay khi nhận được Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng cũng như hướng dẫn của Bộ Công Thương thì đã tổ chức triển khai ngay tại Tập đoàn cũng như các đơn vị trực thuộc. Thứ nhất là về chỉ tiêu thì chúng tôi giao chỉ tiêu cho các đơn vị trong ngành là phải thực hiện tốt hơn gấp đôi đến gấp 3 lần so với chỉ tiêu tối thiểu mà trong Chỉ thị 20/CT-TTg đã nêu, và với vai trò là đơn vị cung ứng điện thì chúng tôi phải thực thi tốt và tiên phong gương mẫu trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Ví dụ như là tiết kiệm điện tại công sở, EVN giao cho các đơn vị tối thiểu là 10% thay vì 5% của khối hành chính sự nghiệp như chỉ thị 20/CT-TTg… thì chúng tôi cũng tổ chức triển khai cụ thể tại các đơn vị, giao các chỉ tiêu cụ thể và có đánh giá có đo lường".
Mặc dù đã đạt được các kết quả rất đáng ghi nhận, song, theo cơ quan quản lý nhà nước, để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình Quốc gia về SDNL TK&HQ thời gian tới thì một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật đã được Chính phủ ban hành năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011. Sau hơn 10 năm thực thi, cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc, làm rõ các cơ chế ưu đãi, khuyến khích về việc SDNL TK&HQ.