Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan Đảng, Quốc hội, bộ ngành có liên quan, các tổ chức chính trị xã hội: Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quản lý Nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện các Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc; Đại diện một số hiệp hội: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Điện lực, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam; đại diện các tập đoàn là chủ đầu tư và các đơn vị điện lực; Đại diện khách hàng sử dụng điện có quy mô lớn.
Về phía EVN, tham dự hội thảo có các Phó Tổng giám đốc Tập đoàn: Nguyễn Tài Anh, Nguyễn Xuân Nam, Phạm Hồng Phương; lãnh đạo các ban chuyên môn EVN.
Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi các luật khác có liên quan vào các năm 2012, 2018, 2022, 2023; trong đó nội dung sửa đổi năm 2023 về giá điện có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Điện lực, Bộ Công Thương đã đề xuất và được Chính phủ thông qua dự kiến xây dựng Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn về quy hoạch, đầu - tư phát triển điện lực; phát triển năng lượng tái tạo; phát triển thị trường điện, mua bán, cung cấp dịch vụ điện và giá điện; cấp phép hoạt động điện lực; vận hành hệ thống điện và an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để tiến hành soạn thảo Dự án Luật. Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, toàn văn dự thảo luật và tờ trình đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công Thương từ ngày 29/3/2024 để lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp.
Sáng ngày 03/5, đại diện Bộ Công Thương đã trình bày chuyên đề Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực. Các đại biểu tham gia Hội thảo đến từ Sở Công Thương Hà Nội, EVN, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp… cũng đã trao đổi, cho ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực.
Chiều ngày 03/5 và ngày 04/5, Hội thảo sẽ tiếp tục nghe và cho ý kiến về 6 chuyên đề: Phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; Thị trường điện và một số nội dung liên quan đến hoạt động mua bán trên thị trường điện; Chuyên đề về giá điện và hợp đồng mua bán điện; Vận hành hệ thống điện, quản lý nhu cầu điện; Giấy phép hoạt động điện lực; An toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện.