Toàn cảnh Hội thảo quản lý điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng.
Tại Hội thảo, các khách mời đã có cơ hội trực tiếp trao đổi về những rủi ro có thể gặp phải trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi dưới các góc nhìn của pháp chế, của chuỗi cung ứng, của các nhà phát triển, cũng như của các nhà sản xuất.
Nhiều biện pháp quản lý rủi ro đã được đề xuất thực hiện, đặc biệt đối với quá trình vận hành và vận tải hàng hóa hạng nặng ngoài khơi. Hội thảo cũng tập trung đưa ra các yêu cầu kĩ thuật trong phát triển thị trường năng lượng điện gió móng cố định và móng nổi.
Bên cạnh đó, các kinh nghiệm thực tiễn khi tham gia vào thị trường mới cũng được đề xuất cho Việt Nam, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong ngành.
Các khách mời đặt câu hỏi.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Kỳ Phúc nhấn mạnh: “Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, điện gió ngoài khơi là một giải pháp đột phá. Năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2045 được kì vọng đạt khoảng 20 GW. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tư vấn cũng như chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thiết kế và dịch vụ logistics trong quá trình xin phê duyệt các dự án điện gió ngoài khơi. Hội thảo này hy vọng sẽ giải quyết được phần nào những khó khăn đó”.
Ông Henri Wasnick cũng chia sẻ: “Điện gió ngoài khơi có tiềm năng đóng vai trò chính yếu trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, đặc biêt trong việc thực hiện các mục tiêu giảm thiểu khí CO2, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế xã hội. Một chuỗi cung ứng nội địa bền vững sẽ mang đến cơ hội lớn để giảm giá thành năng lượng và phát triển nền công nghiệp xuất khẩu tự chủ cho một số lĩnh vực chuyên biệt. Tiềm năng này cần được chú trọng phát triển sâu rộng, nhằm tối ưu hóa nguồn năng lượng trong nước và quốc tế”.
Cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học,… năng lượng gió có đóng góp lớn trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu kép, vừa giảm thiểu phát thải khí nhà kính và đảm bảo nguồn cung năng lượng bền vững với giá thành phải chăng.
Dự án 4E đã được triển khai từ năm 2015 đến nay, với mục tiêu phát triển hơn nữa các điều kiện tiền đề về pháp lý, quản lý và thể chế cũng như các năng lực liên quan nhằm thúc đẩy đầu tư vào Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng. Dự án được ủy quyền thực hiện bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) với đối tác là Bộ Công Thương Việt Nam, do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ thực thi. |
Theo: Báo Xây Dựng